+
Aa
-
like
comment

Giáo phái kì bí khiến hàng trăm người tử vong

Tuệ Ngô - 30/07/2023 16:50

Tính đến nay, hơn 400 thi thể đã được phát hiện tại Kenya, có nghi vấn liên quan đến một giáo phái tuyệt thực. Các thành viên trong giáo phái này đã bị xúi giục bỏ đói con cái và tự mình đến cái chết, mặc cho niềm tin mù quáng rằng họ sẽ được lên thiên đàng.

Các giới chức Kenya đã tiến hành khai quật các thi thể trong rừng Shakahola.

Ông Kithure Kindiki, Thư ký Nội các Chính phủ Kenya, đã lên tiếng về tình trạng đáng báo động về việc phát hiện hơn 200 thi thể trong một khu rừng. Ông nêu rõ rằng đây là một vụ án rất nghiêm trọng và có tổ chức. Chính phủ Kenya cam kết sẽ làm mọi điều cần thiết để làm sáng tỏ vụ án này.

Ai đứng sau giáo phái này?

Các nhà chức trách của Kenya tiếp tục tìm thấy thêm nhiều thi thể trong rừng, đồng thời cứu được những người còn sống nhưng đang trong tình trạng nguy kịch. Tổng thống Kenya William Ruto đã mô tả vụ việc này là hành động khủng bố, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Kenya Kindiki đã gọi đây là vụ “thảm sát”.

Người đứng đầu của giáo phái có tên Nhà thờ Good News International đã bị buộc tội đã ra lệnh cho tín đồ nhịn đói đến chết, bao gồm cả con cái của họ, với niềm tin rằng họ sẽ lên thiên đường trước ngày tận thế vào ngày 15/4 năm nay.

Giáo phái Tin lành Quốc tế được sáng lập bởi Mackenzie và vợ ông, Joyce Mwikamba, tại Kenya vào năm 2003. Ban đầu, giáo phái hoạt động như một trung tâm truyền giáo nhỏ. Trước đó, Mackenzie đã từng làm tài xế taxi tại Nairobi từ năm 1997 đến 2003. Trong thời gian này, ông đã bị bắt giữ 4 lần vì các bài giảng đạo của mình, nhưng đã được tha bổng vì thiếu bằng chứng.

Khi tổ chức bắt đầu phát triển, vợ chồng Mackenzie đã chuyển đến làng Migingo ở Malindi và thành lập nhà thờ tại đây. Mackenzie đã thu hút được một lượng lớn tín đồ, chủ yếu là nhờ lời tuyên bố của ông rằng mình có thể giao tiếp với Chúa.

Mackenzie đã bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 14.4 với cáo buộc về hành vi khủng bố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp về cách anh ta, người trước đó từng là lái taxi, đã trốn thoát khỏi cơ quan thực thi pháp luật mặc dù đã có tiền án liên quan đến các hành vi cực đoan.

Thủ lĩnh giáo phái Kenya Paul Nthenge Mackenzie tại phiên điều trần ngày 14/6.

Các cư dân tại tỉnh Malindi đã chia sẻ với tờ The Washington Post rằng họ bắt đầu nghe về Mackenzie từ khoảng năm 2017. Lúc đó, Mackenzie bị cáo buộc xúi giục trẻ em không đi học và sau đó đã bị bắt vì liên quan đến cái chết của một số trẻ em trong hội thánh mà ông ta lập ra. Vào năm 2019, người dân Malindi đã đốt “nhà thờ” của Mackenzie.

Ít nhất 35 người bị nghi có liên quan đến Mackenzie đã bị bắt giữ. Trong số đó, Ezekiel Odero, một mục sư gần gũi với Mackenzie, cũng đang bị điều tra về nhiều tội danh, bao gồm giết người, hỗ trợ tự sát, bắt cóc, tuyên truyền cực đoan, tội phạm chống lại loài người, tàn ác với trẻ em, lừa đảo và rửa tiền.

