Giáo sư Thayer: Tứ Sa là âm mưu nham hiểm biện minh đường 9 đoạn của Trung Quốc
Việc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa”, “quận Nam Sa” là nỗ lực đẩy mạnh mưu lược Tứ Sa của Bắc Kinh để biện minh cho yêu sách đường 9 đoạn bị bác bỏ vào năm 2016.
Chia sẻ với PV, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông từ Học viện Quốc phòng – Đại học New South Wales (Australia) cho rằng, âm mưu đằng sau các hành động ngang ngược gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là các nỗ lực đẩy mạnh mưu lược Tứ Sa nhằm biện minh cho yêu sách đường 9 đoạn bị bác bỏ vào năm 2016.
– Quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” của Trung Quốc là một nỗ lực nhằm đẩy mạnh mưu lược “Tứ Sa” để yêu sách đường 9 đoạn bị Tòa án Trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016. Âm mưu này của Trung Quốc khá rõ ràng và nằm trong âm mưu dài hạn của Bắc Kinh trong tranh chấp Biển Đông, thưa ông?
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Theo đó, đường 9 đoạn được coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc không bỏ cuộc, mà họ chỉ không đề cập đến vấn đề này một cách mạnh mẽ như trước. Trong những năm tiếp theo, Trung Quốc đưa ra mưu lược mới với tên gọi là “Tứ Sa”, bao gồm bãi Macclesfield, nhóm đảo Pratas mà Bắc Kinh gọi là “quần đảo Đông Sa”, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, theo tôi, bãi Macclesfield hoàn toàn nằm dưới mặt nước nên tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là hoàn toàn vô lý.
Tháng trước, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa” (là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam với bằng chứng không thể tranh cãi). Đây là một phần trong cái mà chúng ta gọi là 3 mặt trận của Trung Quốc trên Biển Đông. Và, một trong những mặt trận đó là pháp lý.
Bằng cách thiết lập các “quận đảo”, đặt các cơ quan hành chính và đặt lại tên các thực thể địa lý, Trung Quốc đang tìm cách ép buộc các hãng hàng không, các công ty tàu biển, tất cả người dân phải sử dụng những tên gọi đó. Đây có thể xem là “trận chiến ngôn từ” vì nếu ai đó không đồng ý sử dụng, Trung Quốc sẽ gây áp lực.
Gợi ý của Biên tập viên »Trung Quốc lợi dụng COVID-19 để gia tăng ảnh hưởng và bành trướng trên Biển Đông »Chuyên gia: Trung Quốc bị suy giảm lòng tin do hành động phi pháp trên Biển Đông »’Trung Quốc đang làm cho tình hình Biển Đông trở nên nghiêm trọng hơn’ Chúng ta đã thấy, trong quá khứ có những hãng hàng không buộc phải khuất phục trước “trận chiến ngôn từ” này. Nó cũng là trận chiến về pháp lý, bằng cách làm cho mọi người nói theo cách mà Trung Quốc mong muốn, tức là họ đã mặc nhiên thừa nhận yêu sách của Trung Quốc.
Nó là trận chiến ngôn từ và pháp lý, mà Trung Quốc đã thực hiện trong một thời gian dài.
– Trung Quốc đơn phương ban hành luật cấm đánh bắt cá để giành độc quyền khai thác thủy sản ở Biển Đông và thách thức luật lệ quốc tế. Quan điểm của ông về hành động phi pháp này của Trung Quốc?
Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra tuyên bố này vào năm 2009, Lí do họ đưa ra là không phải để thâu tóm lãnh thổ, mà để bảo tồn nguồn cá trong mùa sinh sản và Trung Quốc, yêu cầu những tàu đánh cá không được đi vào vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ Vĩ Bắc, và chỉ đánh cá từ tháng 5- 8 hàng năm.
Hành động của Trung Quốc là phi pháp, vì họ không có quyền sở hữu đối với vùng Biển Đông. Và vùng biển này đang có tranh chấp nên Trung Quốc không thể tự ý tuyên bố cấm đánh cá.
Trung Quốc thường nói là muốn hợp tác hòa bình. Nếu Bắc Kinh thực sự muốn như vậy, họ có thể dễ dàng liên hệ với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan.
Hành động của Trung Quốc là phi pháp, vì họ không có quyền sở hữu đối với vùng Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer
Như các luật sư đã nói, các nước có thể cùng hợp tác để bảo vệ các loài thủy sản, với điều kiện sự hợp tác này sẽ không bị lợi dụng để gây tổn hại đến chủ quyền của các quốc gia khác.
Đây là vấn đề thực tiễn. Từ khi tôi tham gia vào Hội thảo Biển Đông lần đầu tiên vào 10 năm trước và hiện giờ là Hội thảo lần thứ 11, đã có rất nhiều học giả trình bày việc tổ chức một khu vực đánh cá chung trong khu vực, nhằm bảo tồn như một sự hợp tác có lợi cho các bên.
Tuy nhiên Trung Quốc muốn đơn phương thống trị, muốn ngư dân chỉ được đánh cá ở đây nếu được sự đồng ý của Bắc Kinh, và các nước phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc.
Điều này sai về mặt pháp lý và không có quốc gia nào bị ràng buộc bởi lệnh cấm đó.
– Ông đánh giá ra sao về phản ứng của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế đối với hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm gần đây?
