Giang hồ nhí vì sao phút chốc tập hợp hàng trăm người đi gây án?
Trong cuộc hỗn chiến khiếp đảm đó, những đối tượng phải có dấu hiệu riêng để tránh… đâm chém nhầm và có những kẻ tham gia không hề biết lý do, nguyên nhân…
Vụ án 200 giang hồ nhí đập phá, đánh người ở quán nhậu tại Q.Bình Tân tối 5/6 đã gây xôn xao khi mà các đối tượng gây án phút chốc tập hợp được lực lượng đông… đến thế. Những đoạn clip ghi nhận lại cảnh dọc đường chúng đi qua hay trước và trong quán nhậu, đã cho thấy nhiều người dân bị một phen khiếp sợ, tìm nơi lánh nạn.
Thành ủy, UBND TP.HCM và lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm, lập tức chỉ đạo Công an TP.HCM vào cuộc, khẩn trương truy bắt.
Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, đại diện Công an TP.HCM trong buổi thông tin báo chí chiều 7/6 nói rõ, đến nay, tức sau gần 48h xảy ra, chỉ mới tạm giữ hình sự được 15 đối tượng và vì số lượng đối tượng tham gia vụ án quá đông, nhiều người cùng nhóm gây án nhưng thực chất không quen biết nhau nên gây khó khăn, phải mất nhiều thời gian cho việc truy bắt. Thượng tá Lâm còn giải thích, chính vì nhóm đối tượng tham gia quá đông nên chúng trang bị áo khoác ngoài màu cam để nhận diện được phe mình phe địch nhằm tránh đâm chém nhầm.
Một nguồn thông tin khai thác từ số các đối tượng tham gia vụ gây rối bị bắt giữ cho hay, phần lớn được rủ rê thông qua nhóm chát trên mạng xã hội. Một trinh sát cho hay, đây là hình thức rủ nhau đi đâm chém như một kiểu đa cấp, người này rủ rê người kia, người kia lôi kéo người nọ. Có những đối tượng chung nhóm, cùng gây án nhưng không hề quen biết nhau, không biết rõ đi đâm chém là vì chuyện gì…
Cách đây vài tháng, một vụ hỗn chiến băng nhóm khác với hàng chục người, xảy ra ở Q.7 cũng thể hiện mức độ táo tợn của những thanh thiếu niên mới lớn. Vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà trong nhiều đêm liền 2 băng nhóm cầm đầu bởi các thiếu niên 15 17 tuổi đã lùng sục nhau ở các con hẻm của đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 và chém 3 người bị thương.
Đỉnh điểm trong một đêm, những thành viên của 2 băng nhóm gặp nhau trên mạng xã hội rồi thách thức, hẹn nhau ra KCX Tân Thuận để… huyết chiến. Ngay lập tức thông qua mạng xác hội, những thủ lĩnh của hai nhóm kêu gọi chiến hữu cùng tham gia và phút chốc lên đến vài chục người, hung khí các loại đầy đủ.
Màn đâm chém sặc mùi phim bụi đời diễn ra trên đường phố làm nhiều người qua lại khiếp sợ. Trong đó có những người phụ nữ bỏ xe, tìm chỗ ẩn nấp để tránh vạ lây và những đối tượng thất thế trong vụ hỗn chiến đã “cướp” xe để làm phương tiện tẩu thoát. Và Công an Q.7 khi đó vào cuộc nhanh chóng, đã bắt giữ được 20 giang hồ nhí có vài trò “đầu têu” vụ việc đó.
Một dân chơi “nhi-cô-lai” vùng ven kể, nhóm của em thời điểm tổ chức đi “bão” dọc nhiều tuyến đường khu vực Đông Sài Gòn số lượng 500 người là bình thường. Theo lời dân chơi này, có nhóm kín trên facebook nên chỉ cần một thành viên khởi sướng thì chưa đầy 30 phút sau đã có vài trăm người xuất hiện hưởng ứng.
Giang hồ nhí nói trên kể, có lần cũng tham gia đi giải quyết mâu thuẫn từ việc hưởng ứng lời kêu gọi của thành viên có tiếng nói trên một nhóm kín chuyên tập hợp đi bão đêm. Khi đến điểm hẹn thì thấy cả nam lẫn nữ choai choai khá nhiều; số cầm hung khí chừng 20 người để tham gia giải quyết mâu thuẫn nhưng những người đi theo hóng chuyện lên đến cả trăm.
Để tạo khí thế và tránh “va” nhầm phe mình khi hỗn loạn thì cả nhóm gần trăm người thống nhất đeo băng vải trắng ở bả vai. May mắn là lần ấy, cả trăm người kéo qua khu vực giáp ranh tìm không thấy nhóm đối thủ nên đành ra về, chứ đụng độ thì chắc chắn là một vụ trọng án.
Khi anh hùng phim ảnh, giang hồ mạng… bước ra đời
Chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu từng có lần chia sẻ về những vấn nạn của tội phạm nhí ở các địa phương có phần xuất phát từ phim ảnh bạo lực, các clip trên mạng xã hội. Vị tiến sĩ có kể về trường hợp một MV nhạc phim của 1 ca sĩ nổi tiếng, nhiều cảnh quay bạo lực, thể hiện chàng ca sĩ cầm mã tấu tự chế quấn chặt vào tay bằng chiếc áo. Lập tức ở nhiều địa phương những thanh thiếu niên choai choai cũng có những hình ảnh tương tự trong những cuộc giải quyết mâu thuẫn với nhau.
Một thực tế đau lòng là trong giai đoạn những năm gần đây nổi lên vấn nạn giang hồ mạng gây nguy hại không ít đến giới trẻ. Những sắc thái, từng lời nói, cử chỉ, hành vi… của những giang hồ mạng như: Khá “bảnh”, Khánh Sky, Huấn hoa hồng… lại được không ít thiếu niên choai choai thuộc lòng, học theo và coi đó là “thần tượng”.
Có thể nói những clip bẩn, có nội dung kích động bạo lực đã tiềm ẩn những nguy hiểm, tác động không ít đến nhân cách, lối sống của giới trẻ. Có thể nói xuất hiện những mầm mống của tội phạm xuất phát từ phim ảnh, giang hồ mạng.
Ngành công an trong các cuộc họp báo, hội thảo về tội phạm thanh thiếu niên có tính chất băng nhóm, đều đưa ra những giải pháp căn cơ để phòng ngừa. Tại cuộc họp báo mới đây, thượng tá Nguyễn Thế Lâm cũng nhắc lại về những giải pháp này.
Theo thượng tá Lâm, ngoài lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ thì các sở ngành liên quan như: giáo dục, văn hoá, các đoàn thể… cùng vào cuộc để giáo dục, tuyền truyền về ý thức chấp hành pháp luật, trong ứng xử từ nhà trường, trong gia đình đến ngoài xã hội; để kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, nhanh chóng giải quyết. Công an cơ sở cũng thường xuyên có những chương trình tuyên truyền trọng điểm như: phòng chống bạo lực học đường, phòng chống bạo lực gia đình…
Lực lượng công an cơ sở thông qua các biện pháp nghiệp vụ hay trinh sát địa bàn để nhanh chóng phát hiện những đối tượng ăn chơi lêu lổng, có dấu hiệu tui tập gây rối, gây án thì lập tức mời làm việc, răn đe. Cũng như kịp thời phát hiện những mâu thuẫn giữa cá nhân với nhau hay giữa các nhóm với nhau, nhanh chóng giải quyết để hạn chế những vụ việc không đáng có.
Trang Nguyên/VNN