+
Aa
-
like
comment

Giáo sư Australia: Việt Nam minh bạch thông tin về dịch Covid-19

25/03/2020 11:11

Trả lời phỏng vấn PV, Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia), nhà nghiên cứu tình hình Việt Nam, đánh giá cao hành động nhanh và quyết liệt của chính phủ, cùng sự minh bạch thông tin trong chống đại dịch virus corona (Covid-19).

Giáo sư bình luận như thế nào về các nỗ lực chống dịch của Chính phủ Việt Nam?

– Rõ ràng là chính phủ đã hành động nhanh chóng và quyết liệt khi nhận thức được mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Với 11 người đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2, cả xã của họ ở Sơn Lôi (Vĩnh Phú) đã bị cách ly để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tất cả 11 người đã hồi phục.

Ngay sau tết, Chính phủ đã cho học sinh nghỉ học chống dịch, cách ly người nhập cảnh, tạm dừng nhập cảnh người nước ngoài, kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn. Hàng loạt đường bay phải đóng cửa. Việt Nam đã huy động quân đội của mình để cung cấp các cơ sở kiểm dịch và dịch vụ y tế cho những người bị ảnh hưởng.

Giáo sư Carl Thayer là nhà nghiên cứu về Việt Nam.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã triệu tập một cuộc họp của các quan chức y tế cấp cao để thảo luận về phản ứng khu vực đối với Covid-19.

Nhìn chung, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội, các bác sĩ nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cũng như du khách nước ngoài đã đến Việt Nam đều ca ngợi hành động chủ động và quyết đoán của chính phủ Việt Nam.

Ông có nghĩ rằng một số biện pháp là quá nghiêm ngặt, chẳng hạn như đóng cửa trường quá sớm, cách ly sớm tất cả mọi người từ nước ngoài bao gồm cả người nước ngoài…?

– Bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới cho thấy việc đóng cửa trường học và cách ly là những biện pháp cần thiết. Chính phủ Việt Nam hoàn toàn chính xác khi thực hiện các biện pháp này. Có vẻ như tình hình y tế trên thế giới sẽ trở nên tồi tệ đi trước khi trở lại tốt hơn. Tất cả các nỗ lực hiện đang tập trung vào việc làm chậm sự lây lan của virus để giữ cho xu hướng tăng càng bằng càng tốt. Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, có thể buộc phải vượt ra ngoài các biện pháp thông thường trong những tuần tới.

Ở Việt Nam đang có sự ủng hộ rất lớn từ người dân dành cho Chính phủ. Là nhà quan sát tình hình Việt Nam từ lâu, ông nhận xét gì về điều đó?

–  Việt Nam đã có kinh nghiệm ngăn chặn cúm gia cầm, đại dịch SARS và các đại dịch khác trước đây. Việt Nam là một xã hội được tổ chức tốt. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chuyển những lời khuyên và thông tin y tế đáng tin cậy ra công chúng để ngăn chặn sự hoảng loạn và chống lại tin giả trên mạng xã hội.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia), nhà nghiên cứu tình hình Việt Nam, đánh giá cao hành động nhanh và quyết liệt của chính phủ, cùng sự minh bạch thông tin trong chống đại dịch virus corona (Covid-19)

Từ Canberra (Australia), tôi đã cố gắng theo dõi các sự kiện ở Việt Nam chặt chẽ thông qua internet, mạng lưới đồng nghiệp và bạn bè. Ấn tượng của tôi là Việt Nam đã khơi gợi được sự ủng hộ to lớn của cộng đồng cho những nỗ lực ngăn chặn virus corona vì người dân tin tưởng vào những quyết định của chính phủ. Điều này được củng cố bởi một chính sách thông tin tốt để thúc đẩy tính minh bạch.

Sự ủng hộ của công chúng cho chính phủ là điều cần thiết để kiềm chế virus corona. Nếu không có sự ủng hộ đó, chính sách của chính phủ sẽ thất bại và virus sẽ lây lan. Hiện tại, rất khó để dự đoán khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Việt Nam phải thực hiện một chương trình xét nghiệm rất lớn để xác định mức độ lây lan của virus corona.

Chìa khóa cho chính phủ là cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng do Covid-19 gây ra và các bước phải được thực hiện để hạn chế sự lây lan của nó.

Chống lại virus corona là một nỗ lực của cả Việt Nam, bao gồm toàn bộ chính phủ từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh/thành phố, rồi đến cấp xã/phường. Các quan chức chính phủ và các chuyên gia y tế ở tất cả các cấp phải truyền tải cùng một thông điệp đến công chúng. Việt Nam nên mở một chiến dịch thi đua để làm nổi bật những câu chuyện thành công từ cả nước. Các cá nhân và nhóm thực hiện tốt nên được ghi nhận thành tích của họ.

Chính phủ đã hành động nhanh chóng và quyết liệt khi nhận thức được mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam

Ông có nghĩ rằng sự ủng hộ đó có thể giúp Việt Nam phục hồi nền kinh tế sau đại dịch?

– Sự hỗ trợ của công chúng cho chính phủ Việt Nam là một điều kiện cần nhưng không đủ để phục hồi kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế của các quốc gia mà Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do. Nói cách khác, sự ủng hộ dành cho chính phủ là vô cùng cần thiết để giúp Việt Nam lấy lại phong độ khi đại dịch kết thúc. Nhưng Việt Nam cũng phụ thuộc vào các quốc gia khác đang thành công trong việc quản lý sự phục hồi của họ.

Giáo sư có dự đoán liệu thế giới sẽ thay đổi thế nào sau dịch bệnh?

– Tốc độ toàn cầu hóa kinh tế sẽ bị chậm lại nếu không bị ngừng đà phát triển tạm thời. Du lịch quốc tế qua đường hàng không sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng. Nền kinh tế trong nước của tất cả các quốc gia sẽ ở trong tình trạng bấp bênh do ngừng hoạt động sản xuất. Nhiều ngành công nghiệp trong nước sẽ phải vật lộn để tồn tại, trừ khi họ nhận được hỗ trợ tài chính lớn từ chính phủ. Nhiều quốc gia sẽ đặt câu hỏi về sự dễ bị tổn thương của họ vì quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và góp phần tách rời nền kinh tế Trung Quốc từ nền kinh tế toàn cầu đến một mức độ nhất định.

Trong khi đó, nhiều quốc gia và khu vực sẽ hướng nội, sẽ có sự thúc đẩy phối hợp của các quốc gia khác để đẩy mạnh các cơ chế hợp tác quốc tế tốt hơn nhằm đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống trong tương lai đối với an ninh toàn cầu. Điều này có thể hồi sinh Liên Hợp Quốc là một tổ chức toàn cầu hiệu quả. Sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc có thể giúp củng cố những nỗ lực của các tổ chức khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Tóm lại, sẽ có hai xu hướng cạnh tranh để định hình trật tự toàn cầu sau Covid-19 là chủ nghĩa bảo hộ hướng nội và tìm kiếm sự hợp tác toàn cầu.

Xin cảm ơn Giáo sư!

(Theo DV)

Bài mới
Đọc nhiều