Gian lận thi cử ở Hà Giang không vụ lợi thì là cái gì?
Nếu không có những kiểu như “giao dịch” giữa bên muốn sửa điểm và bên sửa điểm bằng vật chất, thì công cụ trao đổi ở đây sẽ là cái gì? Liệu có phải là những lời hứa hẹn ngầm rằng sẽ thăng quan tiến chức cho người dám sửa điểm. Đó có phải là những giao dịch miệng để đánh đổi từ điểm thành những chiếc ghế quyền lực, lợi ích tiến thân trong cơ quan nhà nước?.
Gian lận điểm thi ở Hà Giang không vì tiền bạc
Theo dự kiến của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang, trong tháng 7/2019 vụ án sửa điểm thi sẽ được đưa ra xét xử. Tuy nhiên có một điều đáng lưu ý ở đây đó là theo Bản cáo trạng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hà Giang đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án sửa điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Không gia đình của thí sinh nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điềm, ngoài ra lời khai của bị can Hoài, Lương không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.
Tổng cộng, Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đã nhận lời giúp nâng điểm với 107 thí sinh với tổng số bài thi được nâng là 309 bài thi. Ngày 27/6/2018, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án chính thức các bài thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Lương tải các đáp án chuyển sang máy tính có phần mềm chấm thi. Trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm, Lương dựa vào danh sách thí sinh được “nhờ vả” để sửa điểm.
Việc Lương và Hoài có vu lợi hay không, thì ở cả phía phụ huynh và bị cáo cơ quan điều tra đã không hề thu thập được các yếu tố có liên quan. Mà theo lời khai của Lương và Hoài thì nhiều quan chức tại tỉnh Hà Giang được xác định đã nhờ Hoài và Lương “can thiệp” để con cháu đạt điểm cao.
Trong đó có thể kể đến như ông Phạm Văn Khuông – Phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang ngày 13/6/2018, ông Khuông lên phòng làm việc của Hoài và nhờ Hoài giúp đỡ cho con trai trong bài thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018, để nhằm mục đích có đủ điểm để đăng ký xét tuyển Đại học y Thái Bình.
Khi nhờ vả, Khuông có nhắc với Hoài: “Anh chỉ lo con anh trượt tốt nghiệp, phải xem xét tất cả các môn thi cho con anh”. Nhận lời giúp đỡ, Hoài đã sửa điểm của bài thi công ông Khuông được 13,3 điểm.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang – bà Triệu Thị Chính cũng đã “ngỏ ý” nhờ Hoài nâng điểm ở trước kỳ thi với bản danh sách 12 thí sinh để nâng điểm mông Ngữ văn. Tuy nhiên, trong quá trình chấm bài thi môn Ngữ văn gặp phải sự giám sát chặt chẽ của thanh tra, nên việc sửa điểm đã không được thực hiện.
Phó đội trưởng Đội Giáo dục đào tạo, Y tế, Lao động xã hội thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ – công an tỉnh Hà Giang, bà Lê Thị Dung cũng là một trong những cán bộ đã “ngỏ ý” để muốn Hoài giúp sửa điểm với số lượng lớn.
Cuối tháng 4/2018, trước khi kỳ thi THPT Quốc gia 2018 diễn ra, bà Dung đã đến gặp Hoài rồi nhắn nhủ: “Trong kỳ thi này, em có một số cháu nhờ anh giúp đỡ, để các cháu được đi học”. Bà Dung đã nhờ Hoài sửa điểm của 20 thí sinh trong môn thi trắc nghiệm.
Với các hành vi phạm tội như trên, Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Bà Triệu Thị Chính bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ Luật hình sự.
Ông Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung bị truy tố về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 366 Bộ Luật hình sự năm 2015./.
Có hay không mâu thuẫn không vụ lợi trong gian lận thi cử ở Hà Giang?
Việc có hay không yếu tố vụ lợi trong việc sửa điểm thi là điều mà ai cũng có thể ngầm hiểu, nhưng trước pháp luật thì cần phải có bằng chứng thuyết phục. Việc chứng minh được dấu hiệu vụ lợi, có hay không việc đưa và nhận tiền để sửa điểm thì hiện nay quả thực là rất khó, bởi nếu đưa thì cũng chỉ người đưa và người nhận biết với nhau.
Nhưng nếu không có dấu hiệu của việc “vụ lợi” ở đây, thì dư luận sẽ đặt câu hỏi rằng có cái quyền lợi hay lợi ích gì, mà cá nhân Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương lại dám đứng ra để trực tiếp sửa điểm, nâng điểm. Có cái gì mà những người làm giáo dục như bà Triệu Thị Chính, ông Phạm Văn Khuông và bà Lê Thị Dung lại tiến hành đề nghị sửa điểm cho nhiều thí sinh đến như thế.
Trong dân gian Việt Nam bao đời vẫn có câu “Bánh ít trao đi bánh dì trao lại”, “Ông đưa chân giò bà thò chai rượu”…, phản ánh những cách hành xử có đi có lại, sòng phẳng trong đời sống xã hội.
Còn trong các đại án tham nhũng của Việt Nam từ PMU18, Vinashin, đến Đại án của tập đoàn dầu khí Việt Nam, đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng,… hay các vụ án nhỏ lẻ đều có dấu hiệu của việc “cho- nhận”, dấu hiệu của tội danh đưa hối lộ.
Khi mà ở đời, “người ta không cho nhau không thứ gì” thì những cá nhân như Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương dám đứng là “làm không công”, “giúp đỡ” vì tình nghĩa anh em, để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa đồng nghiệp,… thì đúng là điều cực kỳ lạ và “xưa nay hiếm”.
Nhất là khi không vì lợi ích vật chất, cũng sẽ vì lợi ích tình cảm, tinh thần, chứ không tại sao những thí sinh được nâng điểm bố mẹ chúng lại đều là những người quen biết, là những cán bộ công chức, viên chức hay những doanh nghiệp lớn tại địa phương.
Hơn nữa, việc không phát hiện yếu tố vụ lợi chính là con đường ngắn hơn khi phải chịu những bản án pháp luật cho các cá nhân có liên quan, những người là cha mẹ học sinh cũng trở nên vô tội. Vì không phát hiện được dấu hiệu đưa hối lộ và nhận hối lộ, thì những cán bộ có liên quan ở Hà Giang chắc chắn sẽ “nhẹ tội” hơn so với việc nhận 1 tỷ/trường hợp ở Sơn La.
Nếu không có những kiểu như “giao dịch” giữa bên muốn sửa điểm và bên sửa điểm bằng vật chất, thì công cụ trao đổi ở đây sẽ là cái gì? Liệu có phải là những lời hứa hẹn ngầm rằng sẽ thăng quan tiến chức cho người dám sửa điểm. Đó có phải là những giao dịch miệng để đánh đổi từ điểm thành những chiếc ghế quyền lực, lợi ích tiến thân trong cơ quan nhà nước?.
(Theo Bút Danh)