+
Aa
-
like
comment

Giao dịch lô 1.000 cổ phiếu: HoSE ngược chiều thế giới?

05/03/2021 07:12

TS Hồ Quốc Tuấn cho rằng ý tưởng nâng lô giao dịch tại HoSE có thể làm nhà đầu tư nhỏ rời bỏ thị trường chứng khoán hoặc đổ xô vào các cổ phiếu thị giá nhỏ, rủi ro cao.

Cách đây hơn một tuần, chị Thái (35 tuổi, TP.HCM) bàn với chồng rút thêm tiền trong tài khoản tiết kiệm ngân hàng để đổ thêm vốn vào chứng khoán. Mới đầu tư từ cuối tháng 1 với số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng, chị đã có khoản lợi nhuận gần 20% nhờ mua vào một số cổ phiếu ngân hàng đúng thời điểm thị trường xuống đáy.

Tuy nhiên, sau khi biết thông tin lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đang xem xét ý tưởng nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 cổ phiếu/lệnh, chị Thái cân nhắc lại ý định trên mình, xem xét bán bớt cổ phiếu. Chứng khoán rớt mạnh nhất từ sau Tết trong phiên 4/3 càng làm nhà đầu tư F0 này muốn chốt lời sớm.

Giao dịch lô 1.000 cổ phiếu: HoSE ngược chiều thế giới?

“Nếu phải đặt 1.000 cổ phiếu/lệnh sẽ rất căng cho F0 như tôi. Không chỉ cần nhiều tiền hơn, việc vào lệnh mua 1.000 cổ phiếu sẽ rủi ro hơn. Thường tôi sẽ đặt nhiều lệnh, mỗi lệnh vài trăm cổ phiếu để có giá bình quân tốt hơn”, chị Thái chia sẻ.

Trao đổi với PV, TS Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cấp cao tại ĐH Bristol (Anh), đánh giá việc nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu/lệnh của HoSE sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho giao dịch của nhà đầu tư nhỏ. “Họ sẽ buộc phải mua các cổ phiếu có mức giá thấp hơn vì ít tiền, và bán ra các cổ phiếu có giá cao, bao gồm các cổ phiếu tốt”, TS Tuấn nhận định.

Đi ngược xu hướng thế giới

Theo TS Tuấn, kết quả của việc tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu nhiều khả năng dẫn đến nhà đầu tư nhỏ, vốn ít phải rời bỏ thị trường hoặc họ sẽ đổ xô vào các cổ phiếu có thị giá nhỏ, vốn có rủi ro cao và độ biến động lớn. “Như vậy, phải chăng giải pháp này đang làm hại thay vì giúp cho nhà đầu tư nhỏ như lãnh đạo HoSE nói?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Ý tưởng nâng lô giao dịch cũng đi ngược lại xu hướng của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới. Theo TS Tuấn, nhiều quốc gia đã giảm quy mô tối thiểu của lô giao dịch. Thị trường Nhật Bản, Singapore đều giảm từ lô 1.000 về 100 cổ phiếu. Ở Anh, lô giao dịch thậm chí giảm từ lô 50 về 1 cổ phiếu.

“Lý do là nhiều nghiên cứu chỉ ra giảm lô giao dịch sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường. Mặt khác, khi giao dịch qua robot, giao dịch tần suất cao trở thành xu thế, giảm lô giao dịch là điều kiện tiên quyết để các phương thức giao dịch này hiệu quả hơn. Sự xuất hiện của những nền tảng fintech như Robinhood ở các nước cũng tạo ra áp lực cạnh tranh buộc các sàn phải giảm lô giao dịch tối thiểu để các nhà môi giới truyền thống còn có thể cạnh tranh với fintech”, TS Tuấn cho biết.

nang lo giao dich anh 1
Các thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản đều giảm quy mô lô giao dịch cổ phiếu. Ảnh: Reuters.

Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy các sàn chứng khoán lớn giảm quy mô lô giao dịch theo ông là sự liên thông của nhiều thị trường cổ phiếu. Đơn cử ở châu Âu, nếu thị trường nào bảo thủ, không chịu giảm lô giao dịch, thị trường khác sẽ “cướp” công ty niêm yết và khách hàng, thậm chí là các công ty fintech. Áp lực cạnh tranh này buộc họ phải giảm lô giao dịch.

“Ngay cả thị trường bảo thủ như Nhật Bản muốn thu hút nhà đầu tư nhỏ, để họ không bị thu hút vào các ứng dụng giao dịch fintech, cơ quan quản lý cũng phải giảm lô giao dịch từ 1.000 về 100 cổ phiếu. Đặc thù của thị trường Việt Nam là thiếu vắng sự cạnh tranh này”, TS Tuấn chia sẻ với PV.

Quỹ đầu tư chưa phát triển không phải vì lô giao dịch

Trong các luận điểm liên quan ý tưởng nâng lô giao dịch trên HoSE từ 100 lên 1.000 cổ phiếu/lệnh, lãnh đạo HoSE cho rằng điều này có thể làm các nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Theo đó, các quỹ đầu tư, ngành quản lý quỹ sẽ phát triển, để gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường.

TS Tuấn cho rằng ý kiến này dựa trên giả định nhà đầu tư nhỏ không rời khỏi thị trường hay bị hút vào các cổ phiếu giá thấp và biến động cao. Tuy nhiên, ông đánh giá tâm lý của nhiều người Việt là muốn tự mình đầu tư.

nang lo giao dich anh 2
TS Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên ĐH Bristol (Anh). Ảnh: University of Bristol.

“Đây là đặc điểm văn hóa nên không thể bắt ép ta giống như nước ngoài. Mặt khác, nhà đầu tư ở nước ngoài khi đầu tư vào quỹ có những lợi thế về thể chế như sự tồn tại của các quỹ lương hưu tư nhân do công ty lập ra cho nhân viên, thói quen đề xuất khách hàng đầu tư vào quỹ của các nhà tư vấn tài chính, hay tiết kiệm thuế, phí khi rót tiền vào quỹ cổ phiếu đầu tư ra thị trường nước ngoài”, TS Tuấn phân tích những định chế này hoàn toàn vắng bóng trên thị trường quỹ ở Việt Nam.

Chuyên gia tài chính này nhấn mạnh lãnh đạo HoSE là những người hiểu rõ nhất vấn đề quá tải, nghẽn lệnh. Theo ông, trách nhiệm của những người đứng đầu HoSE là phải truyền thông chính sách rõ ràng các lựa chọn giảm tải hệ thống để nhận được sự đồng thuận. Từ đó, nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ với khó khăn với sở giao dịch.

TS Tuấn đặt ra nhiều câu hỏi như hệ thống của HoSE còn tăng dung lượng được hay không, vấn đề kỹ thuật thật sự đã hết khả năng xoay sở và chỉ còn con đường tăng lô giao dịch. Việc tăng lô giao dịch so sánh với chuyển sàn một số cổ phiếu ra sao. Hoặc nếu không làm gì mà chỉ cố gắng đẩy nhanh tiến độ áp dụng hệ thống mới có tốt hơn tăng lô giao dịch không.

“HoSE cần phải truyền thông rõ ràng các lựa chọn này, chứ không nên áp đặt và tô hồng một giải pháp nào đó”, TS Tuấn kết luận.

Việt Đức/ ZF

Bài mới
Đọc nhiều