+
Aa
-
like
comment

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Nhân viên y tế thu nhập thấp, kiệt sức vì gần 8 tháng chưa nghỉ ngơi

08/12/2021 11:05

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn nguyên nhân nhiều nhân viên y tế nghỉ việc là do kiệt sức,  gần 8 tháng trời chưa được nghỉ ngơi ngày nào với mức thu nhập thấp.

Nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua tại các BV dã chiến

Sáng 8.12, kỳ họp HĐND TP.HCM bước sang ngày làm việc thứ 2 với trọng tâm là phần chất vấn và trả lời chất vấn. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết đây là buổi chất vấn đầu tiên của HĐND TP.HCM nhiệm kỳ này. Kết quả của phiên chất vấn là tiền đề để các phiên chất vấn sau được tốt hơn. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM là người đầu tiên được chất vấn.

Thiếu hụt nhân viên y tế

Mở đầu phần chất vấn, đại tá Phạm Văn Rậm, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM nêu thực tế nhân viên y tế nghỉ việc và đặt câu hỏi ngành y tế có chính sách gì để nhân viên y tế tiếp tục ở lại công tác.

Đại biểu chất vấn lãnh đạo ngành y tế về giải pháp củng cố y tế cơ sở

Tiếp đó, đại biểu Tăng Hữu Phong phát biểu nhận định thời gian qua, đội ngũ y tế chống chịu ở mức cao nhất, sắp tới sẽ còn chống chịu nữa, nhất là đối mặt với một số nhân viên nghỉ việc. Đại biểu Phong dẫn chứng Thông tư 08 liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định trạm y tế chỉ có 5 người, với trạm y tế phường và thị trấn trên 8.000 dân thì cứ tăng 2.000 – 3.000 dân thì thêm 1 biên chế, tổng không quá 10 biên chế. Như vậy, một trạm y tế có 18.000 dân trở lên thì có 10 người.

Quy định này đang bộc lộ nhiều bất cập đối với một thành phố đông dân như TP.HCM. Qua thống kê, thành phố có 182 trạm y tế có quy mô dân số trên 18.000 dân, có 40 trạm y tế quy mô trên 50.000 dân, có 3 trạm y tế trên 100.000 dân trở lên, riêng xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) có 125.000 dân, cao gấp 5-6 lần.

“Vậy quan điểm của Sở Y tế về vấn đề này như thế nào và hướng giải quyết ra sao? TP.HCM cần bao nhiêu nhân lực y tế tuyến phường, xã để đảm đương vừa chống dịch vừa đảm bảo các chương trình mục tiêu quốc gia? Lượng nhân viên y tế trên địa bàn còn đủ để tuyển dụng không hay tuyển dụng ở tỉnh thành bạn, khi nào thực hiện và kinh phí ra sao?”, ông Phong đặt câu hỏi.

Giữ chân nhân viên y tế bằng cách nào?

Trả lời, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết thành phố có chỉ số 20 bác sĩ/vạn dân, cao gấp đôi cả nước. Nhưng nhìn ra các nước xung quanh, chỉ số của họ dao động 36-44-62/vạn dân. Như vậy, chỉ số này vẫn còn thấp so yêu cầu. “Thực tế chỉ ra bình thường không thiếu nhưng khi dịch bùng phát lên thì rất thiếu bác sĩ”, ông Thượng nói.

Việc phân bổ y tế thì y tế cơ sở của thành phố thuộc diện thấp nhất cả nước, có 2,3 nhân viên y tế/vạn dân. Bình thường không thấy nhưng khi dịch bùng phát thì thấy rất rõ sự phân bố nhân viên y tế cơ sở quá thấp.

TP.HCM: Nhân viên y tế thu nhập thấp, kiệt sức vì gần 8 tháng chưa nghỉ ngơi - ảnh 2
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn các đại biểu

Năm nay, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, khoảng 1.000 người, gấp đôi năm ngoái. “Lý do nghỉ việc chúng tôi dùng từ kiệt sức cũng không sai, gần 8 tháng trời chưa được nghỉ ngơi ngày nào với mức thu nhập thấp”, ông Thượng nói.

Về giải pháp, ông Thượng cho biết ngành y tế đã xây dựng đề án gửi Thường trực UBND TP.HCM các cơ chế chính sách củng cố, nâng cao y tế cơ sở.

Cụ thể, về giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác, bớt nghỉ việc. Ngành y tế kiến nghị chính sách trước mắt hỗ trợ về lương. Bác sĩ nhận thêm khoản bằng 1,5 lương tối thiểu vùng, còn điều dưỡng nhận thêm 1 lần lương tối thiểu vùng. Trước đây, TP.HCM đã có hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở nhưng khá thấp, từ 400.000 – 1 triệu đồng/tháng.

Về chính sách thu hút nhân viên y tế đến các trạm, ông Thượng cho biết Sở Y tế đã làm việc với các trường đại học, đặc biệt là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về cơ chế mới để thu hút bác sĩ mới tốt nghiệp. Hiện theo quy định, bác sĩ mới tốt nghiệp phải về bệnh viện thực hành 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Nay ngành y tế kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp về trạm y tế thực hành 12 tháng, 6 tháng ở bệnh viện. Điều này có lợi cho cả 2 phía. Bác sĩ mới tốt nghiệp về cơ sở gần dân hiểu dân thì sau này công tác thuận lợi hơn. Thứ 2 là có lợi cho trạm y tế, ước tính mỗi năm có 500 bác sĩ luân phiên xuống trạm y tế vừa công tác vừa thực hành.

“Để bác sĩ an tâm, kiến nghị thành phố hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian xuống y tế cơ sở, mỗi tháng nhận khoảng 1,5 lần lương tối thiểu vùng, không phải đóng tiền thực hành. Rất mong đề xuất này thành hiện thực để lúc nào cũng có lực lượng bác sĩ trẻ khám chữa bệnh cho người dân”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng mong mỏi.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều