+
Aa
-
like
comment

Giáo viên hợp đồng ở Mỹ Đức bị ép ký tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội

17/08/2019 14:33

Nhiều trường tại huyện Mỹ Đức yêu cầu giáo viên hợp đồng phải viết thỏa thuận: nhận mức lương 1,2 triệu đồng/ tháng và tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội.
Giáo viên muốn tiếp tục hợp đồng phải cam kết: Tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội

Thời gian qua nhiều cơ quan báo chí đồng loạt lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho hơn 300 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức.

Câu chuyện về những giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn chưa đi đến hồi kết (Ảnh:V.N)

Cụ thể: Giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức được ký hợp đồng lao động ngắn hạn 3 tháng/ lần; hưởng lương 1.210.000 đồng/ tháng; không được đóng bảo hiểm xã hội.

Theo phân tích của nhiều luật sư đây là hành vi vi phạm luật lao động và luật bảo hiểm xã hội.

Kể từ ngày 1/1/2006, nhiều Quận, huyện tại thành phố Hà Nội đã bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho các giáo viên hợp đồng.

Nhưng tại huyện Mỹ Đức, hơn 300 giáo viên hợp đồng của huyện này lại không được đóng bảo hiểm xã hội.

Điều này khiến cho số giáo viên hợp đồng nơi đây chịu rất nhiều thiệt thòi thậm chí chấp nhận cảnh trắng tay khi nghỉ hưu.

Công văn của Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức gửi cho các trường trên địa bàn huyện (Ảnh:V.N)

Trước những thông tin mà báo chí phản ánh, bản thân ông Mai Thành Công, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức thừa nhận:

“Đây là cái sai của huyện nếu chiếu theo Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng có đồng lương phụ cấp nào huyện cũng đã chi trả và các cô đã lĩnh hết, các cô không đóng bảo hiểm xã hội thì sau này hết tuổi lao động cũng không có chế độ gì.

Tuy nhiên, hiện nay hợp đồng lao động 1 tháng kéo dài 3 lần cũng phải ký hợp đồng dài hạn, chúng tôi biết điều này sai luật.

Trong kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục lần này, chúng tôi mong có cơ chế đặc biệt quan tâm đến giáo viên hợp đồng có kinh nghiệm, trình độ, mang tính nhân văn với các cô”.

Mặc dù huyện Mỹ Đức ý thức được việc đã làm sai luật. Tuy nhiên, dường như Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức lại không có ý định sửa sai.

Cụ thể, ngày 12/8/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức ra văn bản số 1142/UBND-NV: Về việc đồng ý cho các trưởng Trung học cơ sở, tiểu học, mầm non ký hợp đồng quý 3 năm 2019 đối với lao động ngắn hạn.

Nội dung trong văn bản này bao gồm:

Đồng ý cho Hiệu trưởng ký hợp đồng với các ông (bà) là giáo viên, nhân viên hợp đồng ngắn hạn tại đơn vị đã hết hạn hợp đồng và có nguyện vọng tiếp tục công tác.

Thời gian hợp đồng: từ 1/7/2019 đến 30/9/2019 (3 tháng).

Nguồn kinh phí trả lương cho số lao động hợp đồng ngắn hạn trên do Ủy ban Nhân dân huyện trả mức: 1.210.000 đồng/ tháng.

Lưu ý: Các nhà trường nộp Đơn của các cá nhân về Phòng Nội vụ huyện ( Ghi rõ: Mức lương thỏa thuận là 1.210.000 đồng/ tháng).

Phần lưu ý được in đậm rất rõ nhấn mạnh mức lương giáo viên hợp đồng nhận được (Ảnh:V.N)

Ngay sau khi có văn bản trên, hiệu trưởng các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, mầm non trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã triệu tập số giáo viên hợp đồng của trường và yêu cầu viết tay: Đơn xin tiếp tục hợp đồng.

Cô L.T.X kể lại: “Chúng tôi bị gọi lên. Hiệu trưởng đưa cho mẫu đơn xin tiếp tục hợp đồng và yêu cầu phải viết đơn.

Mọi người nhìn ai cũng cảm thấy chán nản. Nội dung đơn ghi chấp nhận mức lương 1,2 triệu đồng/ tháng; tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội. Nếu không viết thì  bị thanh lý hợp đồng.

Chúng tôi cũng phản ứng hỏi hiệu trưởng. Hiệu trưởng nói: Tôi chỉ làm theo chỉ thị của Ủy ban Nhân dân huyện. Tôi cũng muốn giúp các thầy cô nhưng ý chí của Huyện không phải của trường. Tôi cũng chịu.

Mấy chị em lặng người, không nói thành lời. Tranh luận từ 7 giờ đến 11 giờ trưa mới xong. Ngày đầu tôi vào ngành giáo dục không nghĩ sẽ lại có chuyện như này. Thực sự quá bạc”.

Nội dung trong đơn xin tiếp tục hợp đồng mà các giáo viên phải chép tay được cho là mẫu từ trên Huyện gửi xuống trường. Và các trường trên địa bàn huyện thực hiện đồng loạt.

