+
Aa
-
like
comment

“Giang hồ mạng” và mặt tối “thần tượng” xã hội đen

24/12/2020 20:36

Tin Ngọc Rambo – một “giang hồ mạng” vừa bị bắt khiến người ta nhớ lại, một thời, những Khá Bảnh, Phú Lê, Huấn hoa hồng, Dương Minh Tuyền, Quang Rambo, Trường con, Đường nhuệ… cũng từng có quá khứ “lẫy lừng” không kém, và kết thúc ở trại giam, song vẫn là “thần tượng” của không ít người trẻ.

Xem những clip trên mạng, có thể thấy, Ngọc Rambo là đại ca nói ngọng, dẫn đầu đàn em giúp lấy lại công bằng cho chủ quán, hay vạch mặt kẻ đòi tiền bảo kê, xử lý những tên giang hồ vặt bằng đòn roi và những lời răn dạy tuy lỗ mãng nhưng khá hài hước và mang hơi hướng phim “xã hội đen”. Việc đi đâu cũng quay clip để dựng lên một chân dung đại ca “giang hồ mạng” như thế có kèm nhạc hiệu và màn teaser nhá hàng mở đầu oai phong ắt hẳn là do chủ nhân chịu ảnh hưởng từ hàng loạt bộ phim đề tài bạo lực đang tràn ngập trên kênh YouTube.

Nguyên nhân dẫn đến việc Ngọc Rambo bị bắt là do người này có hành vi đe dọa, ép buộc và giữ người trái phép. Trong quá trình này, nhóm đã quay video và đăng tải lên kênh YouTube, nội dung “dằn mặt” chàng trai trẻ mang cô gái đi mấy ngày chưa về nhà.

Không phải nổi tiếng bởi nhiều hình xăm trên cơ thể, hay dây chuyền vàng to nặng, Ngọc “Rambo” khuếch trương thanh thế trên mạng nhờ hành động “nghĩa hiệp” bảo vệ người thân cô thế cô, bị kẻ xấu ức hiếp. Bên cạnh đó là lối rao giảng đạo đức trần trụi nhưng hấp dẫn chẳng kém lời thoại trong phim xã hội đen cũng thu hút người xem và cổ vũ cho hành động trên. Vì thế, chẳng mấy chốc, kênh YouTube của người này có hơn 450.000 người đăng ký, hàng triệu lượt người xem, chia sẻ. Đến những câu chửi của Ngọc “Rambo” cũng khiến cộng đồng mạng thích thú vì rất “đời”, rất giang hồ hảo hán, mà quên đi những mặt trái của thế giới ngầm.

Các nhà tâm lý phân tích, phải chăng, việc khủng hoảng giá trị sống đã khiến một bộ phận giới trẻ say mê những “anh hùng” thời loạn chuẩn như Ngọc “Rambo”? Chính vì thiếu mục đích, lý tưởng, kỹ năng sống mà không ít người trẻ ngộ nhận giữa “giang hồ mạng” và “anh hùng mạng”, đẩy những Ngọc “Rambo”, Phú Lê, Khá Bảnh… thành “thần tượng”của họ.

Trong khi trên thực tế, phía sau những clip oai hùng đó là một mặt tối –  những  kẻ “bay lắc”, buôn ma túy, đánh bạc, hành hung người khác, phát ngôn dung tục, vô văn hóa… Điều này dấy lên lo ngại cho các bậc phụ huynh, khi cứ mở mạng ra, con cái của họ sẽ bị nhập tâm với thế giới “anh hùng mạng” nhiều đánh đấm, bạo lực, chửi văng mạng và ngôn ngữ chợ búa, lỡ đem ra “áp dụng” trong trường học thì sẽ ra sao?

"Giang hồ mạng" và mặt tối "thần tượng" xã hội đen - Ảnh 2.
Ngọc thu hút lượng lớn người xem dù các clip anh ta đăng tải rất nhảm nhí, bạo lực.

