Giám đốc Học viện Quốc phòng nói về tình hình biển Đông trước Quốc hội
“Từ tháng 5, khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển, và đặc biệt là đầu tháng 7 đến những ngày cuối tháng 10 vừa qua, chúng ta thấy nước ngoài (Trung Quốc) đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách rất phi lý”.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 30.10, trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, nhắc tới việc Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền trên biển của Việt Nam trong suốt gần 4 tháng vừa qua.
Nêu lại bối cảnh phức tạp của tình hình an ninh thế giới, đặc biệt trên Biển Đông, con đường biển quan trọng nhất nhì thế giới thời gian qua, trung tướng Trần Việt Khoa cho biết: “Từ tháng 5, khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển, và đặc biệt là đầu tháng 7 đến những ngày cuối tháng 10 vừa qua, chúng ta thấy nước ngoài (Trung Quốc – phóng viên) đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách rất phi lý”.
Ông Khoa nhấn mạnh: “Đây là những hành động chúng ta không thể chấp nhận được”.
Ngoài ra, họ (Trung Quốc – PV) đưa tàu khảo sát xuống thăm dò trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. “Có những thời điểm đưa đến 35 – 40 tàu để bảo vệ”, theo trung tướng Khoa.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiến hành đấu tranh ngoại giao, pháp lý để khẳng định chủ quyền.
Cũng theo tướng Khoa, trên thực địa, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng… thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền không thể chối cãi của chúng ta theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982.
“Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta. Quy luật ấy ngày nay được thể hiện ở 2 điểm rất rõ là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình hiện nay, với những đặc điểm, yếu tố tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi chúng ta có giải pháp phù hợp để đấu tranh để giữ vững môi trường hòa bình, độc lập để phát triển đất nước”, trung tướng Trần Việt Khoa nói, và nhấn mạnh Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đã có những phương án xây dựng lực lượng, mua sắm vũ khí, trang thiết bị để sẵn sàng đối phó với các hình thái chiến tranh mới.
Cụ thể, năm 2018, sau khi Bộ Chính trị thông qua kết luận các chiến lược quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới,… Quân ủy T.Ư đã tiến hành quán triệt sâu sắc các chiến lược này. Đây cũng là cơ sở để Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng xây dựng lực lượng, tổ chức biên chế và mua sắm vũ khí trang bị, đảm bảo tinh thần tinh, gọn, mạnh, đáp ứng với các kiểu chiến tranh hiện đại trong thời kỳ mới.
Trung Quốc liên tục ngụy tạo chứng cứ khẳng định chủ quyền trên Biển Đông
Trước đó, vấn đề Biển Đông cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã ghi nhận những băn khoăn của Quốc hội.
Báo cáo nêu rõ việc Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có những diễn biến khó lường; trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có “tình hình phức tạp ở Biển Đông”… Trong báo cáo này cũng nêu rõ việc “Trung Quốc liên tục vi phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam; xuyên tạc, đưa thông tin sai lệch, ngụy tạo chứng cứ khẳng định chủ quyền trên Biển Đông để đánh lạc hướng dư luận”.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội cho rằng “cần cung cấp thông tin phù hợp, kịp thời về tình hình Biển Đông để đại biểu Quốc hội và nhân dân hiểu rõ hơn, tránh bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc; có giải pháp quản lý tốt công tác thông tin, tuyên truyền liên quan đến các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Tránh để xảy ra như trường hợp Công ty lữ hành Saigon Tourist quảng bá ấn phẩm liên quan đến đường lưỡi bò.
(Theo Thanh Niên)