Giám đốc công an trực tiếp chỉ đạo phá chuyên án ma tuý, thu bảy khẩu súng
Việt Nam đang sở hữu tất cả những “lợi thế vàng” để đạt được vị thế hàng đầu trong một lĩnh vực ngày càng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế.
Thị trường 3.000 tỷ USD
Đông Nam Á – một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới – đã chuyển hướng theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài, các hoạt động hội nhập vào chuỗi giá trị của khu vực, cũng như toàn cầu.
Hiện nay, ngành logistics đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngoài đóng góp vào GDP, mạng lưới logistics phát triển tốt còn tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế của một quốc gia.
Hệ thống logistics hiệu quả có thể cải thiện khả năng cạnh tranh của quốc gia đó, đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và tăng cường kết nối để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất.
Trước đây, logistics thường được hiểu là “hậu cần” nhưng cách gọi này không còn phù hợp trong xã hội hiện đại nữa. Hiện có thể hiểu đơn giản logistics là quá trình lập kế hoạch, tiến hành và kiểm soát các thủ tục để lưu kho, luân chuyển và vận chuyển hàng hóa hiệu quả từ điểm xuất phát (nơi cung cấp/sản xuất) đến điểm tiêu thụ một cách tối ưu.
Theo báo cáo của ResearchAndMarkets.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu trong năm 2021 ước đạt 3.215 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2020.
Mặc dù con số này thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2015-2017 (ước đạt 8-9 nghìn tỷ USD/năm, theo báo cáo về hoạt động logistics thế giới của Bộ Công Thương) do các tác động của đại dịch COVID-19, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng chỉ số này cho thấy ngành logistics vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn.
Báo cáo “Ngành logistics Việt Nam” của OECD cho biết, trong năm 2017, chi phí logistics (tính theo tỷ lệ phần trăm GDP) của Việt Nam là 18%. Mức này có vẻ tối ưu hơn so với một số nước khác trong khối ASEAN như Philippines (27,2%), nhưng lại cao hơn đáng kể so với Thái Lan (8,5%) hay các nước phát triển.
Nhìn chung, với chỉ số như vậy, chi phí vận chuyển ở Việt Nam chiếm tới 30-40% chi phí sản xuất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Việt Nam.
Trước tình hình đó, ngành logistics Việt Nam đã nỗ lực phát triển và đến nay đã có sự cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
‘Ngôi sao logistics’ của châu Á
Trong bảng xếp hạng của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam đang đứng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong khối ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.
Tại buổi họp báo giới thiệu “Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam 2023-VILOG 2023” diễn ra hồi tháng 5 năm nay, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Số lượng các doanh nghiệp chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, góp phần đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang nâng cao tính cạnh tranh trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới và là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới.
Việt Nam nắm trong tay ‘tất cả các lợi thế’
Chia sẻ tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển” diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái, ông Chih Cheung, đồng sáng lập Công ty SLP Việt Nam nhận định, Việt Nam đang sở hữu tất cả những lợi thế để thúc đẩy ngành logistics phát triển như dân số trẻ, quy mô lớn (khoảng 100 triệu người), chính sách hỗ trợ ổn định từ Chính phủ, loạt hiệp định thương mại sâu rộng với các nước khác trong khu vực/trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam có xu hướng thuận lợi trong sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Hiện có khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia vào thị trường logistics của Việt Nam, trong đó 89% là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, 10% là doanh nghiệp liên doanh. Mặc dù chỉ chiếm 1% nhưng doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam đang cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với nhiều tên tuổi lớn nhất trong ngành logistics toàn cầu.
Theo báo cáo của OECD, Việt Nam đang nắm trong tay những lợi thế “át chủ bài” để phát triển ngành logistics. Đầu tiên là vị trí ở trung tâm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế. Lợi thế này mang tới cho Việt Nam điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi để phát triển logistics.
Bên cạnh đó, với bờ biển dài 3.260km trải dài từ Bắc tới Nam, Việt Nam có những điều lý tưởng để đưa hàng hóa xuất nhập khẩu đến với thế giới, đồng thời cũng là địa điểm rất phù hợp để tiến hành các hoạt động trung chuyển như quá cảnh chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất.
Việt Nam đã tận dụng những lợi thế từ đường bờ biển dài để xây dựng hệ thống cảng biển đạt công suất tối ưu với tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc.
Ngoài các mô hình logistics truyền thống, theo hãng tin Sputnik (Nga), cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử thì e-logistics (dịch vụ logistics thương mại điện tử) đang trở thành mảnh đất màu mỡ. Tại Việt Nam, ngành thương mại điện tử đang xếp thứ 2 toàn khu vực Đông Nam Á.
Do e-logistics ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu, tức giai đoạn chuyển tiếp từ logistics truyền thống sang thương mại điện tử nên ngành này còn nhiều dư địa phát triển. Với sức hấp dẫn này, cuộc đua e-logistics trong nước sẽ ngày càng sôi nổi trong thời gian tới.
Bảo Trâm