Giáo sư Lê Thi, người phụ nữ kéo cờ Ngày độc lập 2-9-1945, qua đời
Bà Lê Thi – một trong hai phụ nữ được chọn kéo cờ Ngày độc lập 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội – vừa mất hôm nay 28-8, ngay trước thềm kỷ niệm 75 năm sự kiện trọng đại mà bà được vinh dự góp mặt.
Bà Lê Thị Thanh Bình – con gái của bà Lê Thi – cho biết mẹ mình ra đi nhẹ nhàng vì tuổi cao sức yếu vào sáng 28-8, hưởng thọ 95 tuổi.
Hai ngày trước, bà Lê Thi còn tiếp đoàn cán bộ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tới thăm hỏi, chúc mừng bà nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2-9.
Bà Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, sinh năm 1926 (Lê Thi là bí danh khi tham gia hoạt động cách mạng), quê xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Bà là một trong 8 người con của nhà giáo nổi tiếng, hiệu trưởng Trường Bưởi, liệt sĩ Dương Quảng Hàm.
Bà có người chị gái nổi tiếng là bà Dương Thị Ngân, chính là phát thanh viên Ngân Thanh – phát thanh viên nữ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, một trong hai người đọc bản tin phát đi Bản tuyên ngôn độc lập vào trưa 7-9-1945.
Năm 17 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương, Hà Nội), bà Lê Thi đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia Đội phụ nữ cứu quốc đi tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ cách mạng.
Sáng 2-9-1945, bà Lê Thi dẫn đầu Đoàn phụ nữ Hàng Bông đến Quảng trường Ba Đình. Một cán bộ trong ban tổ chức Ngày lễ độc lập đến thông báo cử một phụ nữ lên kéo cờ.
Các chị em lập tức đồng thanh cử bà lên kéo cờ. Vậy là bà trở thành nhân vật lịch sử tham gia một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Sau Ngày độc lập, bà Lê Thi hăng hái tham gia cách mạng trong Hội Phụ nữ cứu quốc của quận Hoàn Kiếm và tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 1956, bà được cử đi học lớp lý luận chính trị cao cấp đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, rồi đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau.
Cuối thời kỳ công tác, bà được phong hàm giáo sư triết học và được cử về Viện Triết học Việt Nam, đảm nhận chức viện trưởng. Sau khi về hưu, bà cùng một số người sáng lập Trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình (sau này đổi thành Viện Gia đình và giới), giữ chức viện trưởng cho đến khi nghỉ công tác.
Sinh thời, khi còn sống, bà Lê Thi kể lại khoảnh khắc xúc động của đời mình khi hòa chung niềm vui sướng của cả dân tộc:
“Khi bài quốc ca vang lên là lúc lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên, quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình… Lúc đó chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vui sướng, nước mắt bỗng ứa ra vì xúc động xen lẫn tự hào”.
Cùng kéo cờ với bà Lê Thi hôm đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ đại tướng Hoàng Văn Thái. Bà Loan đã mất năm 2010.
Như vậy, cả hai người phụ nữ kéo cờ trong Ngày lễ độc lập trọng đại 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình đều đã không còn.
Triển lãm “Cách mạng Tháng Tám – Mốc son lịch sử” đang diễn ra ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trưng bày những hiện vật liên quan đến bà Lê Thi như các huân, huy chương, áo dài bà Lê Thị mặc khi tham gia các sự kiện lớn, trong đó có lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, giấy chứng nhận chức danh giáo sư triết học của Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Theo thông tin từ gia đình, lễ truy điệu bà Lê Thi sẽ diễn ra từ 9h30 đến 10h45 ngày 1-9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
THIÊN ĐIỂU/TT