Giáo dục trong một thế giới đầy biến động
Trong một buổi trò chuyện với một thầy giáo già, ông đã hỏi tôi một câu ‘Thế hệ 5X, 6X sống dài trong cách nghĩ ‘white’ là trắng ‘black’ là đen.
Còn bây giờ thì người ta phải tự giải quyết những vấn đề không trắng không đen. Tốt hay xấu là do cách nhìn thì phải giáo dục thế hệ tương lai, những thế hệ sinh sau 2000 như thế nào?”.
Một bạn trẻ đã đặt cho tôi và những người làm giáo dục câu hỏi phải làm gì với một thế giới khó lường – bất định – phức tạp -không rõ ràng – siêu kết nối trong hiện tại và tương lai?
Hai câu hỏi trên đã đeo bám tôi gần một năm nay. Trước thềm năm mới và phía trước là một năm học mới – năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, càng trăn trở điều này.
Không đào tạo ra những con người chỉ biết phục tùng
Ai trong chúng ta cũng rõ, thế giới ngày nay là một thế giới biến động không ngừng. Mọi sự việc, hiện tượng dù kinh tế hay xã hội thậm chí cả tự nhiên đều diễn ra một cách quá nhanh chóng đôi khi ngoài/vượt qua sự dự báo của con người. Nhiều việc chỉ năm trước chưa hề nghĩ đến thì năm nay người ta đã phải giải quyết để tồn tại và phát triển. Cũng chưa bao giờ từ sau khi thế giới hai cực chấm dứt, giờ lại có thể xuất hiện một thế giới đa cực vừa hợp tác vừa xung đột, vừa là kẻ thù vừa là bạn. Thế giới, lại một lần nữa có thể rơi vào tay các cực phát triển, cực xung đột mạnh mẽ hơn xưa, nó không chỉ làm thay đổi diện mạo kinh tế, quân sự thế giới, mà còn có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia. Chưa bao giờ, cái gọi là thế giới phẳng mà chúng ta tin tưởng lại đứng trước những rủi ro như bây giờ. Dòng chảy phẳng hay cong, dốc phụ thuộc vào sự phát triển của từng quốc gia, nhất là của giáo dục, nơi tác động đến mọi con người của tương lai.
Chúng ta sẽ tiến hành đổi mới giáo dục phổ thông vào năm tới và nếu không có gì thay đổi, thì chỉ sau 6 năm nữa chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện trên tất cả các cấp học, bậc học phổ thông. Điều cốt lõi của đợt đổi mới giáo dục lần này chính là việc chúng ta sẽ không đào tạo ra các học sinh thành những con người chỉ biết phục tùng.
Tạo sự tự tin
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
Những điều này là hợp lý nhưng cần có một cách nhìn thêm khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước hết cần phải tạo nên sự tự tin trong mỗi con người, nhất là những thầy cô giáo – thầy cô giáo thiếu tự tin thì không thể giúp học trò tự tin. Đã không ít người phát biểu về sự thiếu tự tin của các thế hệ trẻ VN. Một trong những nguyên nhân rất cơ bản mà nhiều người đề cập là chúng ta “quá bảo bọc” con em mình, thể hiện sự quan tâm quá đáng với trẻ em đến mức không để cho chúng lớn, không có điều kiện để chúng lớn. Kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giáo dục của tôi cho thấy, tôn ti – trật tự trong giáo dục còn rất nặng nề, những ứng xử sư phạm chưa thực sự giúp trẻ em thể hiện mình và vì thế thiếu tự tin. Đổi mới lần này, dứt khoát phải làm cho được sự tự tin từ thầy cô giáo để mọi học sinh đều tự tin trong học tập, sinh hoạt và lao động của các em trong tương lai.
Tư duy phản biện và sáng tạo là cặp năng lực cần đạt của mọi công dân tương lai. Không có phản biện thì không có sáng tạo. Học sinh chúng ta hiện nay đã bắt đầu hình thành tư duy phản biện. Tư duy phản biện không phải tự nhiên mà có, nó phải bắt đầu từ những kiến thức, kỹ năng mà học sinh được học nhưng phải được phát triển trong môi trường tự do học thuật không chỉ trong trường đại học mà ngay ở môi trường phổ thông. Nói thì dễ, nhưng không dễ thực hiện, bởi nó bị hạn chế ngay từ những thầy cô giáo – ai trong số chúng ta cũng có thể nhìn thấy sự thiếu dân chủ trong giáo dục hôm nay. Vẫn còn nhiều, khá nhiều thầy cô giáo chúng ta chưa hiểu biết và thực hành tốt dân chủ trong nhà trường. Dân chủ là bầu khí trời, là dinh dưỡng cho sự tự tin và sáng tạo. Chừng nào, nhà trường VN còn thiếu dân chủ thì không thể có chỗ cho sự tự tin và sáng tạo trong học sinh.
Giải pháp công nghệ
Công nghệ (technology) phải là một trong những phần chính của chương trình giáo dục từ tiểu học, giống như các môn học toán, ngữ văn và có thể ngoại ngữ. Kỹ thuật phải đi kèm với kiến thức và giáo dục từ rất sớm. STEAM – Bài học chủ đề STEAM diễn ra theo quy trình thiết kế kỹ thuật là một giải pháp đưa công nghệ vào nhà trường. STEAM là một tiến trình linh hoạt đưa học sinh từ việc xác định một vấn đề hoặc một yêu cầu thiết kế đến sáng tạo và phát triển giải pháp; cho phép áp dụng linh hoạt các nội dung và phương pháp dạy học khác nhau, có thể tiến hành bài học theo lớp hoặc theo nhóm hay các câu lạc bộ học sinh.
Kỹ thuật hiện nay là một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày, tuy nhiên thay vì suy nghĩ, tiếp cận kỹ thuật theo tư duy thế hệ chúng ta đang sống, những người thiết kế chương trình, nhất là những người thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, hãy suy nghĩ theo kiểu tiếp cận thế hệ học sinh hiện nay và tương lai… những con người khi sinh ra trong tay đã cầm iPhone 11 hôm nay hay 101 của tương lai. Nền “kỹ thuật”, vừa có tính sinh tồn (như biết bơi, đi xe đạp, lái ô tô hay máy bay…), vừa tạo kỹ năng và kiến thức nền cho học sinh sống trong thế giới hiện tại và tương lai.
Dạy học trong chương trình mới phải theo tinh thần hướng nghiệp, khởi nghiệp theo tinh thần doanh chủ làm chủ cuộc đời và dạy kỹ năng của tương lai. Giáo dục phải đoán định được tương lai của con người cá nhân và con người xã hội. Nếu không đoán định được tương lai thì giáo dục sẽ thất bại.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng