Giáo dục tinh hoa vẫn luôn cần trong mọi thời đại
Việc có một hệ thống đào tạo học sinh tài năng, tinh hoa để “ươm mầm” đội ngũ dẫn dắt xã hội là cần thiết ở bất cứ hệ thống giáo dục nào, thời đại nào.
Gần đây, PGS. TS Nguyễn Đức Thành – một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, cũng là một học sinh THPT Hà Nội – Amsterdam (Ams) khoá 1992-1995 nêu ra quan điểm cần phải xóa bỏ ngồi trường này và cả hệ thống trường chuyên… khiến cho không ít người phải ngỡ ngàng, tạo ra những luồng ý kiến trái chiều thời gian qua.
Nên xóa sổ trường chuyên?
Từ câu chuyện tuyển sinh vào Trường Ams, học sinh phải có điểm học bạ gần như tuyệt đối cho 5 năm ở bậc tiểu học mới đạt tiêu chuẩn tham gia thi tuyển vào bậc THCS. Những tiêu chí đó gây áp lực điểm số cho trẻ nhỏ từ quá sớm, cổ xúy văn hoá “học gạo”, gây tiêu cực trong việc “xin điểm”, và nguy hiểm hơn nữa là không khuyến khích sự khám phá và mắc lỗi của học sinh.
Trong bối cảnh hệ thống giáo dục công lập vẫn còn nhiều khó khăn và xã hội hoá giáo dục đang mở rộng, câu hỏi: “Liệu Nhà nước có nên tiếp tục đầu tư để duy trì hệ thống trường chuyên với ngân sách cao gấp 2 – 3 lần những trường công lập khác?” là hoàn toàn chính đáng
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, thì “mục đích của trường chuyên lớp chọn như Trường Ams đã hết vai trò lịch sử của nó. Niềm tin của tôi về sự vô dụng, lỗi thời và bất công của mô hình Trường Ams được thực hành bằng việc tôi chưa bao giờ có ý định cho các con tôi học trường đó”.
“Giả thuyết của tôi là trước đây trong lúc chiến tranh nghèo khổ, lại muốn chứng tỏ rằng người miền Bắc có trí tuệ (so với miền Nam và cả thế giới), nên đã phải mở các trường chuyên làm showcase.
Từ đây đào tạo ra một ít gà nòi để đem đi triển lãm trên thế giới thông qua các kỳ thi toán lý quốc tế. Chi phí tuyển lựa và đào tạo tập trung như vậy sẽ rẻ hơn rất nhiều. Những người này cũng được kỳ vọng sẽ phục vụ chế độ vì đúng là họ có khả năng thật. Tuy nhiên, điều ấy chỉ đúng trong một xã hội thời chiến nghèo khổ, lệch lạc, nhưng lại muốn bằng chị bằng em và duy trì nguồn tài trợ từ nước ngoài cho chiến tranh”. – PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế, việc bố mẹ phải đút lót chạy bảng điểm đẹp không phải như mơ mà như dở hơi (thật là đáng thương cho đứa trẻ có bảng điểm toàn 10), hoặc chạy tiền để có đủ thứ giải thưởng cho có vẻ có năng khiếu hay đơn giản là đút tiền thẳng cho lãnh đạo trường Ams – “sự suy đồi mà chúng tôi là cựu học sinh cảm thấy ô nhục”..v..v.
Dưới góc độ cá nhân, người viết không bênh vực trường chuyên, nhưng cũng không ủng hộ quan điểm trên của PGS.TS Nguyễn Đức Thành và cho rằng nó là cá biệt. Bởi vì những gì ông nói có lẽ không đúng với trường chuyên các tỉnh và trường chuyên tổng hợp, sư phạm… mà đa số học sinh xuất thân từ gia đình không khá giả gì. Đó là chưa nói đến chuyện học sinh chuyên có năng lực có thể tự học giỏi tất cả các môn, kể cả chuyên toán quay sang học văn vẫn giỏi.
Thực tế, rất nhiều em học sinh nghèo vượt khó ở các trường chuyên khắp cả nước, trong đó có chuyên khoa học tự nhiên, chuyên sư phạm, chuyên Quốc học… trúng nhiều học bổng du học ở nước ngoài. Điều đó cũng cho thấy là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nghèo vẫn có cơ hội học ở trường chuyên và các trường chuyên này hàng năm vẫn đào tạo ra nhiều học sinh tài năng.
Tức là, vấn đề được – mất là trải nghiệm mỗi cá nhân, trong đó có bản thân PGS.TS Nguyễn Đức Thành. Còn về hiệu quả với xã hội thì đúng là cần các nghiên cứu cụ thể để phân tích, chứ không thể từ vài hiện tượng cá nhân thành tích cao hoặc cá nhân thất bại – không may mắn mà đi đến kết luận về cả một mô hình từ mỗi góc nhìn phiến diện đó.
