Giáo sư Hoàng Tụy: Một tấm gương về tài năng và nhân cách
Có thể nói không quá rằng giáo sư Hoàng Tụy là một trong số rất ít các nhà khoa học mà khi nhắc đến tên thì hầu hết mọi người Việt Nam đều biết. Bởi lẽ cuộc đời ông là một tấm gương về tài năng và nhân cách lớn, hoạt động khoa học giáo dục không mệt mỏi dù khi đang sung sức hay lúc tuổi đã cao.
Giáo sư Hoàng Tụy đã qua đời lúc 15 giờ 30 ngày 14/7 ở tuổi 92.
“Cha đẻ của tối ưu toàn cục”
Giáo sư Hoàng Tụy sinh ngày 17/12/1927, tại làng Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam.
Tháng 3/1959, Hoàng Tụy trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ khoa học Toán-Lý tại Trường Lomonosov, Moskva.
Lĩnh vực nghiên cứu của ông là Giải tích thực, nhưng chẳng bao lâu sau, ông nhận thấy tuy đây là lý thuyết hay và quan trọng nhưng khó ứng dụng thực tế ở Việt Nam, ít nhất là vào thời điểm ấy.
Năm 1961, ông bắt đầu chuyển sang nghiên cứu Vận trù học. Sau một thời gian tìm hiểu, ông bắt đầu có công trình nghiên cứu về lĩnh vực mới này, và sau khi gặp và trao đổi ý kiến với nhà Toán học Nga nổi tiếng L.V.Kantorovich (chuyên gia hàng đầu thế giới về ứng dụng Toán học vào kinh tế, đã được giải thưởng Nobel năm 1974), ông chuyển sang Lý thuyết tối ưu – một ngành Toán học có nhiều ứng dụng trong Vận trù học và nhiều ngành kinh tế, công nghệ.
Đầu năm 1961, ông khởi xướng và hướng dẫn phong trào ứng dụng Vận trù học ở miền Bắc, bắt đầu từ ngành giao thông vận tải rồi dần dần mở rộng sang nhiều ngành kinh tế khác.
Lúc bấy giờ trên thế giới, Vận trù học còn rất mới mẻ, nên một số phóng viên nước ngoài (như phóng viên của Le Monde) rất ngạc nhiên, khi biết có những thành tựu vừa mới ra đời ở Mỹ cách đó chỉ mấy năm (như phương pháp “đường găng” hay PERT) mà đã được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam ngay trong hoàn cảnh chiến tranh.
Ít năm sau, năm 1964, ông có công trình thực sự gây tiếng vang quốc tế. Công trình ấy không phải là một luận án tiến sỹ dài nhiều trăm trang, mà chỉ là một bài báo ngắn, vẻn vẹn 4 trang khổ nhỡ, đăng trên Báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.
Kết quả đáng quý nhất của bài báo là đưa ra được một lát cắt độc đáo, có khả năng ứng dụng rất đa dạng, không những để giải nhiều bài toán tối ưu toàn cục (những bài toán “khó về bản chất,” trước đó chưa ai giải được), mà còn để giải những bài toán quy hoạch tổ hợp.
Phương pháp do Hoàng Tụy đề xuất về sau được giới toán học quốc tế gọi là “lát cắt Tụy” (Tuy’s cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết Tối ưu toàn cục.
Năm 1988 tại Ðại hội quốc tế về quy hoạch toán học lần thứ 13 tại Tokyo, các nhà toán học thành lập tạp chí Global Optimization (Tối ưu toàn cục) mời ông làm Tổng biên tập nhưng ông từ chối, với lý do Việt Nam lúc đó liên hệ với nước ngoài còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện thuận lợi cho việc biên tập một tạp chí khoa học quốc tế.
Ông là Ủy viên sáng lập của tạp chí này và là Ủy viên Ban biên tập của nhiều tạp chí quốc tế nổi tiếng khác như Mathematical Programming, Optimization.
Kể từ khi công trình khai phá của ông được công bố (năm 1964), lý thuyết tối ưu toàn cục ngày càng phát triển mạnh mẽ và có nhiều ứng dụng trong kinh tế, công nghệ.
Trong sự phát triển toàn cầu ấy, “Trường phái Hà Nội” (Ha Noi school) giữ vai trò nổi bật. Một số nhà toán học nước ngoài coi Hà Nội là “địa danh nổi tiếng thế giới về tối ưu hóa” với nhiều phát minh đặc sắc, về sau được giới toán học quốc tế gọi là Thuật toán kiểu Tụy, Điều kiện không tương thích Tụy…
Cuốn sách “Tối ưu toàn cục tiếp cận xác định” mà giáo sư Hoàng Tụy viết chung với giáo sư Reiner Horst được đánh giá là cuốn “kinh thánh” của chuyên ngành tối ưu toàn cục.
