“Gián điệp Trung Quốc” tiết lộ thông tin tình báo và đào thoát sang Úc
Một mật vụ người Trung Quốc gần đây đã đào thoát đến Úc và tiết lộ cho giới chức Canberra hàng loạt hoạt động gián điệp của Bắc Kinh như: cách thâm nhập phong trào dân chủ Hồng Kông, can thiệp bầu cử Đài Loan và kiểm soát hệ thống chính trị Úc.
Tờ Nine của Úc hôm 23/11 đưa tin, gián điệp Trung Quốc đào thoát có tên Vương Lập Cường (Wang “William” Liqiang) đã cung cấp cho Cơ quan An ninh tình báo Úc (ASIO) danh tính các sĩ quan tình báo cấp cao của Trung Quốc tại Hồng Kông, cùng cách họ tài trợ và tiến hành các hoạt động gián điệp ngầm tại Hồng Kông, Đài Loan và Úc.
Vương Lập Cường (Wang “William” Liqiang) nói rằng bản thân ông cũng “trực tiếp tham gia” vào một số hoạt động gián điệp.
Ngoài ra, theo báo chí Úc, Vương đã “tiết lộ tường tận các chi tiết” về cách Bắc Kinh kiểm soát các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tài trợ cho các hoạt động tình báo, bao gồm cả việc giám sát và lập hồ sơ của những người biểu tình và các tổ chức truyền thông có liên quan đến họ.
Theo Guardian, đây là mật vụ Trung Quốc đầu tiên công khai lộ mặt. Và hậu quả của việc này là, anh có thể bị hành quyết nếu trở về Trung Quốc. “Một khi quay trở lại, tôi sẽ chết”, Vương cho biết trong một buổi phỏng vấn với đài Nine.
Sau khi thú nhận các hoạt động gián điệp phục vụ Bắc Kinh suốt 5 năm qua, Vương hiện đang ở lại Sydney bằng thị thực du lịch và đang xin tị nạn chính trị khẩn cấp tới Chính phủ Úc.
Thâm nhập và phá hủy phong trào dân chủ Hồng Kông
Vương cho biết anh chịu trách nhiệm chiêu mộ sinh viên trong các trường Đại học Hồng Kông thông qua học bổng, tài trợ chi phí du lịch và nhiều hoạt động hội nhóm khác.
Mục đích là “làm cho tất cả những người tạo rắc rối [cho ĐCSTQ] ở Hồng Kông phải khiếp sợ”, Vương cho biết.
Không chỉ các trường đại học, Vương nói tổ chức của anh đã thâm nhập vào tất cả các kênh truyền thông tại Hồng Kông, họ dùng tiền để ủng hộ một số kênh truyền thông và cài cắm đặc vụ vào đó.
Điệp viên Trung Quốc còn cho biết mình là người đã đích thân tổ chức và tham gia vụ bắt cóc Lee Bo, chủ hiệu sách Causeway Bay, vào tháng 10/2015. Đây là cửa hiệu nổi tiếng bán các sách chính trị bị cấm ở Trung Quốc. Cũng trong năm đó, 4 nhân viên khác của hiệu sách đều bị bắt cóc và đưa sang đại lục.
Thao túng bầu cử tổng thống Đài Loan, âm mưu lật đổ bà Thái Anh Văn
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất Vương Lập Cường từng được giao phó là thành lập “đội quân mạng” để can thiệp vào các cuộc bầu cử cấp địa phương tại Đài Loan vào năm 2018. Theo Vương, Trung Quốc đã cấp cho anh hộ chiếu Hàn Quốc giả để vào Đài Loan thực hiện kế hoạch trên.
Cụ thể, chiến dịch này dựa vào các giám đốc truyền thông địa phương để tác động đến chiến dịch bầu cử nhằm loại bỏ các ứng viên bị coi là có quan điểm thù địch với Bắc Kinh.
Vương cũng tuyên bố đã thành lập và chỉ đạo một “binh đoàn số” với mục tiêu tác động vào tư tưởng chính trị của người dân, tương tự cách Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
“Nhiệm vụ của chúng tôi ở Đài Loan là quan trọng nhất – thâm nhập vào giới truyền thông, các ngôi đền và gốc rễ của các tổ chức”, Vương cho biết.
Sau khi lo sợ bị cơ quan phản gián Đài Loan phát hiện ý đồ tác động cuộc bầu cử tổng thống nhằm lật đổ bà Thái Anh Văn vào năm tới, Vương quyết định bỏ trốn sang Australia.
