Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về số tài sản ‘khổng lồ’ của sư Toàn
“Căn cứ theo luật Phật, Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự trung ương thì sư Toàn không được quyền nhận tài sản, chỉ Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản. Sư Toàn đề nghị là một chuyện, còn quyết định là việc của Giáo hội”.
Thượng tọa Thích Đức Thiện – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – khẳng định dứt khoát như vậy với PV sáng sớm 10-10.
Thượng tọa cho biết, chiều 9-10, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký, truyền đạt quyết định này với khối tài sản mà sư Toàn muốn sở hữu.
Không tin thầy Toàn có tài sản 200-300 tỉ
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, sau những thông tin báo chí nêu về buổi làm việc giữa sư Thích Thanh Toàn với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc ngày 5-10, sư Toàn xin xả giới hoàn tục và xin giữ lại tài sản là trang trại trị giá 200-300 tỉ đồng và những tài sản do ông đứng tên sở hữu, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ đạo Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xác minh rõ nguồn gốc tài sản.
“Giáo hội đã chỉ đạo Ban trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc phải xác minh rõ nguồn gốc tài sản như sư Toàn nói và có hay không tài sản có giá trị 200-300 tỉ như thầy phát ngôn.
Bởi vì con người thầy Toàn theo báo cáo của Đại đức Thích Thanh Phương là trưởng Ban trị sự Phật giáo huyện Tam Đảo thì thầy Toàn phát ngôn nhiều khi không đúng, như người mộng du và Đại đức Phương nói không tin thầy Toàn có tài sản như thầy phát ngôn”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã đề nghị các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh phối hợp làm rõ nguồn gốc tài sản, có hay không có giá trị tài sản như thầy Toàn phát ngôn.
Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã liên hệ trực tiếp với trưởng ban Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc để phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc sớm làm rõ vấn đề này.
“Chúng tôi nhận được báo cáo rất nhanh là hiện nay thầy Toàn đang đứng tên hơn 6.000m2 đất mà thầy tự mua ở xung quanh chùa Nga Hoàng. Nguồn gốc đất này là đất nông nghiệp, một số là đất thủy lợi. Tuy nhiên chưa được chuyển nhượng theo Luật Đất đai”, Thượng tọa Thích Đức Thiện thông tin.
Còn thông tin từ đại diện UBND huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc với PV ngày 9-10 cho biết, từ khi về trụ trì chùa Nga Hoàng năm 2008, nhà sư Thích Thanh Toàn đã có hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai với người dân ở xã Hợp Châu không thông qua chính quyền địa phương, với tổng diện tích là 5.790,9m2 (nguồn gốc là đất ruộng nhận chuyển nhượng của các hộ dân).
Huyện Tam Đảo đề nghị thu hồi, giao lại 5.790,9m2 đất mua bán, chuyển nhượng trái phép của nhà sư Thích Thanh Toàn trong thời gian trụ trì chùa Nga Hoàng cho chính quyền xã Hợp Châu quản lý.
Đã đi tu thì tấm áo cà sa cũng thuộc về Tăng đoàn
Về việc sư Toàn xin được giữ lại những tài sản do mình đứng tên sở hữu gây phẫn nộ trong dư luận mấy ngày qua, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định “sư Toàn đề nghị là một chuyện, còn quyết định là việc của Giáo hội”.
Thượng tọa giải thích, căn cứ vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì tài sản thuộc về Giáo hội như chùa chiền, cơ sở tôn giáo là tài sản của Giáo hội và căn cứ theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới có quyền định đoạt tài sản thuộc các cơ sở tự viện.
Nội quy Ban Tăng sự Trung ương cũng quy định rất rõ là sau khi bổ nhiệm trụ trì thì tất cả tài sản thuộc về cơ sở tự viện, tức thuộc Tăng. Sư Toàn sở hữu tài sản cho mục đích hoạt động của cơ sở tự viện, tài sản vẫn thuộc về Tăng, thuộc về Giáo hội và Giáo hội có quyền định đoạt tài sản đó.
“Theo luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa thì tất cả những gì họ đang sử dụng thì những tài sản đó đều thuộc về Tăng đoàn, Giáo hội. Và đến khi vị tỳ kheo đó mất đi, ngay cả cái được coi là tài sản trên mình là tấm áo cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do Tăng đoàn quyết định. Ở đây luật Phật không nhấn mạnh đến sở hữu tài sản mà nói đến sử dụng tài sản thôi”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Trả lời về biện hộ cho rằng sự Toàn có quyền thừa hưởng những tài sản do ông đứng tên sở hữu do được biếu tặng, cúng dường vì Phật tử mến mộ công đức cá nhân của ông, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói, với người xuất gia theo Phật thì cá nhân cũng thuộc về Tăng đoàn; hơn nữa “tài sản đó nếu nhà sư không phải là hiện diện của Tăng, của Tam bảo, thì đã không được nhận”.
Về trả lời của Đại đức Thích Tâm Vượng – phó Ban Trị sự kiêm chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc – với PV ngày 7-10 rằng “Tài sản đối với người tu hành có 2 loại. Một là tài sản thuộc cơ sở tôn giáo, hai là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Những tài sản thầy Toàn đứng tên sở hữu thì được pháp luật bảo hộ”, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho là chưa đúng với luật Phật và nội quy Ban Tăng sự Trung ương.
Theo Thượng tọa này, cứ cho rằng việc mua bán hơn 6.000m2 đất xung quanh chùa Nga Hoàng của thầy Toàn là hợp pháp thì đất đó cũng thuộc về chùa Nga Hoàng và tài sản đó phải bàn giao lại cho Ban trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó, trong chia sẻ với PV, Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết sổ đỏ chùa Nga Hoàng chỉ ghi diện tích hơn 1.000m2, Giáo hội Phật giáo Vĩnh Phúc sẽ chỉ tiếp nhận phần diện tích hợp pháp này.
Liên hệ với Đại đức Vượng sáng nay, 10-10, qua điện thoại nhưng số điện thoại của Đại đức không liên lạc được.
Sư Toàn nên ra đi tay trắng và “khởi nghiệp lại”
Bình luận với PV về những tranh cãi trong xử lý khối tài sản mà sư Thích Thanh Toàn từng xin được mang theo khi “ra đời”, GS.TS Trần Ngọc Vương – người có nhiều năm nghiên cứu về tôn giáo – nói, theo tinh thần của giáo lý nhà Phật hay thể theo đạo đức và tinh thần công bằng xã hội thì sư Toàn nên ra đi tay trắng.
“Theo giáo lý nhà Phật thì người đi tu là không có bất kỳ tài sản nào. Những quyên góp bố thí của Phật tử, nhân dân là cúng cho Giáo hội, nhà chùa chứ không phải cho sư Toàn, đó là tài sản xã hội, thuộc về xã hội. Cho nên sở hữu những tài sản này phải là Giáo hội Phật giáo, phải trả lại cho Giáo hội quản lý hoặc là trả lại cho xã hội, nhà nước quản lý”, GS.TS Trần Ngọc Vương nói.
Thiên Điều/ Tuổi Trẻ