Với những công trình căn bản và khai sáng cho lĩnh vực tối ưu toàn cục, giáo sư Hoàng Tụy cũng là người đầu tiên nhận được Giải thưởng Constantin Caratheodory năm 2011 do Đại hội Quốc tế tối ưu toàn cục đề xướng cho những cống hiến của ông.
Và hiếm có nhà khoa học trong nước và nước ngoài nào ở tuổi 90 vẫn có công bố quốc tế như giáo sư Hoàng Tụy.
Kể từ năm 1959, khi công bố những bài báo đầu tiên về lý thuyết hàm thực trong báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đến năm 2017, giáo sư Hoàng Tụy đã có 171 công trình xuất bản trên các tạp chí toán học hàng đầu, như Mathematical Programming, JOGO, Optimization, Math, Operation Research, JOTA, SIAM J. Optim…
Là Viện trưởng Viện Toán học (giai đoạn 1980-1990), giáo sư Hoàng Tụy đã dẫn dắt Viện phát triển, khẳng định vai trò trụ cột trong nền Toán học Việt Nam và uy tín quốc tế.
Năm 1994, Viện được Viện hàn lâm Khoa học các nước thế giới thứ ba (TWAS) công nhận là trung tâm xuất sắc của các nước đang phát triển…
Với nhiều thành tựu xuất sắc, giáo sư Hoàng Tuỵ được trao tặng giải thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996), Giải thưởng Phan Chu Trinh (2010), Giải thưởng Constantin Carathéodory (2011)…
Tấm gương của nhiều thế hệ làm khoa học
Đã có không biết bao nhiêu tên gọi yêu mến, thân thiết và đáng kính nhất mà học trò, đồng nghiệp, bạn bè trong nước và trên thế giới dành cho giáo sư Hoàng Tụy như “Người cha của tối ưu toàn cục,” “Người đứng đầu trường phái tối ưu Hà Nội”… Họ coi ông là một tấm gương sáng về lòng say mê nghiên cứu khoa học, về tinh thần tự học, tự nghiên cứu và làm việc nghiêm túc.
Giáo sư Taketomo Mitsui (Nhật Bản), một trong những nhà toán học từng làm việc với giáo sư Hoàng Tụy, nhận xét: “Giáo sư Tụy không chỉ là nhà toán học đầy kinh nghiệm mà còn là một nhà khoa học với tầm nhìn quốc tế.”
Trong cuộc đời làm nghiên cứu của mình, giáo sư Hoàng Tụy đã trở thành “tấm gương sáng cho các thế hệ làm toán và nghiên cứu khoa học Việt Nam về tinh thần làm việc khoa học kiên trì, sáng tạo, tự lực, không ngừng học tập; tác phong sư phạm mẫu mực, phương pháp nghiên cứu khoa học tỉ mỉ, chính xác và tinh thần làm việc trung thực” (trích tham luận của giáo sư Nguyễn Khoa Sơn – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Khi đã cao tuổi, giáo sư Hoàng Tụy vẫn không ngừng nghiên cứu. Vào những năm 2000, ở tuổi thất thập, giáo sư còn xuất bản công trình nghiên cứu có vai trò đặt nền móng cho hướng phát triển mới của toán tối ưu về lý thuyết tối ưu đơn điệu.
Ông còn là một nhà giáo, đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam từ những ngày đầu tiên thành lập cho tới tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Một quá trình kéo dài hơn bảy mươi năm, từ năm 1947, khi ông dạy học ở trường Lê Khiết (Quảng Ngãi).
Theo tạp chí Math Review, tạp chí bình luận toán học của Hội Toán học Hoa Kỳ, giáo sư Hoàng Tụy công bố công trình khoa học đầu tiên năm 1959 và công bố công trình cuối cùng năm 2018.
Trọn 60 năm cuộc đời, 168 công bố của ông đã có hơn 900 tác giả trích dẫn, nhiều nhất trong số các tác giả Việt Nam. Ảnh hưởng của ông trong khoa học chắc chắn vẫn còn lâu dài sau khi ông mất đi.
Các nhà Toán học Việt Nam chắc chắn sẽ luôn nhớ tới ông như một người thầy, người truyền cảm hứng, người tạo điều kiện cho Toán học Việt Nam phát triển.
Đúng như lời bộc bạch của ông tại buổi sinh nhật lần thứ 90, “tấm lòng của tôi với khoa học, với đất nước từ thuở thiếu thời đến bây giờ không lúc nào vơi” và điều khiến ông “tự thấy hài lòng vì đã làm hết sức mình, còn kết quả [đạt được] thì cũng chừng nào thôi nhưng có điều tôi không ân hận, đó là luôn luôn hết sức thiết tha với khoa học và làm khoa học một cách khiêm tốn, trung thực từ lúc bắt đầu đến nay”.
(Theo Vietnam+)