“Gián điệp” của quân đội Trung Quốc bị bắt khi “cố thủ” tại Lãnh sự quán San Francisco
Việc các nhà khoa học Trung Quốc khai gian thị thực theo Bộ Tư pháp Mỹ là một phần trong kế hoạch được chính phủ Trung Quốc “hậu thuẫn” nhằm đánh cắp nghiên cứu và sáng kiến của các trường đại học Mỹ.
Mới đây, các quan chức Mỹ cho biết nghiên cứu viên có liên quan tới quân đội Trung Quốc đã bị bắt sau một khoảng thời gian trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco. Bà dự kiến ra tòa ngày 24/7 (giờ Mỹ).
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, một nghiên cứu viên Trung Quốc “cố thủ” bên trong lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco hiện đã bị Mỹ bắt giữ và dự kiến ra tòa vào ngày 24/7 (giờ Mỹ).
Hãng tin Bloomberg cũng dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ đưa tin tương tự. Người này tên Juan Tang, bị cáo buộc trốn lệnh bắt của nhà chức trách Mỹ vì gian lận thị thực (visa) bằng cách ẩn náu trong lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco suốt nhiều tuần.
Juan Tang là một trong 4 nhà khoa học Trung Quốc bị Mỹ truy tố mới nhất vì mối quan hệ của họ với quân đội Trung Quốc. Ba người còn lại – Chen Song, Kaikai Zhao và Xin Wang – đều đã bị bắt.
Theo hồ sơ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trình lên tòa án tại San Francisco hôm 20/7, Juan Tang đã che giấu vai trò trong quân đội khi nộp đơn xin thị thực hồi tháng 10 năm ngoái để tới làm việc tại đại học California và tiếp tục khai gian với FBI vài tháng sau. Juan Tang bị truy tố tội gian lận thị thực hôm 26/6.
Việc các nhà khoa học Trung Quốc khai gian thị thực theo Bộ Tư pháp Mỹ là một phần trong kế hoạch được chính phủ Trung Quốc “hậu thuẫn” nhằm đánh cắp nghiên cứu và sáng kiến của các trường đại học Mỹ.
Hãng tin AP cho biết nhà nghiên cứu này đã nói dối về lai lịch của bà. Các đặc vụ đã tìm thấy những bức ảnh cho thấy Juan Tang mặc quân phục của quân đội Trung Quốc. Họ cũng xem xét nhiều bài báo từ Trung Quốc để xác nhận liên hệ của cô với quân đội nước này.
Quan chức cấp cao trên của Bộ Tư pháp Mỹ nói với báo giới rằng Juan Tang bị bắt vào tối 23/7 (giờ Mỹ) và không được miễn trừ ngoại giao vì bà không được xem là một quan chức ngoại giao của Trung Quốc.
“Bà sẽ ra tòa lần đầu vào ngày 24/7” – quan chức trên nói, đồng thời cáo buộc Juan Tang là một phần trong một mạng lưới những đồng nghiệp che giấu quan hệ của họ với quân đội Trung Quốc khi xin thị thực.
Không rõ làm cách nào để nhà chức trách Mỹ bắt được bà Juan Tang. Các quan chức Mỹ từ chối bình luận về việc tại sao lãnh sự quán Trung Quốc lại cho phép vụ bắt giữ diễn ra, nhưng cho biết các chi tiết sẽ được tiết lộ tại tòa, theo trang Washington Free Beacon.
Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung tăng cao sau khi Mỹ yêu cầu đóng cửa tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas đầu tuần này. Ngày 24,7, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách yêu cầu đóng cửa tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
T.H