+
Aa
-
like
comment

Giật mình về thủ phạm đâm chìm tàu hải quân Nga

Ngọc Hoàng - 25/09/2019 14:36

Một tàu Hải quân Nga trong lúc tham gia hoạt động thám hiểm tại Bắc Cực thì không may bị đâm chìm. Tuy nhiên, thủ phạm không phải là tàu địch mà là một con hải mã.

Tàu Hải quân Nga ở Bắc Cực bị hải mã đâm chìm? - Ảnh 1.
Hải mã mẹ tấn công tàu đổ bộ của Hải quân Nga vì sợ con của mình bị đe dọa – Ảnh chụp màn hình Metro

Báo USA Today ngày 25-9 cho biết vụ việc trên diễn ra tuần trước, khi Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga cùng với Hiệp hội Địa lý Nga (RGO) đang thực hiện một cuộc thám hiểm khoa học, khảo sát hệ sinh thái tại quần đảo Franz Josef Land ở Bắc Bắc Dương, cực bắc Nga.

Các quan chức quân đội Nga tuyên bố cho biết con tàu bị tấn công khi các nhà nghiên cứu đang đi vào mũi Heller trên hòn đảo Wilczek Land thuộc quần đảo trên. Để vào bờ, họ phải rời tàu kéo Altai kiên cố, sử dụng tàu đổ bộ có kích thước nhỏ hơn.

“Nhóm nghiên cứu phải chạy trốn một con hải mã cái. Con vật đã tấn công tàu thám hiểm để bảo vệ con” – trang tin Barents Observer dẫn thông báo của quân đội Nga.

Hải quân Nga cho biết đội thám hiểm đã tránh được rắc rối nghiêm trọng lớn trong khi không gây thương tích cho hải mã.

Tuy nhiên, Hiệp hội địa lý Nga cho biết có một “nạn nhân”: tàu đổ bộ bị chìm. Đội thám hiểm sau đó lên bờ an toàn và cuộc thám hiểm tiếp tục diễn ra.

Trang Barents Observer tường thuật thời điểm đó một chiếc máy bay không người lái gần các con hải mã. Không rõ đây có phải là nguyên nhân khiến con hải mã trên giận dữ và tấn công tàu Hải quân Nga hay không.

Hải mã còn được gọi là moóc hay hải tượng (voi biển). Đài National Geographic cho biết với chiều dài từ 2-3,5m, một con hải mã có thể nặng tới 1,5 tấn. Hải mã trưởng thành có hai chiếc ngà đặc trưng và râu.

Theo một bài viết đăng năm 2018 trên tạp chí Ambio về sự tiếp xúc giữa hải mã và con người, loài vật này được đánh giá rất dễ hung hãn, đặc biệt nếu con của chúng bị đe dọa.

Sau sự cố trên, Hiệp hội Địa lý Nga chia sẻ: “Gần đây chúng tôi đã viết về những nguy cơ bám theo các thành viên thám hiểm: động vật hoang dã, dông bão, nhiệt độ thấp. Vụ việc này một lần nữa cho thấy không ai muốn con người đến Bắc Cực”.

Đây không phải là lần đầu tiên hải mã và Hải quân Nga có những cuộc chạm mặt bất ngờ. Hồi tháng 5, nhiều bức ảnh được cho là chụp từ năm 2006 đã lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh một con hải mã to lớn đang ngủ trên một tàu ngầm Nga.

Ngọc Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều