Giám đốc Boeing nói về mục tiêu phát triển chiến lược tại Việt Nam
Giám đốc quốc gia Boeing tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có vị thế tốt để tăng trưởng mạnh mẽ trong thị trường hàng không. Boeing đặt mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng chiến lược ở Đông Nam Á, đặc biệt tại Việt Nam, với các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, hàng không bền vững, sản xuất.
Đại diện Boeing cho biết, hãng đặt mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng chiến lược ở Đông Nam Á, đặc biệt tại Việt Nam, với các lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển), hàng không bền vững, sản xuất. Để tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing, các nhà cung ứng cần nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ có thể hỗ trợ hãng; có sức khoẻ tài chính tốt; kế hoạch đầu tư, phát triển, cải tiến liên tục. Doanh nghiệp cũng cần phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt của riêng mình.
Ông Micheal Nguyễn cũng cho rằng, Việt Nam có vị thế tốt để tăng trưởng mạnh mẽ trong thị trường hàng không. Hiện, Boeing có 6 nhà cung ứng tại Việt Nam, cấp linh kiện, dịch vụ, phần mềm. Tuy nhiên, trong số các nhà cung cấp đặt cơ sở tại Việt Nam, chỉ có một công ty của Việt Nam. Về lâu dài, Boeing muốn được làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp Việt Nam, bởi hiện tại đa phần thông qua đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Trần Phương Lâm – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hansiba) – cho biết, đại diện tập đoàn Boeing đã có buổi làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp hội viên. Boeing muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Ông Lâm nhận định, doanh nghiệp Việt Nam nếu được tiếp cận những tư vấn, hướng dẫn chuyên nghiệp, nâng cao danh mục máy móc, kỹ năng về quản lý, quản trị chất lượng sản phẩm, tuân theo yêu cầu cao về chứng chỉ sản xuất, hoàn toàn có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thượng tá Nguyễn Thế Nghĩa – Tổng giám đốc Tổng công ty Sản xuất thiết bị Viettel (VMC) – cho biết, doanh thu gia công các sản phẩm hàng không của VMC hiện đạt 25 triệu USD/ năm. VMC đã gia công được các chi tiết cơ khí chính xác với doanh thu 1 triệu USD/ năm cho Parker Meggitt. Tháng 3/2032, Tổng công ty đã được Boeing cấp code (mã chứng nhận) tiêu chuẩn. Tổng công ty cũng đã hoàn tất thủ tục xác nhận năng lực với Collins Aerospace và đang trong quá trình kết nối với Airbus.
Theo ông Nghĩa, việc tham gia vào chuỗi rất khó khăn, bởi tiêu chuẩn ngành đặc thù yêu cầu khắt khe, sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, làm chủ công nghệ, truy xuất nguồn gốc toàn bộ quá trình… Tuy nhiên, lợi ích đem lại rất lớn. Những tiêu chuẩn quốc tế khắt khe có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực, không chỉ hàng không vũ trụ, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tăng năng suất. Đơn hàng ổn định, lợi nhuận cao, doanh thu cao.
Ông Nghĩa cho biết, hiện chỉ 4% doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Kết quả khảo sát 500 doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp này không đặt mục tiêu, chưa có sự chuẩn bị để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, thời gian tới, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như đang có nhiều lợi thế để đón dòng vốn dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia.
Thượng tướng Vũ Hải Sản – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – cho rằng, việc nâng cao khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp là đòi hỏi cấp thiết. Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội để trở thành một trong những “công xưởng” sản xuất của thế giới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần có những doanh nghiệp mạnh, có vai trò dẫn dắt, kết nối các doanh nghiệp vệ tinh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bích Vân