Giáo sư Oxford: Các biện pháp chống dịch của Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả
“Việt Nam đang tích cực theo đuổi tất cả các biện pháp nhằm tiến tới chấm dứt đại dịch COVID-19. Thời gian tới sẽ là thời điểm khó khăn và thử thách cho Việt Nam, nhưng tôi tin rằng những biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện sẽ phát huy hiệu quả”, Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford ở Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.
Giáo sư Thwaites cho biết, biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm giữa người với người cao hơn 40-60% so với biến thể Alpha. Biến thể Delta có khả năng gây quá tải cho hầu hết mọi hệ thống chăm sóc sức khỏe trên thế giới nếu không kiểm soát được sự lây lan.
Tuy nhiên, không có nghĩa là biến thể này ‘nguy hiểm’ hơn nhiều so với các biến thể khác vì tỉ lệ người nhiễm bệnh của biến thể này tiến triển nặng tương tự như các biến thể khác.
Tình trạng gia tăng các ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam thời gian gần đây là do tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Thời kỳ đầu biến thể này xuất hiện, sự lây lan diễn ra âm thầm và khó phát hiện do người nhiễm bệnh ít có biểu hiện triệu chứng.
Theo Giáo sư Thwaites, Việt Nam đang đi đúng hướng khi thực hiện cả ba giải pháp tiến tới chấm dứt dịch bệnh, đó là: Ngăn chặn sự lây lan bằng cách sớm phát hiện và cách ly các ca nhiễm và các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm; kích hoạt các biện pháp giãn cách xã hội; giảm thiểu dịch bệnh bằng cách thực hiện tiêm chủng diện rộng.
“Về lâu dài, tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn lây nhiễm cũng như hạn chế tình trạng bệnh trở nặng do biến thể Delta gây ra”, ông Thwaites nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép là vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, tương tự như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam càng cần phải đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine. Tuy nhiên, nguồn cung vaccine trên thế giới vẫn khan hiếm trong khi các quốc gia phát triển còn hạn chế chia sẻ nguồn vaccine, đây là thách thức cho Việt Nam.
“Việt Nam đang tích cực theo đuổi tất cả các biện pháp nhằm tiến tới chấm dứt đại dịch COVID-19. Thời gian tới sẽ là thời điểm khó khăn và thử thách cho Việt Nam, nhưng tôi tin rằng, những biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện sẽ phát huy hiệu quả”, Giáo sư Guy Thwaites khẳng định.
Kinh nghiệm ứng phó với biến thể Delta
Giáo sư Thwaites cho biết, hiện tại hầu hết các nước khống chế biến thể Delta bằng biện pháp tiêm chủng và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn so với các đợt dịch trước. Tuy nhiên, phong tỏa không thể là một chiến lược lâu dài vì nó tác động rất lớn đến kinh tế và xã hội, do đó chiến lược lâu dài duy nhất là tiêm vaccine và cần có đủ dụng cụ để người dân có thể tự xét nghiệm ở nhà dễ dàng và nhanh chóng.
Hiện Chính phủ Anh cung cấp miễn phí các dụng cụ xét nghiệm và khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm tại nhà thường xuyên (một hoặc hai lần một tuần). Có thể những xét nghiệm này không hoàn toàn chính xác vì chỉ có thể phát hiện những ca nhiễm có tải lượng virus cao, nhưng đó là phương pháp hữu hiệu để phát hiện sớm mầm bệnh, tìm ra ca nhiễm có nguy cơ lây lan cao sang người khác và giúp họ nhanh chóng tự cách ly, qua đó giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Việt Nam cần giám sát chặt chẽ các biến thể virus mới. Việc này đặt ra thách thức khá lớn về mặt kỹ thuật nhưng Việt Nam có đủ điều kiện để làm được vì có những phòng thí nghiệm chất lượng có thể cung cấp thông tin nhanh chóng về các biến thể mới trong nước. Cảnh báo sớm là cách phòng ngự từ sớm, bác sĩ Thwaites nhấn mạnh.
Giáo sư Thwaites là Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford ở Thành phố Hồ Chí Minh (OUCRU) từ năm 2013. Ông chịu trách nhiệm về chiến lược khoa học và lãnh đạo toàn bộ chương trình OUCRU, với chủ đề nghiên cứu chính về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, sốt xuất huyết, nhiễm trùng não, lao, sốt rét, nhiễm trùng đường ruột, kháng thuốc kháng sinh và chăm sóc người bệnh hiểm nghèo. Nghiên cứu cá nhân của ông tập trung vào các bệnh nhiễm trùng nặng do vi khuẩn, đặc biệt là bệnh lao.
Thùy Dung