Gian lận thi cử và nguy cơ tụt hậu
Dư luận vẫn đang nóng lên từng ngày về việc kinh thiên động địa gian lận trong thi cử của giáo dục Việt nam. Cũng dễ hiểu thôi, giáo dục là rường cột của nước nhà. Cái rường cột ấy lâu nay đang bị lung lay, và những gì xảy ra vừa qua với nền giáo dục thực ra chỉ là giọt nước tràn ly của những chuỗi thời kỳ gian lận với sự tham gia của nhiều người, nhiều tổ chức.
Vậy nên, nếu nhìn vào thực trạng giáo dục của chúng ta hiện nay những người quan tâm đến vận mệnh đất nước cũng như tương lai của lớp trẻ đều phải giật mình. Mang trong mình những trách nhiệm lớn lao, hơn lúc nào hết các bậc làm cha làm mẹ, những người làm thầy, làm cô, những người đã từng đồng hành với giáo dục nhiều thế hệ, mỗi người phải tự gạn đục khơi trong để khơi gợi niềm tin cho chính mình, gia đình mình và con trẻ. Những người đứng đầu Chính phủ, những người đang được dân bầu, dân cử không chỉ có những động thái an dân chung chung mà cần phải ra tay quyết liệt với mọi tệ nạn xã hội, đặc biệt là dối trá và gian lận trong thi cử.
Bàn chuyện gian lận trong thi cử, chúng ta không thể đỗ lỗi hoàn toàn cho giáo dục. Bởi từ lâu sự dối trá đã ngầm ngầm ở nhiều gia đình, nhiều địa phương và nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội, mà bề nổi ta thường nhìn thấy là hai lĩnh vực y tế và giáo dục.
Ở nhiều trường phổ thông, vì chạy theo bệnh thành tích, nhiều thầy cô tự nâng điểm cho học trò của mình. Chẳng cần ba mẹ các em chẳng cần các em phải xin điểm, nhiều thầy nhiều cô tự nhìn nhau mà nâng cho các em.
Xuất phát từ đạo lý “thương học trò” và bệnh thành tích mà nâng. Một người nâng được thì nhiều người nâng được. Nâng được một lần thì sẽ nâng được n lần…Những năm gần đây, khi điểm học bạ quyết định rất lớn đến xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, tình hình nâng điểm ở nhiều trường phổ thông đã trở nên phức tạp.
Với ý nghĩ, nếu mình không nâng cho học sinh trường mình, thì chắc chắn học sinh trường mình sẽ thiệt thòi hơn các trường khác…Suy cho cùng, lỗi này chẳng tại thầy cô mà tại vì quy trình, quy chế sinh ra nó…
Nói như vậy để chúng ta hiểu, để có một nền giáo dục tốt trên một cái móng rã bệu thật sự khó khăn đến dường nào.
Những lùm xùm trong thi cử vừa qua thật sự buồn..Càng buồn hơn khi gian lận trong thi cử được phanh phui và nhiều chuyên gia giáo dục phản biện về mức độ khó dễ của đề thi, một tư lệnh ngành đã phát biểu…. Cần cho xã hội biết rằng kỳ thi THPTQG là kỳ thi tốt nghiệp, chứ không phải là kỳ thi 2 trong 1….
Thật sự là bàng hoàng…Vậy cách đây 4 năm không phải chúng ta đã hoan hỉ xác nhận rằng chính thức gộp 2 kỳ thi làm một và tuyên bố một kỳ thi với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học là một phương án tốt nhất, hoàn mỹ nhất hay sao?
Để có một kỳ tuyển sinh tự chủ như Đại học QGTPHCM và một số đại học khác thực sự không phải đại học nào cũng làm được, đặc biệt là trong khi chúng ta hoàn toàn chưa kiểm soát hết đầu vào đầu ra của đại học.
Mà nói như chuyên gia Lê Trường Tùng (FPT) nếu vậy thì kỳ thi này chỉ đế xét tốt nghiệp và tỉ lệ tốt nghiệp cả nước chưa đạt 50% sẽ được lỳ giải thế nào…..?
Thật khó để dạy trẻ khi trẻ hỏi người lớn chúng ta rằng tại sao các con nhìn đâu cũng thấy gian lận . Tại sao lĩnh vực nào cũng có nhiều gian lận như thế. Và vì sao gian lận đã trải qua nhiều năm và mỗi năm càng tinh vi như thế mà việc giải quyết vẫn cứ bê trễ và đổ vấy lên nhau về trách nhiệm….?
Suy cho cùng, không ít người lớn đang tiếp tay cho trẻ gian lận. Thời các trường đại học còn căn cứ cộng điểm vùng trên sổ hộ khẩu, nhiều gia đình đã làm hộ khẩu ma cho con ở những vùng khó khăn để nâng mức điểm ưu tiên.
Nhiều bậc cha mẹ cậy có chức có quyền, có tiền chạy cho con vào trường chuyên lớp chọn, chạy điểm học bạ, chạy điểm vào đại học…Mua một thầy một cô không được thì mua luôn cả Ban giám hiệu….Vì đồng tiền, không ít thầy cô đã đối xử bất công bằng với những học trò vô tội của mình…
Lẽ đời là thế….Một sự gian lận dối trá sẽ cướp đi cơ hội của một sự trung thực và một cố gắng… Gian trá bước vào thì liêm chính bị đuổi ra và khi một mạo danh thế chỗ, một đứng đắn sẽ mất đi…..
Những đứa trẻ được gian lận từ khi mới vào đời, lại tiếp tục gian lận để vào được những vị trí chủ chốt, đặc quyền đặc lợi….Hàng trăm vết dầu loang ra, việc quản lý xã hội càng thêm phức tạp.
Một đất nước mà chỉ quẩn quanh giải quyết những vấn nạn để sinh tồn thì không còn nhiều thời gian để nghĩ đến việc phát triển phồn vinh.
Thế hệ trẻ còn rất trẻ, còn những vấp váp, còn phải nhìn vào hành xử xã hội để tạo thành quan điểm sống cho mình. Hãy để các cháu vấp váp và trưởng thành, nhưng tuyệt đối không để các cháu lấm láp, đồng hành cùng những hành vi sai trái, gian lận từ gia đình và nhà trường.
Nếu người lớn chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, thầy cô và các bậc cha chú lãnh đạo… sống và làm việc lương thiện, công chính thì lớp trẻ sẽ nối bước sự công chính và lương thiện để cùng nhau xây dựng một xã hội phồn vinh.
Đã có quá nhiều bất an về sự dối trá gian lận tại tất cả các kỳ thi của Việt Nam. Đã có quá nhiều đau xót và ê chề từ kỳ thi THPTQG này. Phải chăng vụ này cũng là Luật nhân quả mà ngành giáo dục Việt Nam đang phải gánh.
Cần lắm một sự quyết liệt từ Chính phủ trong việc giải quyết vấn nạn thi cử. Giải quyết là phải giải quyết tận cùng từ gốc rễ…Và trong khi Chính phủ đang chữa lành vết thương giáo dục âm ỉ nhiều năm qua, biện pháp xoa dịu mình có lẽ là mỗi người cùng phải động viên nhau….. thôi thì gạn đục khơi trong.
Phạm Ngọc Luận