Cũng có nhiều người lo ngại rằng, bắt một Ngọc “Rambo” lại “nảy” ra một “Rambo” này khác. Một Khá Bảnh vào tù lại có một “Khá Bảnh” khác xuất hiện. Ở khía cạnh tích cực, không phải mạng xã hội không cho ra những hảo hán giúp đời, kiểu như truy tìm kẻ tội phạm trên Facebook, tìm trẻ mất tích, tham gia cứu trợ đồng bào bị lũ lụt hay cứu người bị tai nạn, cây đổ, chở bệnh nhân về quê… Và có những câu chuyện mà nhờ có mạng xã hội, báo chí mới chạy theo phản ánh kịp thời. Vậy không nên đổ lỗi cho mạng xã hội cho dù ở đó có không ít thành viên quá tả.

Lúc này quan trọng nhất chính là vai trò của nhà quản lý. Liệu cứ phải bắt là xong, cấm là được? Nên xem đây là điều tất yếu, chẳng khác chuyện trồng lúa tất cỏ mọc, dọn dẹp không phải bằng bạo lực, cấm đoán, lại càng kích thích trí tò mò, mà phải thuyết phục người ta, để họ hiểu đâu là điểm dừng bớt quá khích. Nói như một nhà văn, “chúng ta phải sống chung với các “hiện tượng mạng” vì tất cả như dòng chảy của cuộc đời, có cả hương hoa lẫn rác rến, chỉ là rẽ dòng cho nước trong mà thôi”!

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sở dĩ nảy sinh trào lưu làm “giang hồ mạng” cổ xúy cho lối sống không lành mạnh, kích động đánh đấm là do lỗ hổng trong giáo dục rất lớn. Khi ra đường, không ít người văng mạng chửi tục, sẵn sàng lao vào đánh nhau, thậm chí giết nhau chỉ vì cái liếc mắt hay vì một chuyện không đâu…

Tính manh động, bạo lực “xã hội đen” diễn ra ở nhiều địa phương và ngay cả trong học đường khiến người ta nghi ngờ hiệu quả của cách dạy về nhân cách và phẩm giá trong các bài học đạo đức khô cứng, trong khi cuốn sách đời để ngỏ lại ngồn ngộn sinh động những minh họa về hành xử của những kẻ “ngang trời dọc đất” chẳng sợ một ai.

Không gì hơn việc nên trang bị cho mỗi người trẻ một màng lọc để tự bảo vệ mình trước dòng lũ thông tin trên mạng, và giúp họ tìm thấy niềm tin vào chính tính thiện căn của mình. Chúng ta không thể tắt tivi, tắt wifi để bảo vệ con trẻ, mà đúng hơn – nên sống chung và tìm giải pháp thích hợp là cách để cứu các bạn trẻ khỏi vũng lầy “thần tượng” của chính mình.

Và cuối cùng, một môi trường lành mạnh sẽ khiến những đứa trẻ phát triển lành mạnh. Thử hỏi, một gia đình tan vỡ, con cái bị bỏ bê, đến trường học thì bị bắt nạt, ức hiếp, hắt hủi, đến chỗ làm bị dồn nén, tủi nhục, căm hận, suýt tự tử…, sống trong một môi trường bất an, không đủ niềm tin vào pháp luật thì dĩ nhiên, “giang hồ mạng” sẽ là “điểm tựa” cho trẻ mới trưởng thành.

Và phải chăng, cũng vì chạy theo view mà truyền thông, mạng xã hội cũng tiếp tay cho thế giới “giang hồ mạng” xuất hiện ở các gameshow hay các clip quảng cáo? Một khi cái xấu được tung hô, được đón nhận như một sự nổi tiếng, kiếm được bộn tiền thì không cách gì người trẻ từ chối được ám lực của nó!

PV/DV

Bài mới
Đọc nhiều