Theo ông Johansen Oduor, nhà nghiên cứu bệnh học của chính phủ Kenya, mặc dù nhịn đói dường như là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của nhiều nạn nhân, bất ngờ có một số thi thể, bao gồm cả trẻ em, có dấu hiệu bị bóp cổ, đánh đập và mất các nội tạng. Cảnh sát tin rằng hầu hết các thi thể này thuộc về những người tuân theo một giáo phái xúi giục tín đồ nhịn ăn đến chết để lên thiên đàng.

Theo hãng thông tấn Reuters, Mackenzie đã lên kế hoạch cho việc tuyệt thực trong giáo phái theo ba đợt: đầu tiên là trẻ em, sau đó là phụ nữ và nam thanh niên, và cuối cùng là các nam giới khác, bao gồm cả thủ lĩnh.

Sức mạnh mê hoặc

Thủ lĩnh giáo phái này liên tục thảo luận về thuyết âm mưu được gọi là “Trật tự thế giới mới”, thường xuyên đưa ra những lời đe dọa và cảnh báo về sự hiện diện một thế lực Satan mạnh mẽ, cho rằng nó đã thâm nhập vào tầng lớp quyền lực cao nhất trên thế giới và sẽ chiếm ưu thế trong 1.000 năm sau ngày tận thế – ngày mà thủ lĩnh giáo phái khẳng định là vào 15/4 năm nay. Có lẽ từ đó, ông ta đã ra lệnh cho tín đồ nhịn đói để chuẩn bị cho ngày tận thế.

Mục tiêu của giáo phái này là nhắm đến những người ít có kiến thức xã hội, ít tiếp cận giáo dục, để dễ dàng khiến họ tin vào những lời thuyết giáo vô căn cứ.

Thủ lĩnh giáo phái, Mackenzie, mang quan điểm cực đoan như coi giáo dục là xấu xa, kêu gọi phụ nữ không chăm sóc y tế khi sinh con và không ủng hộ tiêm chủng cho trẻ em. Ông ta từng bị bắt vào năm 2017 và 2018 với cáo buộc “cực đoan hóa” vì ủng hộ việc nhiều trẻ em không đến trường, và ông ta lập luận rằng giáo dục không được công nhận trong Kinh thánh.

Một tín đồ của Mackenzie còn sống sót ăn một bữa ăn trong khu vực của bệnh viện quận Malindi hồi tháng 4

Theo Masterclass, các giáo phái có khả năng thu hút và tập trung thành viên xung quanh thủ lĩnh giáo phái, người đứng đầu chỉ đạo hành vi, niềm tin và phong tục của toàn bộ tập thể.

Bà Alexandra Stein, chuyên gia tâm lý xã hội, cho rằng các giáo phái gây tổn hại cho con người một cách không thể kiểm soát. Các giáo phái khai thác và chi phối cuộc sống của người theo đó, dẫn đến việc tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của họ cuối cùng đều bị lợi dụng.

Vụ án này đã gây chấn động và nâng cao cuộc tranh luận về các quy định liên quan tại Kenya, quốc gia có khoảng 4.000 “nhà thờ” do các giáo phái tự thành lập. Tổng thống William Ruto đã ra lệnh thành lập một ủy ban đặc biệt để xem xét quy định quản lý các tổ chức tôn giáo tại quốc gia này.

Ngày 17/7, Ông Rhoda Onyancha, Ủy viên vùng duyên hải Kenya, thông báo rằng “Tổng số người chết hiện là 403” sau đợt tìm kiếm gần nhất ở rừng Shakahola. Ông cũng cho biết “Chiến dịch khai quật sẽ tiếp tục vào ngày mai”.

Các giới chức Kenya tin rằng hầu hết các thi thể được tìm thấy trong rừng Shakahola, gần thị trấn miền đông Malindi, là của những tín đồ theo Paul Nthenge Mackenzie, thủ lĩnh giáo phái Tin lành Quốc tế.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều