+
Aa
-
like
comment

Giám đốc bệnh viện ký giấy bảo lãnh kịp cứu bệnh nhân đột quỵ

16/12/2020 20:52

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2 đã ký giấy bảo lãnh thực hiện thủ thuật tiêu sợi huyết, kịp thời cứu sống bệnh nhân đột quỵ không có thân nhân.

Bệnh nhân là một phụ nữ 59 tuổi, quê Sóc Trăng, tiền sử rung nhĩ (tim co bóp không đều). Bà lên TP HCM phụ việc cho một quán cơm ở quận 2. Trưa 11/12, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, nhanh chóng hôn mê khi đang làm việc.

Lúc được đưa vào Bệnh viện quận 2, bệnh nhân không có người nhà, không có bảo hiểm y tế, chỉ có đồng nghiệp đi cùng. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp đột quỵ não cấp do thiếu máu não. Một cục huyết khối lớn di chuyển từ tim lên não bệnh nhân, gây tắc mạch máu não một nửa bán cầu. Bệnh nhân vào viện ở giờ thứ hai sau khởi phát, trong khung giờ “vàng” điều trị tái thông bằng thuốc tiêu huyết khối – phương án điều trị nội mạch hiệu quả nhất đối với bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não.

“Nếu không can thiệp ngay, hoặc muộn hơn vài tiếng, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong vì phù não, não thiếu máu nặng”, bác sĩ Đinh Hoàng Phát, Đơn vị đột quỵ, khoa Nội Tim mạch cho biết.

Trong tình huống này, thuốc tiêu huyết khối sẽ cứu mạng bệnh nhân. Tuy nhiên, để sử dụng thuốc cần sự đồng thuận của thân nhân, bởi hai lý do. Thứ nhất, thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông, đồng nghĩa tiềm ẩn 5-6% nguy cơ gây xuất huyết não, chảy máu nội tạng, nguy cơ tử vong rình rập. Thứ hai, thuốc đạt hiệu quả cao nhất trong ba giờ đầu sau khởi phát đột quỵ, và giá thuốc rất đắt, khoảng 20 triệu đồng một liều.

Tuy nhiên bệnh nhân hiện không có thân nhân. Nếu bệnh viện tự ý can thiệp cho bệnh nhân mà không có sự đồng ý của người thân, có thể sẽ chịu nhiều hậu quả.

Vì tính cấp bách của liệu pháp điều trị, bác sĩ của Đơn vị đột quỵ đã nhanh chóng xin ý kiến giám đốc bệnh viện để cứu mạng bệnh nhân. Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc bệnh viện đã đồng thuận ngay. Ông vừa ký giấy bảo lãnh chuyên môn cho đồng nghiệp thực hiện thủ thuật, vừa ký thủ tục để phòng Công tác xã hội tìm nguồn tiền hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Trong khoảng 30 phút, kể từ lúc nhập viện, bệnh nhân được tiêm thuốc tiêu huyết khối, thoát chết ngoạn mục. Sau đó, người nhà bệnh nhân mới có mặt ở bệnh viện.

Ngày 16/12, bệnh nhân bắt đầu hồi phục, có thể nhận biết người nhà, hiểu và trả lời các câu hỏi, tự nuốt được thức ăn.

Kỹ thuật viên phục hồi chức năng đang tập vận động cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Hồng Tuấn.
Kỹ thuật viên phục hồi chức năng đang tập vận động cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Hồng Tuấn.

Hiện, chi phí điều trị của bà khoảng 50 triệu đồng. Người thân từ Sóc Trăng lên chăm sóc nhưng hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng chi trả, được bệnh viện hỗ trợ gần như toàn bộ.

Bác sĩ Phát khuyến cáo, người bệnh và thân nhân khi thấy có dấu hiệu đột ngột mất ý thức, yếu liệt tay chân và nửa người, nói đớ, méo miệng… cần nghĩ ngay đến đột quỵ, nhanh chóng đến cơ sở y tế có Đơn vị đột quỵ để được cứu chữa kịp thời.

Tính đến tháng 11, TP HCM có 26 bệnh viện có thể điều trị bệnh đột quỵ, ở nhiều mức độ khác nhau. Trong 5 bệnh viện thuộc tuyến quận, huyện điều trị được đột quỵ thì Bệnh viện quận 2 và Thủ Đức triển khai được thủ thuật thuốc tiêu sợi huyết.

Bên cạnh đó, mạng lưới 34 trạm cấp cứu vệ tinh thuộc Trung tâm Cấp cứu 115, bao phủ 24 quận, huyện luôn sẵn sàng ứng cứu và vận chuyển người bị đột quỵ đến các bệnh viện phù hợp. Sở Y tế cũng đã đặt hàng Trung tâm Cấp cứu 115 và Hội Đột quỵ thành phố triển khai mạng lưới cấp cứu đột quỵ chuyên biệt, dùng cả trực thăng của Bệnh viện Quân y 175.

Thư Anh/VNE

Bài mới
Đọc nhiều