Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải không cần luật sư, hiểu sao cho đúng?
Ngày 6/5/2020 vừa qua, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải tại Hà Nội. Sau khi người hỗ trợ pháp lý cho bị cáo Hồ DUy Hải là luật sư Trần Hồng Phong trình bày chứng cứ mới và một số vấn đề liên quan thì chủ tòa thông báo luật sư không cần có mặt và tham dự các buổi tiếp theo nữa. Lợi dụng sự việc này, các tài khoản FB mang tên Thanh Hieu Bùi, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Minh Vũ đã ồ ạt đăng đàn hướng lái dư luận nghĩ rằng “phiên tòa không công tâm, đang chặn đường sống của Hồ Duy Hải”. Liệu sự thật có phải vậy?
Đầu tiên, phải khẳng định những kẻ nhân danh “dân chủ”, “am hiểu chính trị” như Bùi Thanh Hiếu, Phạm Minh Vũ, Nguyễn Hữu Vinh đã không hiểu hoặc cố tình lờ đi bản chất của phiên tòa Giám đốc thẩm nên mới phát ngôn ngông cuồng, đầy rẫy luận điệu xuyên tạc như vậy. Bản chất của phiên tòa Giám đốc thẩm không phải là phiên xét xử, đây chỉ là phiên làm việc của Hội đồng Thẩm phán tối cao nhằm xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Thế nên sẽ chẳng có “xét xử ai” trong phiên Giám đốc thẩm này cả. Đây giống như công tác thanh tra, kiểm tra hồ sơ, quy trình thủ tục mà chúng ta thường thấy.
Vụ án của Hồ Duy Hải có tất cả 3 luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải (bao gồm luật sư Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Đạt và Trần Hồng Phong). Tuy nhiên, luật sư Trần Hồng Phong không phải là luật sư trực tiếp tham gia bào chữa trong phiên tòa phúc thẩm trước đây. Trong phiên tòa lần này, ông Phong có thể chỉ có trách nhiệm thay mặt hai luật sư trước trình bày các nội dung trước Giám đốc thẩm. Hơn nữa, luật sư là bảo vệ thân chủ trong các phiên xét xử, về mặt khách quan làm sao đảm bảo tính chất khách quan trong xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án. Nhưng như đã nói ở trên, phiên tòa lần này không có xét xử mà chỉ là phiên làm việc nội bộ của Giám đốc thẩm, vậy thì luật sư có cần thiết phải có mặt xuyên suốt hay không?
Thứ hai, phiên tòa Giám đốc thẩm kể từ chiều ngày 6/5 cho đến lúc kết thúc là phiên làm việc nội bộ. Tức là từ sau khi luật sư Trần Hồng Phong trình bày xong các vấn đề thì Giám đốc thẩm sẽ bắt đầu xem xét toàn bộ hồ sơ tố tụng của vụ án Hồ Duy Hải cũng như những thông tin, tài liệu mới mà luật sư cung cấp để tra xét xem ai đúng, ai sai, sai ở đâu, sai như nào, có oan sai gì không. Khi cần làm rõ vấn đề ở khâu nào thì Giám đốc thẩm sẽ triệu tập cá nhân liên quan đến trình bày, làm rõ chứ không tập trung hết tất cả lại một lần để tránh tình trạng “thông cung”. Theo như lời chia sẻ của luật sư Trần Hồng Phong, mặc dù Hội đồng Giám đốc thẩm (HĐGĐT) đã hội ý và thống nhất không cần thiết có mặt luật sư nữa nhưng chủ tọa cũng chỉ đạo bộ phận chuyên môn sẽ làm việc riêng với ông ấy để ghi nhận ý kiến, chứng cứ, thông tin, có ghi lại biên bản hẳn hoi để gửi cho HĐGĐT. Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Minh Vũ luôn tỏ ra quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải, chẳng lẽ không biết điều này?
Nói ra những điều trên để làm rõ nguyên do tại sao ban đầu Chủ tọa ra thông báo luật sư Trần Hồng Phong không cần có mặt, không cần tham gia các buổi còn lại của phiên tòa Giám đốc thẩm nữa. Tuy nhiên, điều đáng nói, sau khi nhận được kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc cho phép luật sư Trần Hồng Phong được tham gia đầy đủ phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải thì TAND Tối cao đã chấp thuận. Cũng giống như bao người dân, TAND tối cao cũng mong muốn bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án cũng như quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, góp phần làm sáng tỏ thêm sự thật khách quan, bảo đảm mục đích của phiên tòa và sự công minh của pháp luật nên mới chấp thuận để luật sư Trần Hồng Phong tham gia dù cho đây chỉ là phiên làm làm việc nội bộ, không có tranh tụng. Vậy thì xin hỏi “phiên tòa không công tâm, chặn cửa sống của Hồ Duy Hải” ở chỗ nào cơ chứ?
Vụ án Hồ Duy Hải kéo dài 12 năm nhận được sự chú ý của nhiều người dân trên cả nước. Nhưng khi người dân quan tâm, theo dõi, chờ đợi kết quả thấu tình đạt lý nhất từ phiên tòa Giám đốc thẩm cũng là lúc các đối tượng chống phá đất nước, những kẻ cơ hội chính trị lợi tung ra những luận điệu xuyên tạc hòng hướng lái dư luận nghi ngờ vào cách làm việc của các cơ quan chức năng, tính nghiêm minh của pháp luật, phủ nhận toàn bộ mong muốn và sự cố gắng tìm sự thật, không để oan sai của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từ nhiều năm nay cũng như của các cơ quan tư pháp. Để rồi từ đó chia rẽ lòng tin của nhân dân vào chính quyền, gây bất ổn xã hội. Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã cam kết “sẽ không bỏ lọt tội phạm và cũng không làm oan người vô tội”, thế nên dù các đối tượng có âm mưu xuyên tạc cỡ nào thì cũng không thể xóa bỏ đi sự thật, công lý vốn đã được thực thi bao lâu nay. Tin rằng, vụ án Hồ Duy Hải sẽ khép lại với một bản án công bằng, đúng người đúng tội!
Đặng Trường