+
Aa
-
like
comment

Giảng viên phải có 10 mét vuông diện tích làm việc: Phí đổ lên đầu sinh viên?

03/10/2019 14:43

Trước dự thảo Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến quy định diện tích làm việc cho giảng viên là 10 mét vuông, tiến sĩ Lê Trường Tùng cho rằng: ‘ĐH thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0, không nên quy định theo kiểu 1.0 và cuối cùng nếu áp dụng thì phí đổ lên đầu sinh viên’.

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM trong giờ làm việc /// Hà Ánh
Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM trong giờ làm việc

Nội dung quan trong trong dự thảo Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến quy định diện tích làm việc cho giảng viên là 10 mét vuông. Quy định này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ phía giảng viên, trường ĐH.

Áp dụng với các dự án mới

Bộ GD-ĐT công bố lấy ý kiến dự thảo lần 1 về thông tư Quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo đó, đáng chú ý nhất trong dự thảo này là định mức, tiêu chuẩn diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên.

Cụ thể, mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 24 mét vuông, mỗi phó giáo sư là 18 mét vuông; mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10 mét vuông. Bên cạnh đó, cứ mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ cho giảng viên. Diện tích chuyên dùng là 3 mét vuông/giảng viên, với diện tích không nhỏ hơn 24 mét vuông/phòng.

Quy định này áp dụng đối với các ĐH, học viện, trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường CĐ sư phạm, trường TC sư phạm, trường CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Đặc biệt, các quy định tiêu chuẩn, định mức theo dự thảo này sẽ chỉ áp dụng với các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp sau ngày thông tư chính thức có hiệu lực.

“Tư duy cũ trong thời đại mới”

Trước dự thảo này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ý kiến: “Đây là tư duy cũ vẫn còn trong thời đại mới. Không cần giảng đường, không cần lớp học kiểu cũ. Thầy giáo giao tiếp online với sinh viên nên không cần phòng làm việc. Sinh viên cần những phòng nhỏ 3-5 nhóm, có wifi mạnh, có LED TV để trao đổi nhóm, có thiết bị để làm projects…”.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, bày tỏ sự không đồng tình với quy định này của dự thảo. Ông Tùng nói: “ĐH thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0, không nên quy định theo kiểu 1.0 và cuối cùng nếu áp dụng thì phí đổ lên đầu sinh viên”.

Ông Tùng nhấn mạnh: “Phòng hiệu trưởng của Trường ĐH FPT hiện chỉ có 10 m vuông!”.

Cũng theo ông Tùng, dù quy định này chỉ áp dụng cho dự án mới nhưng trên quan điểm chất lượng điều này là không hợp lý. Vì chất lượng phải áp dụng cho cả trường cũ và cũng sẽ vi phạm luật cạnh tranh vì cản trở các đối tác đầu tư mới tham gia thị trường giáo dục.

Giảng viên nói gì?

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, thạc sĩ Lưu Minh Sang, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế-luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói: “Giảng viên cần không gian làm việc để phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu. Nghiên cứu là hoạt động mang tính đặc thù nên cũng cần gắn với không gian làm việc đặc thù, nghiêm túc”.

Theo thạc sĩ Sang, trong các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế đều có tiêu chí về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên. Chính vì vậy, yêu cầu về diện tích làm việc tối thiểu dành cho giảng viên là hợp lý và cấp thiết. Tuy nhiên, quy định này cần kèm theo thời gian chuyển tiếp để các trường có thời gian và điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

Đồng thời, cũng theo thạc sĩ Sang, cần bổ sung quy định cách xác định diện tích làm việc tối thiểu, quy định hiện hành còn tương đối chung chung. Bên cạnh đó, cũng cần quy định chi tiết hơn về tiêu chuẩn thư viện của các trường vì thư viện vốn là một cơ sở vật chất quan trọng phục vụ cho quá trình dạy, học và nghiên cứu.

Thạc sĩ N.N.K., giảng viên Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho rằng quy định này nếu được thực thi thì giảng viên sẽ rất vui mừng.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ N.N.K. quy định này sẽ khó thực thi trong điều kiện hiện tại khi mà cơ sở vật chất các trường đang còn nhiều yếu kém như hiện nay. Ông K. nói: “Nhìn chung trên địa bàn TP.HCM, hầu hết các trường ĐH đều phải sử dụng cùng lúc nhiều cơ sở để phục vụ giảng dạy, có những trường có tới hơn 10 cơ sở riêng lẻ khắp các quận huyện. Khi đó, quy định 10 mét vuông diện tích dành cho làm việc và 3 mét vuông diện tích cho nghỉ trưa với mỗi giảng viên là điều không thể thực hiện được với các trường…”.

Thạc sĩ K. nhấn mạnh: “Trước mắt giảng viên chỉ mong muốn có được chỗ nghỉ trưa thoải mái, nhà vệ sinh thật sạch sẽ. Những ngày dạy từ sáng qua chiều thì nơi nghỉ trưa là cần thiết nhưng hiện thầy cô nhiều trường cho biết chỉ xếp ghế bố nằm chung phòng cũng chưa đủ chỗ”.

Về phòng làm việc cho giảng viên, ông  K. cho biết nơi làm việc hầu hết giảng viên hiện là văn phòng khoa. Nhưng có những khoa có tới 40-60 giảng viên thì việc mỗi giảng viên được sở hữu 1 bàn làm việc với chừng 3 mét vuông đã chưa thực hiện được. Vì thế, có thể tính 10 mét vuông diện tích làm việc cho giảng viên bao gồm bàn làm việc riêng tại khoa, các phòng làm việc theo không gian chung dành cho giảng viên hoặc tại các thư viện.

Ý định tốt nhưng cần lộ trình

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn của Uỷ ban quốc gia đổi mới giáo dục, cho rằng dự thảo này cho thấy ý định tốt của cơ quan soạn thảo thực hiện chuẩn hóa từng bước với GD-ĐT nói chung và với trường ĐH nói riêng, thể hiện sự quan tâm tạo điều kiện làm việc cho các giảng viên và ưu đãi với các giáo sư thực tài. Tuy nhiên, dự thảo cần bám sát vào điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, khả năng chi trả học phí của người học vì chi phí càng tăng học phí càng lớn.

Mặt khác, khi các trường không đáp ứng được tiêu chuẩn thì tác động tiêu cực có thể xảy ra như trường sẽ ngại tuyển giảng viên cơ hữu, bổ nhiệm giáo sư vì ngân quỹ không đủ, trong khi nhà nước đang phải thắt lưng buộc bụng cho các mục tiêu phát triển quốc gia.

Mọi chính sách đầu tư giáo dục nên hướng đến sinh viên, lấy sinh viên làm trung tâm vì thế cần có lựa chọn ưu tiên trong đầu tư, đánh giá tác động nhiều chiều và đặc biệt cần có sự đồng thuận của những người chịu trách nhiệm. Điều này xem ra ở Việt Nam còn một chặng đường không ngắn vì thế phải có lộ trình thực hiện.

Hà Ánh

Bài mới
Đọc nhiều