+
Aa
-
like
comment

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam khóc nức nở khi nói về việc mua máy xét nghiệm Covid-19

Thành Nhân - 29/04/2020 19:51

Đáng chú ý là khi giản trình, Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đã giải trình về việc chỉ định thầu rút gọn là đúng quy định. Tuy nhiên khi ông chốt lại vấn đề về Máy xét nghiệm Covid-19 thì ông đề nghị trả lại và không mua nữa, mặc dù đã dùng nhiều tháng nay với gần 2.000 lần xét nghiệm mẫu bệnh phẩm???

Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam giải trình tại cuộc họp chiều 29/4. Ảnh: Đắc Thành.

Trước dư luận xôn xao về việc tỉnh Quảng Nam mua máy xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 với giá hơn 7,2 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với giá máy trên thị trường, chiều nay (29/4), ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã triệu tập cuộc họp với Sở Y tế, Sở Tài chính và một số đơn vị liên quan làm rõ những vấn đề mà dư luận quan tâm. Ông Thanh đề nghị cần phải minh bạch mọi thông tin liên quan đến việc mua máy để rộng đường dư luận.

Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam giải trình về việc mua máy xét nghiệm Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19 do tình hình dịch bệnh lúc đó hết sức căng thẳng. Ông Hai cho rằng, nhu cầu xét nghiệm ngay tại địa phương được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam đặt ra và đề nghị Sở Y tế tỉnh nghiên cứu và đề xuất cụ thể. Trên thực tế, việc trang bị máy xét nghiệm đã đáp ứng kịp thời công tác xét nghiệm, góp phần rất lớn kiềm chế dịch bệnh lây lan.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam khóc trong lúc giải trình.

Theo ông Nguyễn Văn Hai, việc trang bị máy Realtime PCR còn được sử dụng cho xét nghiệm nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Thời điểm mua máy, Sở đã nhận được 3 báo giá của 3 đơn vị và chọn báo giá của Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Giải Pháp Việt là hơn 7,5 tỷ đồng, thấp nhất trong 3 báo giá.

Quá trình thương thảo, đơn vị cung ứng máy đã giảm xuống còn hơn 7,2 tỷ đồng. Qua đối chiếu với các địa phương đã trang bị máy về chuẩn thiết bị, cấu hình vào thời điểm đó thì Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thấy đủ cơ sở để trình Sở Tài chính thẩm định. Ông Nguyễn Văn Hai cũng đã giải trình về việc chỉ định thầu rút gọn là đúng quy định.

“Khi nhận trách nhiệm này thì rủi ro về mặt pháp lý, về mặt hồ sơ, kỹ thuật máy móc và người chịu trách nhiệm. Đến lúc ‘dầu sôi lửa bỏng’, cuối cùng tôi là người chịu trách nhiệm. Tại vì trong chỉ định thầu rút gọn là tôi chịu, không ai khác. Nếu có lỗi gì trong quá trình thực hiện, tôi là người lãnh hết” – ông Hai ngậm ngùi nói.

“Hiện hệ thống này chưa nghiệm thu nên chưa thanh lý hợp đồng. Việc mua sắm thực hiện đúng theo quy định, không hề tiêu cực”, ông nói và bật khóc nức nở tại cuộc họp nên xin phép ra ngoài.

Giảm giá từ 7,2 tỉ đồng xuống còn hơn 4,8 tỉ, Sở từ chối mua mặc dù dùng đã nhiều tháng

Phía nhà cung cấp máy xét nghiệm Covid-19 cho tỉnh Quảng Nam đề nghị giảm giá máy từ 7,23 tỉ đồng xuống còn hơn 4,8 tỉ đồng nhưng Giám đốc Sở Y tế đề nghị công ty lấy lại máy.

“Giả sử có rủi ro máy thì rất bình thường nhưng trong trường hợp này liệu có đặt ra vấn đề lại không.

Nếu có hư hỏng sửa chữa với kinh phí lớn thì sao hoặc không sửa chữa được thì vấn đề được đặt ra như thế nào? Tôi đề nghị công ty lấy lại máy”, ông Hai nói.

Được biết, hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 đã thực hiện 1.958 mẫu trong tổng số 3.845 ở Quảng Nam.

Hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 đã thực hiện 1.958 mẫu trong tổng số 3.845 ở Quảng Nam

Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam cho biết, căn cứ vào các quy định hiện hành, Sở Tài chính có Tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt phân bổ dự toán và lựa chọn nhà thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động là đúng thẩm quyền và đúng pháp luật, đúng tình hình thực tế tại địa phương.

Hiện nay, theo Sở Y tế thông tin là chưa nghiệm thu, chưa thanh lý, chưa thanh toán và Sở Tài chính cũng đã kiểm tra trên hệ thống, số tiền cấp cho Sở Y tế thì mục này chưa rút dự toán. Như vậy, Sở Y tế chưa thực hiện chi tiền, cũng chưa xảy ra thất thoát.

Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Giải Pháp Việt cho biết, giá thực hiện hợp đồng trọn gói với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam là hơn 7,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 1,4 tỷ đồng. Tổng số thuế mà Công ty phải nộp là hơn 382 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế là hơn hơn 1 tỷ đòng. Tỷ suất lợi nhuận gần 14,5%.

Phía Công ty “chủ động” đề xuất giảm giá Hợp đồng với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam xuống còn hơn 4,8 tỷ đồng. Lý do giảm được lãnh đạo Công ty đưa ra là “như một sự đóng góp nhỏ bé để cùng chung tay phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, chấp nhận tỷ suất lợi nhuận xuống còn 0%.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thanh tra vào cuộc thanh tra việc mua máy.

Kết thúc cuộc họp, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, tất cả các thông tin liên quan đến việc mua máy xét nghiệm phòng, chống dịch Covid- 19 đã được nêu công khai, minh bạch có sự chứng kiến của các cơ quan thông tấn báo chí. Đây là cuộc họp đầu tiên mà tỉnh Quảng Nam tổ chức công khai sau khi có dư luận xôn xao về việc mua máy xét nghiệm với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Ông Lê Trí Thanh cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thanh tra toàn bộ các gói thầu liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông cũng đã ký Công văn giao Thanh tra tỉnh thực hiện việc thanh tra mua máy móc thiết bị phòng chống dịch trên địa bàn.

“Trước mắt là thanh tra đột xuất về mua sắm máy xét nghiệm này, đồng thời xây dựng kế hoạch thanh tra tiếp các nội dung còn lại. Yêu cầu thanh tra, thời gian đến ngày 20/5 là phải có báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh kết luận. Hiện nay dư luận đang rất quan tâm, các đơn vị cũng rất cần minh bạch chuyện này” – ông Lê Trí Thanh cho biết.

Trước đó ngày 22/4, liên quan gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động ở Hà Nội, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết: “Khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lên đến 7 tỷ đồng”.

Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) và 6 người với cáo buộc gian lận mua máy xét nghiệm.

Realtime PCR được giới thiệu là hệ thống mở cho phép chạy được nhiều loại hóa chất có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, không riêng nCoV. Trên thị trường phần lớn máy này phải nhập từ Đức hoặc một số nước châu Âu có giá từ 2,5 tỷ đồng tới 10 tỷ đồng, tùy công suất và cấu hình.

“Không ai biết giá nhập khẩu máy”

Bà Lê Thị Tuyến, đại diện Công ty Giải Pháp Việt, đề nghị giảm giá máy xuống còn hơn 4,85 tỉ đồng.

Bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại Giải Pháp Việt cho biết, thời điểm ký hợp đồng cung cấp máy cho tỉnh Quảng Nam “không ai biết giá nhập khẩu máy”.

“Giá nhập khẩu mà chúng tôi mua từ Công ty nhập khẩu thiết bị không cung cấp cho chúng tôi. Tôi không nói được mức giá này là cao hay thấp thời điểm đó”, bà Tuyến nói.

Theo bà Tuyến, việc cung cấp hệ thống máy xét nghiệm cho tỉnh Quảng Nam là hoạt động kinh doanh thông thường để thu lợi nhuận. Tháng 3/2019, công ty chủ động gửi báo giá máy cùng cấu hình đến Sở Y tế vào thời điểm thị trường thế giới rất khan hiếm.

“Tại thời điểm ký kết công ty không biết giá nhập khẩu.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều