Giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn
Ngày 28/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội thảo khoa học về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng năm 2013 đến nay, nhất là sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu; phát huy sức mạnh tổng hợp; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với phát hiện, xử lý; giữa phòng, chống tham nhũng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị… Qua đó, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả rất quan trọng. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Kết luận hội thảo, ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, khó khăn, vừa cấp bách, vừa lâu dài của các ngành, các cấp, kiên quyết kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, không có ngoại lệ gắn với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Vì vậy cần tăng cường kiểm soát, giám sát đối với người có chức vụ, quyền hạn. Công khai minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình, có sự giám sát quyền lực giữa các cơ quan hành pháp- lập pháp- tư pháp, và giám sát bên trong nội bộ mỗi cơ quan. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, bịt kín những sơ hở để không thể tham nhũng.
Văn Kiên/TP