Kế hoạch kiểm soát chính trị Úc
Vương cũng tiết lộ từng gặp một quan chức tình báo cấp cao của Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động gián điệp ở Australia thông qua một công ty vỏ bọc hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
“Ông ta nói với tôi rằng ông ta ở Canberra, tôi biết rằng chức vụ của ông ta vô cùng quan trọng”, Vương chia sẻ.
Tổ chức của anh cũng có qua lại với những người tài trợ chính trị quan trọng tại Úc, trong đó có một viên chức thuộc Văn phòng Nghị viên Quốc hội Liên bang. Vương đã cung cấp rất nhiều tài khoản giao dịch để củng cố cho những gì mình nói.
Trao đổi cùng Nine, cựu điệp viên Vương Lập Cường còn cho biết Bắc Kinh đã “can thiệp vào các lĩnh vực như quân sự, kinh doanh và văn hóa ở nhiều quốc gia nhằm đạt mục đích riêng”.
“Các ông không nên đánh giá thấp tổ chức của chúng tôi… Chúng tôi được tổ chức này đào tạo và huấn luyện trong nhiều năm trước khi nhận các nhiệm vụ quan trọng”, Vương nhấn mạnh.
Phản ứng của Úc
Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg nói rằng trường hợp của ông Vương đang được giới chức liên quan xem xét, đồng thời cho rằng các báo cáo của ông “rất đáng lo ngại”.
Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Anthony Albanese cho biết người đàn ông có thể có một yêu cầu tị nạn hợp pháp.
Một quan chức cấp cao giấu tên nói với các cơ quan tình báo ABC của đài truyền hình Úc rằng phải “tách biệt thực tế ra khỏi hư cấu” trong khi điều tra các cáo buộc ông Wang cung cấp.
Wang Liqiang là ai?
Những cáo buộc gây kinh ngạc của ông Vương lần đầu được công bố trên các phương tiện truyền thông Úc vào thứ Bảy. Cuộc phỏng vấn đầy đủ trên truyền hình của ông sẽ được phát vào tối Chủ nhật trong chương trình 60 Minutes.
Ông đã cung cấp một bản báo cáo dài 17 trang cho Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) vào tháng 10, nêu chi tiết về công việc của ông cũng như tên của các quan chức tình báo cấp cao và cách họ điều hành hoạt động của họ.
Sau đó ông Vương tới Úc, nơi vợ và con trai mới sinh của ông đang sinh sống. Ông hiện đang ở một địa điểm không được tiết lộ ở Sydney bằng visa du lịch và đã xin tị nạn, vì lo ngại cho sự an toàn của mình nếu quay trở về Trung Quốc.
“Một khi tôi quay trở lại, tôi sẽ chết”, ông Vương nói trong đoạn clip phỏng vấn với 60 Minutes.
Phản ứng của Trung Quốc
Cảnh sát Thượng Hải, tuy nhiên, mô tả ông Vương là một người hoàn toàn khác. Lực lượng này cho biết ông Vương, 26 tuổi đến từ Phúc Kiến, bị kết tội lừa đảo vào năm 2016 và bị phạt tù 15 tháng tù treo.
Cảnh sát tại thành phố Thượng Hải của Trung Quốc thì cho rằng ông Vương là một tội phạm lừa đảo đang thất nghiệp.
Ông Vương vào đến Hong Kong vào 10/4 bằng hộ chiếu Trung Quốc giả và thẻ thường trú Hong Kong giả, cảnh sát cho biết. Cảnh sát Thượng Hải cho biết họ đang điều tra vụ án.
Ông Vương tuyên bố gì về việc này?
Ông nói rằng hoạt động của ông bao gồm xâm nhập Đài Loan bằng hộ chiếu Hàn Quốc giả để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan và làm việc với một công ty niêm yết ở Hong Kong để cố gắng chống lại phong trào dân chủ ở thành phố này.
Theo tờ Sydney Morning Herald, ông Vương cho biết cá nhân ông có liên quan đến vụ bắt cóc và giam giữ một trong năm người bán sách ở Hong Kong năm 2015. Chính phủ Trung Quốc muốn “răn đe triệt để cho những người đó”, ông nói.
Trung Quốc luôn phủ nhận cáo buộc bắt cóc người bán sách Hong Kong, rằng các cơ quan thực thi pháp luật không có thẩm quyền ở Hong Kong.
Và chính một dự luật được đề xuất sẽ cho phép chính quyền dẫn độ các nghi phạm hình sự từ Hong Kong đến Trung Quốc đại lục đã làm nổ ra các cuộc biểu tình lớn vào tháng 6 kéo dài đến nay.
Nguyễn Anh