Giãn thuế tiêu thụ đặc biệt có giúp giảm giá xe ôtô?
Cùng với việc giảm 50% thuế trước bạ, Chính phủ cũng đã gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và kích cầu thị trường trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Nghị định 109/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước vừa ban hành ngày 15/9/2020, cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020; tháng 4/2020 chậm nhất vào ngày 20/10/2020; tháng 5/2020 chậm nhất vào ngày 20/11/2020.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp sản xuất và ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An – doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ôtô, cùng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ôtô sản xuất lắp ráp trong nước, chính sách gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được ban hành này có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp.
Qua đó, giúp doanh nghiệp có khả năng duy trì dòng tiền, góp phần tạo động lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh doanh số bán hàng của thị trường ôtô giảm sút trong những tháng gần đây, doanh nghiệp chưa thu hồi được vốn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc giãn thuế này không giúp giá bán xe trong nước giảm như nhiều người lầm tưởng mà chỉ giúp doanh nghiệp lùi thời hạn nộp thuế thêm 5-6 tháng thay cho bán xe xong phải nộp ngay như trước đây và khoản thuế này doanh nghiệp vẫn phải nộp đầy đủ vào các chu kỳ phải nộp như Nghị định 109/2020/NĐ-CP quy định.
Việc giảm giá xe chỉ xảy ra khi giảm thuế hoặc các hãng, đại lý bán xe giảm giá để cạnh tranh, kích cầu thị trường hay giảm giá ở những mẫu xe cũ để thu hồi vốn và dọn đường cho các mẫu xe mới.
Dưới góc độ của người trong cuộc, đại diện một doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe ôtô đánh giá cao chính sách giãn thuế này của Chính phủ trong bối cảnh thị trường xe ôtô cung vượt cầu, doanh số bán xe những tháng gần đây không những chững mà còn liên tục giảm, đẩy con số tồn kho cao hơn trước khiến việc sản xuất lắp ráp xe trong nước cũng khó khăn theo dù doanh nghiệp đã mạnh tay giảm giá để kích cầu thị trường.
Tuy nhiên, Nghị định này ban hành ngày 15/9/2020 và có hiệu lực thi hành luôn kể từ ngày ký, áp dụng việc gia hạn thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế từ tháng 3 trở đi, thời điểm này đã là tháng 9 nên đa số các doanh nghiệp đã nộp xong thuế của những tháng trước, bởi theo quy định thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ngay.
Do đó, thời gian còn lại để doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách gia hạn nộp thuế này không phải là nhiều, chỉ còn 2 hoặc 3 tháng, tức là chỉ còn được giãn thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh trong các tháng 9 và 10 hoặc tháng 8 nếu có doanh nghiệp chậm nộp.
Cụ thể, thời gian gia hạn cho kỳ tính thuế lâu nhất cũng chỉ được áp dụng đến tháng 10 tới và thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng này chậm nhất là ngày 20/12/2020.
Vì vậy, thời gian gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cũng không phải là nhiều…
Trước đó, ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và có hiệu lực cùng ngày; trong đó có nội dung giảm 50% lệ phí trước bạ đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.
Tiếp đó, ngày 28/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 và kéo dài đến hết năm 2020.
Nghị định này ban hành được coi là động lực không chỉ giúp doanh nghiệp tiêu thụ xe lắp ráp tốt hơn mà còn thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Trong lúc tiêu thụ xe khó khăn, doanh nghiệp phải mạnh tay giảm giá để kích cầu thị trường và cùng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được ban hành, nhiều người mua xe được hưởng lợi “kép” từ hai phía do ký hợp đồng từ trước để hưởng khuyến mại, khi chính sách có hiệu lực mới đăng ký xe để giảm phí, nhờ đó doanh số bán ôtô tháng 6/2020 tăng 26% so với tháng trước.
Tuy nhiên, bước sang tháng 7 doanh số bán xe chỉ tăng 0,3% và tháng 8 lại giảm 14% so với tháng liền trước.
Phân tích về những con số này, ông Nguyễn Tuấn cho rằng, điểm nhấn của thị trường ôtô Việt Nam từ đầu năm đến nay chính là thông tin Chính phủ sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước, nhiều người đã dồn nén nhu cầu mua xe và chờ đợi trong nhiều tháng đã giúp doanh số bán xe tăng trưởng 26% trong tháng 6 và sau đó là chững lại, đồng thời giảm ở các tháng tiếp theo.
Ông Nguyễn Tuấn cũng dự báo từ nay đến cuối năm sẽ có đợt doanh số bán xe tăng đột biến. Cụ thể là khi gần hết chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ vào cuối năm nay, người dân sẽ tranh thủ mua xe để tận dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ trước khi kết thúc chương trình này.
Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19 và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới nên, thị trường ôtô năm 2020 tăng trưởng âm sẽ là điều khó tránh khỏi.
Còn theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tính chung 8 tháng năm 2020, thị trường ôtô Việt Nam có doanh số bán 151.903 xe các loại, giảm đến 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả kinh doanh trong 8 tháng qua, VAMA đưa ra dự báo doanh số bán xe cả năm 2020 giảm 15% so với năm 2019.
Văn Xuyên/ TTXVN