Giãn cách lớp học, nhiều trường loay hoay vì thiếu phòng học, giáo viên
Để đảm bảo đúng quy định về giãn cách, nhiều trường phải bố trí học so le, giáo viên làm việc với cường độ gấp đôi, thậm chí thiếu giáo viên, lớp học.
Ngày 4/5, nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu cho học sinh đi học trở lại. Để được hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ dịch, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường cần tuân thủ đúng theo bộ tiêu chí về an toàn trường học mà Bộ đưa ra. Theo đó, các trường phải bố trí chỗ ngồi giữa 2 học sinh có khoảng cách phù hợp theo hướng dẫn của ngành y tế, thường xuyên theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường đảm bảo giãn cách ngoài lớp học, phòng làm việc theo quy định.
Cụ thể, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5m. Căn cứ vào thực tế từng phòng học, có thể bố trí mỗi học sinh ngồi một bàn hoặc 2 học sinh ngồi 1 bàn, hoặc ngồi so le cho phù hợp.
Thầy Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, dù nhiều trường đã cho học sinh đi học lại, nhưng đến nay trường Lương Thế Vinh vẫn đang tạm thời cho học sinh nghỉ, tiếp tục học online do chưa đảm bảo được việc giãn cách cho hơn 4000 học sinh tại 2 cơ sở của trường theo quy định của Bộ GD-ĐT.
“Việc giãn cách rất khó khăn, nhất là với những trường có đông học sinh, không đủ cơ sở vật chất và số lượng giáo viên đứng lớp. Đặc biệt với những trường ngoài công lập, có đến 60% giáo viên thỉnh giảng đến từ các trường công lập. Nhưng hiện nay các trường công cũng phải thực hiện giãn cách, nên trường tư loay hoay không có đủ giáo viên để dạy. Với phương án tách lớp để đảm bảo khoảng cách, các trường cần đông giáo viên hơn, hoặc giáo viên phải làm việc với cường độ nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc đảm bảo phòng học cũng là điều không thể. Phòng cố định chỉ có một số nhất định”, thầy Dũng cho biết.
Trước những khó khăn này, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh cho biết, trường đang tính toán phương án cho học sinh học so le, một nửa học trên lớp, một nửa học online. Học sinh luân phiên học online và trực tiếp tại trường.
Với những học sinh cuối cấp như lớp 9, lớp 12, trường Lương Thế Vinh sẽ tổ chức bổ trợ thêm kiến thức cho các em sau khi hết giãn cách. “Các trường ngoài công lập học sớm hơn các trường công lập 1 tháng, nên không quá lo lắng về việc bị chậm chương trình”, thầy Dũng nói thêm.
Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cũng cho biết, khi thực hiện giãn cách học sinh, cơ sở vật chất của trường chưa để đáp ứng đủ và đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp.
Theo đó, việc giãn cách học sinh được nhà trường thực hiện theo lộ trình. Cụ thể, khối lớp 12 sẽ thực hiện học vào buổi sáng, khối lớp 10 và 11 thực hiện học trên lớp kết hợp với học online.
“Khối lượng công việc của các giáo viên những ngày này cũng tăng lên nhiều lần, do số lượng lớp học tăng gấp đôi so với ngày bình thường. Ngoài ra, các thầy cô vẫn phải kết hợp giữa dạy trên lớp và dạy online. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn chung của các trường học hiện nay. Trong gian đoạn khó khăn như hiện nay, ban lãnh đạo nhà trường và các thầy cô đều phải cố gắng vượt qua. Nhưng nếu thời gian dạy giãn cách kéo dài, giáo viên sẽ rất vất vả. Chúng tôi hy vọng dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi để công tác giảng dạy của nhà trường được trở lại bình thường”, thầy Nhâm nói.
Cô Nguyễn Thị Nhân Huyền, Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết, trường đang thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay lại trường học. Ngoài những biện pháp như trang bị bồn rửa tay trên sân trường, chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động nhằm đảm bảo kiểm soát học sinh khi đến trường.
Toàn trường hiện có 2085 học sinh chia làm 47 lớp. Tuy nhiên, với yêu cầu giãn cách lớp học để đảm bảo an toàn, trường THPT Phan Đình Phùng chia nhỏ học sinh thành 94 lớp. Nếu như trước đây, sĩ số học sinh trung bình từng lớp là 43 em, thì nay con số này giảm xuống chỉ còn trên dưới 20 học sinh mỗi lớp.
“Với số lượng lớp học như vậy, chúng tôi phải huy động giáo viên làm việc với cường độ 200% so với bình thường. Toàn thể giáo viên nhà trường quyết tâm cùng học sinh vượt qua thời kỳ dịch bệnh để đảm bảo tốt kế hoạch học tập. Số lượng hoc sinh từng lớp ít, giáo viên phải dạy nhiều lên, song đây cũng sẽ là điều kiện tốt để thầy cô có thể quan tâm đến từng học sinh và chất lượng học tập được nâng cao hơn. Hiện tại, trường đang tổ chức cho học sinh khối lớp 12 học buổi sáng. Khối lớp 10 và 11 sẽ học online và học trực tuyến trên lớp đan xen, một tuần có 3 buổi học trên lớp và 3 buổi học online”, cô Huyền cho biết.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống Covid-19, trường nào đạt 7 tiêu chí trở xuống không được phép hoạt động.
Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống Covid-19 trong trường học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28/4 sau khi phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và tham khảo ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế. Trong đó, có 7 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trước khi học sinh đến trường, 6 tiêu chí trong quá trình học sinh học tập tại trường và 2 tiêu chí khi các em kết thúc buổi học.
Nguyễn Trang/VOV.