Giáo dục tinh hoa vẫn cần thiết
Tạo ra và gìn giữ những trí thức tinh hoa cho dân tộc, coi đó là mục tiêu lớn trong khi chăm lo cho số đông, để phục vụ cuộc phục hưng dân tộc.. là nhiệm vụ của giáo dục và các hệ thống trường chuyên cũng có sứ mệnh đó. Hơn nữa, trước vấn đề sống còn “nên tồn tại hay không tồn tại một mô hình giáo dục” thì cần các phân tích khách quan, độc lập, chứ không nên xuất phát từ tư duy chủ quan duy ý chí của một cá nhân hoặc nhóm người nào đó.
Từ câu chuyện tranh cãi nên bán hay giữ lại Trường Ams một lần nữa phơi bày những nghịch lý trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Đó không chỉ là vấn đề buông hay giữ một tài sản công, mà câu hỏi tối thượng nhất nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng nhất của giáo dục: Tinh hoa và đại chúng?
Cố Giáo sư Hoàng Tụy từng chỉ ra rất đúng thực trạng của nền giáo dục nước nhà đó là: “Không phải giáo dục ta lạc hậu đâu, lạc hậu thì ráng đuổi theo may còn kịp. Nó lạc hướng. Người ta đi đường này, muốn đi đến chỗ này, ta thì cứ thản nhiên nhất quyết đi đường khác, muốn mưu tính chuyện khác. Người ta định làm ra những con người tự do, biết suy nghĩ độc lập và khác nhau (đã độc lập thì hẳn phải khác nhau, mỗi người tự đi tìm lẽ phải cho chính mình và chịu trách nhiệm về lựa chọn riêng đó). Còn ta thì ra sức tạo nên những con người đồng phục, rất kiêng kỵ sự khác biệt, không đồng nhất, chỉ tổ rắc rối ra”.
Thân Nhân Trung thời Hậu Lê có câu để đời và đúng với mọi thời đại, mọi quốc gia: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia; nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.
Hơn nữa, sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào chất lượng của tầng lớp tinh hoa, các bậc anh tài ở mọi giới, mọi ngành. Mà đã gọi là tinh hoa thì không có nhiều, tức đó là những con người ở đỉnh cao của tài năng và trí tuệ.
Việc có một hệ thống đào tạo học sinh tài năng, tinh hoa để “ươm mầm” đội ngũ dẫn dắt xã hội là cần thiết ở bất cứ hệ thống giáo dục nào, thời đại nào. Do vậy, làm sao để giáo dục tạo ra đội ngũ tinh hoa không chỉ Việt Nam quan tâm, mà xu hướng này đã được nhiều nước tiên tiến rất chú trọng nhằm tạo ra những đỉnh cao để cạnh tranh mạnh mẽ trong thế giới khoa học công nghệ đổi mới hàng ngày, hàng giờ.
Nói cách khác, học sinh có năng lực cao được đào tạo chuyên sâu theo thiên hướng cá nhân có tiềm năng phát triển vượt bậc ở các bậc học cao hơn. Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada, Đức, Singapore và Nhật Bản đều duy trì hệ thống trường chuyên vì lý do này.
Ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm. Trường chuyên chủ yếu với vai trò tìm người tài. Điều này cũng không phủ định vai trò của các trường không chuyên. Tuy nhiên, tôi nghĩ môi trường chuyên thì khả năng đào tạo ra những chuyên gia đầu ngành sẽ lớn hơn…
Nhiều cựu học sinh chuyên ở các nước đã trở thành những nhà nghiên cứu, nhà phát minh, doanh nhân và nghệ sỹ nổi tiếng. Trường chuyên đã trở thành nơi ươm mầm tài năng cho các địa phương và là mục tiêu, ước mơ và niềm tự hào của nhiều thế hệ học sinh.
Tức là, không có xã hội nào toàn tinh hoa. Có tinh hoa và có số đông, cả hai đều cần. Văn hóa là vậy và giáo dục cũng hẳn là vậy. Có cái đại chúng được học rộng rãi làm lực lượng. Và có bộ phận nhỏ tinh hoa dắt dẫn sự phát triển, và từng bước nâng cái số đông rộng rãi kia lên. Các nền văn minh, từ rất xa xưa, đều đã tiến hóa như thế, vậy thì Việt Nam cũng không có lý do gì để “bẻ gãy” cái quy trình phát triển như thế cả.
Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ đã từng nói: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc“. Qua đó có thể thấy vấn đề giáo dưỡng và sử dụng nhân tài quan trọng đến nhường nào.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả