‘Giáo dục thế nào mà bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng?’
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát nêu vấn đề khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em” ngày 27/4.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. “Ngay cả nơi được xem là bình yên nhất đối với trẻ em là gia đình thì trẻ em cũng bị xâm hại. Nơi phải bảo đảm yêu cầu bảo vệ trẻ em theo văn minh là trường học nhưng đều có thể xảy ra những việc thế này. Ngay cả nơi đã đưa các cháu vào là trung tâm bảo trợ trẻ em thì các em vẫn bị xâm hại. Đó là vấn đề rất nhức nhối”, ông Lưu nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, con số này thậm chí còn chưa phản ánh hết tình hình thực tế hiện nay. “Chúng tôi đi làm việc ở nhiều địa phương, ngay các lãnh đạo địa phương cũng nói đây chỉ là phần nổi của tảng băng”, ông Lưu nói.
Mặc dù hệ thống chính trị rất vững mạnh, đầy đủ ở tất cả mọi nơi, mọi cấp, nhưng điều đáng bàn là những hành vi xâm hại trẻ em có được phát hiện kịp thời không? Theo ông Lưu, có trường hợp không phát hiện, có trường hợp phát hiện không kịp thời, có trường hợp phát hiện ra rồi bỏ mặc, nếu công luận, báo chí và bản thân các em không lên tiếng.
“Giáo dục, tuyên truyền thế nào mà bắt trẻ em uống nước giặt giẻ lau bảng?”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, đồng thời đề nghị đưa ra những giải pháp cụ thể, sát với từng đối tượng, từng vùng, từng nơi để có thể thực hiện ngay sau khi có báo cáo giám sát này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, những vụ việc được phát hiện, xử lý vừa qua mới chỉ là phần nổi của tảng băng, chưa phản ánh hết thực trạng. Theo ông, công tác bảo vệ trẻ em của chúng ta chưa tốt. Thậm chí, có những vụ trẻ em bị bạo lực hằng ngày mà chính quyền địa phương không biết, nhà trường không biết.
Về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị báo cáo giám sát làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trước những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Đại biểu đề nghị tập trung cho các giải pháp phòng ngừa, đặc biệt phải tập trung cho các nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cao.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cảnh bảo tình trạng lỏng lẻo trong gắn kết gia đình, cơ cấu gia đình truyền thống đang bị phá vỡ. Ông bà, bố mẹ rất ít thời gian gặp gỡ, trò chuyện với con cháu. Đi làm về mỗi người lại cầm một chiến điện thoại.
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn giám sát (từ 1/1/2015 đến 30/6/2019) có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.
Theo Đoàn giám sát, trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai…
Kết quả giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em.
Luân Dũng/TPO