“…Nay tôi làm đơn này xin được tiếp tục làm hợp đồng làm việc tại trường Trung học cơ sở…đề nghị Ban giám hiệu nhà trường Trung học cơ sở…tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động với tôi kể từ ngày 1/7/2019 đến ngày 30/9/2019 để tôi được tiếp tục công tác và cống hiến cho trường.

Với mức lương thỏa thuận với Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức là: 1.210.000 đồng và tự nguyện không đóng bảo hiểm”.

Mẫu đơn do Ủy ban Nhân dân gửi các trường, yêu cầu các giáo viên phải viết tay và cam kết tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh:V.N)

Như vậy Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức thể hiện rõ “quyết tâm” không đóng bảo hiểm cho người lao động và chỉ trả mức lương 1.210.000 đồng/ tháng. Nếu giáo viên không thỏa thuận những điều kiện trên sẽ bị cắt hợp đồng.

Điều này khiến cô V.T.T uất ức: “Huyện làm vậy chẳng khác nào ép chúng tôi đến đường cùng.

Trong khi đó có người đã đồng hành cùng ngành giáo dục huyện Mỹ Đức gần 20 năm trời. Biết bao thế hệ học sinh do chúng tôi dạy dỗ. Học ép người quá đáng quá!”.

Ai ơi nhớ lấy câu này: Giấy rách phải giữ lấy lề

Sau khi nhận được mẫu đơn xin tiếp tục hợp đồng với những cam kết: chỉ nhận lương 1.210.000 đồng và tự nguyện không đóng bảo hiểm, nhiều giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức đã chấp nhận ra khỏi ngành.

Cô L.T.X, một giáo viên hợp đồng có 20 năm công tác nói: “Đến thời điểm này, nếu Huyện vẫn muốn gạt chúng tôi thì tôi chấp nhận bỏ dạy.

Tôi cũng nói thẳng: Mức lương 1.210.000 đồng mà Huyện trả cho chúng tôi không được gọi là lương mà gọi đúng ra là tiền xăng xe.

Còn vấn đề bảo hiểm trong khi các huyện khác họ vẫn đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên hợp đồng thì huyện Mỹ Đức vẫn không đóng cho chúng tôi”.

Câu chuyện ở đây là gì? Mặc dù Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức biết rằng việc không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là sai.

Tuy nhiên Huyện lại không tìm cách sửa sai mà lại “ép” giáo viên hợp đồng: tự nguyện không tham gia bảo hiểm xã hội.

Giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức chật vật với mức lương thấp (Ảnh:V.N)

Dưới góc độ pháp lý, căn cứ theo Điều 2, Luật Bảo hiểm Xã hội:

Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng…”

Cũng tại Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội, pháp luật định rõ 05 nhóm người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.

Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác.

Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác.

Cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Theo ý kiến của luật sư: Việc Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức đã sử dụng lao động (lao động ngắn hạn) bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên hợp đồng. Đây là quyền của các thầy cô cũng là nghĩa vụ của Ủy ban Nhân dân huyện.

Trong trường hợp: Cơ quan sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Căn cứ theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 25/6/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2019.

Trường hợp: Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt từ 6 tháng đến 1 năm.

Trong khi đó số giáo viên hợp đồng hiện nay không được hưởng bảo hiểm (dẫn theo lời của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức) là hơn 300 người.

Về tính pháp lý là như vậy, tuy nhiên chúng tôi muốn bàn thêm dựa trên khía cạnh nhân văn. Đến thời điểm này, mặc dù chịu nhiều bất công trong từng đấy năm công tác.

Nhưng số giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức vẫn dành những tình cảm đến ngành giáo dục của huyện. Họ vẫn cam chịu và cố gắng đến lớp mỗi ngày, nhận đồng lương ít ỏi.

Ở chiều ngược lại, theo một số giáo viên: Huyện đã nhận ra cái sai nhưng lại không sửa sai mà chỉ tìm cách “ép” giáo viên.

Cách cư xử trái ngược này khiến chúng tôi cảm nhận : Đúng là giấy rách còn giữ được lề; đói cho sạch rách cho thơm. Tại sao Huyện lại không thể nhân văn với những người nhân văn với Huyện?

Một độc giả khi biết câu chuyện về số phận của hơn 300 giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức đã gửi bình luận về và tha thiết mong Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải. Nội dung như sau:

“Hồi giờ tôi cứ tưởng chỉ có doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp nước ngoài mới có chuyện tránh né đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động chứ.

Đường đường là một cơ quan công quyền của Nhà nước ở địa phương mà cũng né đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, mà người lao động đó lại là những giáo viên ươm mầm cho tương lai. Thật không hiểu nổi!”.

Cũng cần nhắc thêm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu rà soát và xử lý dứt điểm, đảm bảo quyền lợi cho số giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm.

Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức đừng nên làm sai cả lý, sai cả tình.

Vũ Ninh/Giáo Dục Việt Nam

Bài mới
Đọc nhiều