Có một điều đáng chú ý là Philippines bày tỏ quan điểm vào sự kiện ngày 2/4 vừa qua, khi Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Philippines cũng phản đối về những bài hát tuyên truyền toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc. Và chúng ta đã nhìn thấy các phản ứng khác của Philippines, mặc dù chưa thực sự mạnh mẽ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, khi các nước đang quan ngại vì đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng cho khu vực này, còn Trung Quốc tiếp tục thực hiện hành vi phi pháp trên Biển Đông.
Và câu hỏi đặt ra là nếu đây là cách mà Trung Quốc hành xử khi mà những “người bạn” gặp khó khăn, thì nước này sẽ hành xử như thế nào trong hoàn cảnh khác?
Hiện tại, Mỹ đang có thay đổi lớn về chính sách, khi nước này đưa tàu tuần tra vào vùng biển Malaysia, gần với khu vực tàu Trung Quốc hoạt động.
Bắc Kinh đang có những hành động đối với Malaysia, giống như những gì nước này đã làm với Việt Nam vào năm 2019, khi Bắc Kinh uy hiếp giàn khoan Harakyu-5 của Nhật Bản, hoạt động theo hợp đồng với Công ty Rosneft (Nga) được Việt Nam cấp phép trong vùng biển Việt Nam.
Giờ đây, Bắc Kinh lại gây rối đối với tàu West Capella, một tàu thăm dò làm việc theo hợp đồng với công ty dầu khí quốc gia Malaysia – Petronas. Tuy nhiên, lần này thì tàu chiến Mỹ đã xuất hiện và tiếp tục hiện diện tại khu vực đó.
Xung đột giữa Mỹ – Trung về nguồn gốc, nguyên nhân gây bùng phát dịch COVID-19 đã lan sang vấn đề Biển Đông, và Washington đang có những động thái phản đối mạnh mẽ đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc đang phải đối mặt thêm vấn đề phải ứng xử ra sao với ASEAN. COVID-19 khiến các cuộc đối thoại về Biển Đông (dự kiến tổ chức vào tháng 6/2020) bị hoãn.
Trong cuộc họp trực tuyến Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua, Malaysia có phản ứng, tuy còn khá yếu ớt. Malaysia đã chịu sự gây rối liên tục của Bắc Kinh trong nhiều năm. Do đó sự việc diễn ra trong năm nay không phải là điều mới mẻ đối với Malaysia.
Ngoài ra, Malaysia hiện có quan điểm rất chung chung, khi nước này không muốn tàu chiến các nước có mặt ở Biển Đông. Quan điểm này của Malaysia là không thực tế, bởi vì lực lượng hải quân các nước có quyền đi qua vùng biển quốc tế theo quy định về tự do hàng hải.
– Các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần làm gì để ngăn chặn hiệu quả hành vi sai trái của Trung Quốc?
Tôi cho rằng, không có câu trả lời dễ dàng cho vấn đề này. Vì Trung Quốc có hàng loạt hành vi sai trái, từ việc ức hiếp, gây hấn, đâm va tàu, tuyên bố thành lập các quận huyện, đặt lại tên các thực thể, gây rối tàu chở dầu… Có nhiều vấn đề xảy ra, cho nên chúng ta phải xem xét từng vấn đề cụ thể.
Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông là một điểm tích cực. Tuy nhiên vào hồi tháng 2, Philippines đã ra thông báo sẽ hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA). Với quyết định này, Mỹ sẽ không thể đến thăm và đồn trú tại Philippines, mà không có sự đồng thuận của chính phủ nước này.
Việt Nam vừa gửi công hàm đến Liên hợp quốc để phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Đây là một điểm quan trọng. Hiện Việt Nam là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong khi Trung Quốc là thành viên thường trực, nên Bắc Kinh luôn cố gắng áp đặt các quan điểm về Biển Đông tại tổ chức đa phương này.
Việt Nam, Philippines và một số quốc gia khác như Australia phải tiếp tục lên tiếng tại các tổ chức mà họ là thành viên, để phản ứng lại Trung Quốc. Bắc Kinh không có quyền áp đặt, cấm các cuộc đối thoại, trao đổi về vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, về vấn đề Biển Đông, mỗi quốc gia phải làm việc song phương với Trung Quốc, để có định hướng hành động khi Trung Quốc định đưa tàu thăm dò vùng biển này. Năm ngoái, Việt Nam đã theo dõi và giám sát, nhưng không khiêu khích Trung Quốc.
Trong một hội thảo ở Trung Quốc, tôi thấy trên truyền hình Trung Quốc xuất hiện câu nói rằng, “nếu anh bước một bước thì chúng tôi sẽ bước một bước rưỡi, nếu anh bước 2 bước thì chúng tôi sẽ bước 2 bước rưỡi”.
Thực tế, khiêu khích Trung Quốc là điều không cần thiết trong cuộc đấu tranh trên Biển Đông.
Hiện Trung Quốc và ASEAN đang thúc đẩy thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hình thành bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Hai bên dần nhất trí văn bản duy nhất về đàm phán COC. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin gì về việc thúc đẩy quá trình này giữa ASEAN và Trung Quốc.
Tôi cho rằng, Việt Nam cần cho các thành viên ASEAN thấy rằng, Việt Nam sẽ không ký Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) khi nó đi ngược lại lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Nói cách khác, Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) không có giá trị thực thi nếu nó không hợp pháp và các khu vực tranh chấp không được phân định rõ ràng hoặc không có cơ chế giải quyết tranh chấp và đảm bảo thực hiện khi có ai đó phá vỡ quy tắc ứng xử trên.