+
Aa
-
like
comment

Giáo sư Carlyle Thayer: Trung Quốc khó lòng gây ảnh hưởng với Việt Nam

Ngọc Lễ - 29/08/2019 12:02

Mặc dù Bắc Kinh dùng nhiều phương cách gây ảnh hưởng lên Hà Nội để buộc Hà Nội đi theo quỹ đạo của họ nhưng khác với nhiều nước khác trong khu vực, sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam gặp một số hạn chế, một nhà nghiên cứu từ Úc nhận định.

Trung Quốc lâu nay đã dùng tiền bạc để lôi kéo các chính trị gia, định hướng truyền thông và sử dụng đầu tư để gây ảnh hưởng đến chính trị ở các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho họ, nhất là ở các nước và vùng lãnh thổ như Campuchia, Philippines, Úc, New Zealand, và Đài Loan, theo một bài phân tích mới đây của nhà báo Chris Horton đăng trên tờ Atlantic. Trong số đó, Phnom Penh đã trở thành ‘chính phủ thân Bắc Kinh’ nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, về khả năng gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam, ông Carlyle Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng Úc và là một chuyên gia theo dõi tình hình chính trị Việt Nam, cho rằng câu trả lời là vừa ‘có’, vừa ‘không’.

Trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Thayer cho rằng ‘luôn có cuộc tranh luận không có hồi kết’ về ‘chống đối lại Trung Quốc đến mức nào’ và ‘nhượng bộ đến mức nào’.

Khi được hỏi có nhân vật nào trong Bộ Chính trị hiện nay được xem là thân Trung Quốc mà qua đó Bắc Kinh có thể vươn cánh tay vào chi phối chính trị Việt Nam hay không, ông Thayer cho rằng ‘không có ai’.

Giáo sư Carlyle Thayer
Giáo sư Carlyle Thayer

Ông cũng so sánh những tranh cãi về lập trường với Trung Quốc ở Việt Nam với những gì xảy ra ở đất nước Úc của ông: “Cũng giống như ở Úc, có những người lập luận rằng Trung Quốc là một nước lớn (cần giữ quan hệ) nên điều tốt hơn là cần phải có quan hệ tốt, hợp tác và can dự với Trung Quốc hơn là chỉ trích và biến họ thành kẻ thù vĩnh viễn.”

“Cũng có người nói rằng đây là chính sách giống như ngoại giao thực dụng (realpolitik) hơn vì nếu anh làm tổn thương Trung Quốc thì họ sẽ làm tổn thương anh nặng nề.”

“Nếu lập trường đó được xem là ‘thân Trung Quốc’ thì ngay tại đây (Úc) cũng có lập trường y như vậy và nó rất phân cực,” ông cho biết.

Về trường hợp Việt Nam, ứng xử với Trung Quốc càng quan trọng hơn vì hai nước có chung đường biên giới.

Ông Thayer đặt vấn đề rằng một nước với dân số chỉ bằng một tỉnh cỡ vừa của Trung Quốc thì liệu Việt Nam có lợi ích gì khi biến Trung Quốc thành ‘kẻ thù thường trực’ và làm sao Việt Nam có thể gây ảnh hưởng lên một nước láng giềng khổng lồ như vậy?

“Những người này (chủ trương quan hệ tốt với Trung Quốc) không phải là thân Trung Quốc mà họ chỉ là sẵn sàng làm việc với Trung Quốc” ông nói và cho rằng những lãnh đạo kiểu này thấy rằng các kênh quan hệ với Trung Quốc thông qua Đảng và quân đội ‘là rất quan trọng’ đối với Việt Nam.

“Do đó tôi không nghĩ là có ai đó như là ông Hoàng Văn Hoan (Ủy viên Bộ Chính trị bị kết tội làm gián điệp cho Trung Quốc sau đào tẩu sang nước này trong thời kỳ chiến tranh biên giới năm 1979) trong Bộ Chính trị ở Việt Nam bây giờ,” ông nói thêm.

Về đòn bẩy kinh tế mà Trung Quốc có ở Việt Nam, ông Thayer cho rằng ở Việt Nam có những người muốn làm giàu từ mối quan hệ với Trung Quốc. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn có đầu tư từ Trung Quốc và cam kết tham gia vào Ý tưởng Vành đai Con đường nhưng Hà Nội ‘không chỉ muốn quan hệ song phương với Trung Quốc mà còn là quan hệ đa phương với tất cả các cường quốc và đối tác chiến lược lớn’.

Tuy nhiên, ông cũng mô tả quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc là ‘lợi ích lũy tiến giảm dần theo quy mô (diminishing return to scale)’ do Việt Nam đang gánh chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Cho nên, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam không có lợi ích nhiều như Campuchia, Philippines, Úc hay New Zealand.

Tâm lý bài Trung

Giáo sư Thayer cũng cho rằng một nhân tố nữa khiến cho quan hệ Việt-Trung không dễ dàng là ‘tâm lý bài Trung độc hại’ (toxic anti-China sentiment) trong công chúng Việt Nam.

Ông nói ví von là nếu như có một công nhân xây dựng làm việc cho dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội (do Trung Quốc xây dựng) bị tử vong khi làm việc thì công chúng Việt Nam ‘sẽ đổ lỗi cho Trung Quốc’ và đưa ra dẫn chứng về hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc sau chuyển thành bạo loạn hồi năm 2014 và 2018.

“Ý kiến công chúng (Việt Nam) là rất bài Trung Quốc,” ông nói. “Tình cảm bài Trung đó là độc hại. Điều nó có nghĩa là ở một mức độ nào đó, dư luận có thể cản trở (hành động) của các lãnh đạo.”

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là hồi năm 2015, tức là gần đến Đại hội Đảng lần thứ 12, Việt Nam đã từng đưa ra xét xử công khai một nhà báo bị cáo buộc là ‘làm gián điệp cho Trung Quốc’ (ông Hà Huy Hoàng – phóng viên báo ‘Thế giới và Việt Nam) và ông đánh giá hành động này là ‘đặc biệt khác thường’.

Khi được yêu cầu so sánh về sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực như Campuchia và Philippines, ông Thayer cho rằng ở Campuchia, Bắc Kinh có sức ảnh hưởng đặc biệt vì vai trò đối với hoàng gia Sihanouk và rằng chính phủ Phnom Penh lâu nay chỉ dựa vào sự ủng hộ của Trung Quốc.

Trong khi đó, mối quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc ‘chỉ dựa vào mỗi Tổng thống Rodrigo Duterte’ còn những chính phủ tiền nhiệm của ông này có lập trường ‘cực kỳ thân Mỹ’.

Việt Nam cũng dựa vào sự ủng hộ của Trung Quốc nhưng đồng thời cũng cần sự hỗ trợ của các nước.

Ngọc Lễ

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều