Giang hồ và nghệ sĩ
Mình xin tự đặt ra một câu hỏi thế này, liệu có làng giải trí nào tại các quốc gia xung quanh chúng ta, như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, sẽ diễn ra một vụ việc tương tự như vụ Duy Nguyễn mâu thuẫn với anh chị em nghệ sĩ hay không? Liệu có một làng giải trí nào, mà những nghệ sĩ đăng tải công khai lên mạng xã hội những thông tin dọa nạt, đe dọa tính mạng người khác, rồi vô tư bình luận, chia sẻ việc hùa nhau chém, đánh, tìm đến… một người khác hay không? Liệu có một làng giải trí nào, mà một nghệ sĩ đám thẳng tay chỉ thẳng mặt một người làm trong lực lượng công an/cảnh sát hay không?
Tại các quốc gia có nền giải trí phát triển hàng đầu Châu Á, các công ty chủ quản thường quản lý cánh nghệ sĩ rất chặt chẽ về những phát ngôn cả trên đời thực và mạng xã hội nhằm tránh những vụ “vạ miệng” không đáng có. Vì “vạ miệng” ở bên đó, đồng nghĩa với sự tẩy chay, lên án mạnh mẽ của người hâm mộ. Nghệ sĩ nào cũng cần khán giả, cái khán giả cần là những hoạt động nghệ thuật, càng không phải là việc “nhân danh công lý”, tự cho mình quyền tài phán hành động của người khác, hay sân si những câu chuyện trên mạng xã hội.
Năm 2010, nghệ sĩ Hữu Lộc mất, nghệ sĩ Hữu Châu lên tiếng trấn an đám đông anh chị em nghệ sĩ và người hâm mộ rằng hãy để đám tang nghệ sĩ Hữu Lộc được thanh tịnh, nhưng lời của nghệ sĩ Hữu Châu chìm nghỉm giữa đám đông, cả người hâm mộ và một số nghệ sĩ mặc kệ và khiến đám tang trở nên náo loạn, gia đình phải nhờ lực lượng 113 đến giữ gìn an ninh trật tự. Một lần nữa, vào tròn 10 năm sau, cũng chính nghệ sĩ Hữu Châu phải lên tiếng rằng: “Làm gì làm, sao cũng được, nhưng đừng để những người tốt đang thương yêu và trân trọng nghề hát này, nghĩ mình toàn là những người hung dữ”. Và nghệ sĩ Hoài Linh bình luận: “Anh nói các em nó đi anh”.
Dụng ý của hai người nghệ sĩ gạo cội là muốn anh em nghệ sĩ trẻ bình tĩnh, không nóng nảy, hạn chế lên tiếng, tránh việc phơi bày những điều không hay ra trước thiên hạ. Vậy, bao nhiêu người nghệ sĩ khác lắng nghe lời căn dặn này?
Bản thân nghệ sĩ Hoài Linh đã mệt mỏi bao nhiêu ngày nay rồi, chính nghệ sĩ Hữu Châu còn lo lắng và bảo nghệ sĩ người em của mình cần nghỉ ngơi. Nhưng có nhiều nghệ sĩ khác, lại dựa hơi nghệ sĩ Hoài Linh, nói rằng nghệ sĩ Hoài Linh muốn tìm đến, muốn “dạy bảo” Duy Nguyễn, rồi báo chí và cư dân mạng lại nhao nhao vào, giật tiêu đề là “Hoài Linh phẫn nộ…” hay “Hoài Linh tức giận…”, “Hoài Linh truy tìm tung tích…”.
Các nghệ sĩ phản đối hành động của Duy Nguyễn, việc tốt nhất mà các nghệ sĩ cần làm là gì? Một là gửi thẳng đơn thư tố cáo lên cơ quan công an. Hai là bơ thẳng mặt đi. Việc gì mà phải đăng đàn, viết lên mạng xã hội làm gì? Tại sao lại phải quan tâm đến một thằng ở đâu tận đâu? Mà trên mạng, có hàng ngàn ý kiến trái chiều, mỗi nghệ sĩ cần phải chấp nhận những điều đó. Chẳng lẽ cứ ai có ý kiến trái chiều thì cũng phải truy tìm tận gốc, đăng tải bài viết cảnh cáo, dọa đánh à? Duy Nguyễn phát ngôn bừa bãi thì kệ thây hắn, nếu quá đà thì ghi lại, nộp cho cơ quan công an. Đó là mới người quân tử, mới là tôn trọng người đã khuất và thượng tôn pháp luật.
Các ngôi sao Hàn Quốc, Trung Quốc khi bị tấn công hay bôi nhọ lên mạng xã hội, họ sẽ đăng những bài viết, trong đó kiểu gì cũng có đoạn “văn mẫu” như “liên hệ với cơ quan chức năng, tìm kiếm sự trợ giúp và làm việc về mặt pháp luật nhằm bảo vệ danh dự, tính mạng”. Còn một bộ phận sao Việt thì đăng tải những dòng viết thách thức, gạ kèo, livestream… Tại sao không hành xử như nước bạn? Vừa văn minh, vừa là lời cảnh báo lịch sự, vừa đảm bảo được tính thanh tịnh sau tang lễ. Hay những nghệ sĩ này coi pháp luật là trò đùa?
Đằng này, cứ phải rùm beng lên mạng xã hội, phơi bày mọi thứ ra trước cộng đồng mạng. Trước khi đi thì đăng bài viết, trong khi đi thì livestream, gặp nhau cũng đăng bài, hẹn xong thì đăng tổng kết… Người nào, người lấy đều làm thế, người ta hóng từ bài này sang bài kia, nghệ sĩ này sang nghệ sĩ kia, trang này đưa tin, trang kia viết bài. Mà quên rằng, người nghệ sĩ đáng kính vừa mới mất.
Những người nghệ sĩ già hay gạo cội đều không màng đến cái gọi là trừng trị, tài phán người khác. Vì họ bắt đầu hành nghề và đi vào lòng công chúng không phải bằng những nút tương tác trên mạng xã hội, không phải bằng những scandal, không phát ngôn sốc.
Đằng này, đang thời buổi dịch bệnh, lại còn khiến đám đông cư dân mạng tò mò, kéo đến tập trung đông người, mỗi ngôi sao đến là một lần đám đông reo hò, chụp ảnh. hú hét… Mới mấy người ngày trước, người ta cũng lên án những “đội quân” livestream ở nhà tang lễ, nhưng người gầm thét, reo hò và cười đùa khi thấy những ngôi sao giải trí, chẳng lẽ những người nghệ sĩ này lại muốn mọi chuyến cứ diễn ra như vậy hay sao?
Liệu hình ảnh những người nghệ sĩ, những “anh hùng mạng”, chỉ thẳng tay vào bác công an vốn đáng tuổi cha chú họ, yêu cầu phải làm thế này, thế kia, rồi dọa nạt, có đúng không?
Liệu những cây đa, cây đề, như Hoài Linh, Trung Dân, Hữu Châu có muốn mọi chuyện đi xa như vậy không?
Nhiều khi đám tang không phải của người mất mà là cơ hội để người sống thể hiện các cung bậc bi hài của nhân sinh.
Tifosi
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả