Giám đốc nói gì về bệnh viện 150 tỷ xây xong nhưng không hoạt động?
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam cho rằng đơn vị chưa được bàn giao vì còn thiếu hệ thống oxy lỏng và cầu thang bộ phòng cháy chữa cháy ngoài trời.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Đức Hùng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam, cho biết bệnh viện đã xây dựng phần thô nhưng chưa đưa vào hoạt động vì còn thiếu thang bộ phòng cháy chữa cháy (PCCC). Sở Y tế và Sở Xây dựng đang tiến hành làm việc về vấn đề này. Khi có đủ cả 2 hệ thống PCCC và oxy lỏng mới tiến hành nghiệm thu, bàn giao cho bệnh viện quản lý.
Ngoài ra, ông Sơn cho hay đơn vị đã được phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho bệnh viện với kinh phí gần 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Thiếu hệ thống trang thiết bị, nhân lực Bác sĩ Nguyễn Đức Hùng Sơn cho biết hiện có 3 lý do để Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam chưa được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào hoạt động.
“Thứ nhất đó là hệ thống 2 thang sắt ngoài trời trong hệ thống PCCC chưa được xây dựng. Thứ 2 là hệ thống oxy lỏng còn thiếu, việc này Sở Y tế và tỉnh đang triển khai, bổ sung. Thứ 3 là trang thiết bị, máy móc. Hiện, bệnh viện đã xây dựng dự án đầu tư mua sắp với kinh phí 60 tỷ đồng và đang làm thủ tục đấu thầu”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, năm 2020, dự án mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam với kinh phí gần 60 tỷ đồng đã được phê duyệt. Dự án mua sắm gồm thiết bị nội thất phòng mổ, hệ thống tay treo máy gây mê và thiết bị phẫu thuật, đèn mổ treo trần 2 nhánh máy gây mê kèm thở…
Tuy nhiên, ông Sơn cho hay để đủ trang thiết bị cho bệnh viện chuyên khoa sản nhi như mức đầu tư thì cần nhiều hơn số tiền đó.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam cho hay đơn vị đang tuyển dụng nhân lực đưa đi đào tạo.
“Về nhân lực chúng tôi đang tuyển dụng đưa đi đào tạo, hiện bệnh viện có 37 bác sĩ về nhi, có tuyển đc 3 bác sĩ về sản. Nếu theo quy mô bệnh viện 450 giường như vậy, cả sản và nhi thì cần khoảng 100 bác sĩ mới đủ”, ông Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, hệ thống máy móc hạ tầng được đầu tư và sử dụng từ năm 2004 đến nay đang xuống cấp. “Vấn đề này Sở Y tế đang quan tâm đầu tư trang thiết bị mới. UBND tỉnh đã giao cho 2 tầng trong tòa nhà 8 tầng Khoa nhi để tạm sử dụng. Chúng tôi có khoảng 200 trẻ nội trú, 300 ngoại trú, cũng không quá tải về giường bệnh”, ông Sơn nói.
Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho hay về hệ thống PCCC là thang máy ngoài trời, sở đang đôn đốc, gửi văn bản đốc thúc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ.
Bên cạnh đó đôn đốc các sở ngành có liên quan để hoàn thành trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống oxy lỏng trong bệnh viện để đưa vào nghiệm thu sớm, sử dụng.
Đầu tư không đồng bộ Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết sở đã chỉ đạo cho lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản – Nhi tăng cường công tác đào tạo chuyên ngành sản phụ khoa để đến một lúc nào đó có đầy đủ cán bộ chuyên ngành sản thì đưa vào hoạt động đồng bộ.
“Trước mắt, tỉnh yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng, phát triển chuyên sâu, đồng bộ, hoàn thiện Bệnh viện chuyên khoa Nhi, song song đó tiếp tục đào tạo chuyên ngành sản phụ khoa, đủ số lượng và con người”, ông Mười nói.
Ông Mười cho hay đơn vị đang đào tạo và có chính sách thu hút nhân lực là y, bác sĩ làm việc ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi.
“Chúng tôi cũng đào tạo được một số y, bác sĩ nhưng chưa đủ lực lượng về khoa sản. Sở Y tế đang có văn bản làm việc với trường Đại học Y dược Huế đào tạo nhân lực tại tỉnh hệ vừa học vừa làm”, ông Mười nói.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho hay từng có đề xuất đưa Khoa sản của Bệnh viện Đa khoa tỉnh sang hoạt động ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi nhưng bất khả thi.
“Không thể đưa người Khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh sang bệnh viện mới. Khoa sản bên đó có thể kết hợp với nhiều khoa khác của bệnh viện như gây mê hồi sức, điều trị ung thư, phụ khoa hỗ trợ. Nếu đưa một khoa sản qua bệnh viện mới sẽ yếu luôn cả hệ thống sản của ngành y tế Quảng Nam. Vì vậy lãnh đạo cấp tỉnh thống nhất bước đầu để vậy phát triển”, ông Mười lý giải.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam thừa nhận việc đầu tư xây dựng bệnh viện và nhân lực, máy móc thiếu đồng bộ.
“Hệ thống PCCC rất quan trọng, đào tạo nhân lực càng quan trọng hơn, nếu phát triển song song thì bây giờ đã tốt hơn. Còn việc để hoạt động toàn bệnh viện thì khi đầy đủ con người và đảm bảo về mặt kỹ thuật mới đưa vào được. Thời gian cụ thể rất khó trả lời”, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, nói.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hùng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam cho hay ngành y tế đang phấn đấu cuối năm 2021 nếu có đầy đủ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng được bàn giao sẽ triển khai phương án đưa vào hoạt động đồng bộ.
Thanh Đức