+
Aa
-
like
comment

Giám đốc bệnh viện ký bảo lãnh cứu bệnh nhân đột quỵ ngoạn mục

18/12/2020 09:01

Hôm qua, mạng xã hội xúc động chia sẻ câu chuyện Giám đốc Bệnh viện Q.2 ký giấy bảo lãnh kịp thời cứu sống bệnh nhân đột quỵ dù có thể đối mặt với rất nhiều “phiền phức”. Xúc động, bởi quyết định kịp thời giúp bệnh nhân thoát chết ngoạn mục, ngược lại nếu xảy ra chuyện gì bác sĩ có thể đối mặt kiện cáo, rắc rối. 

BN Nguyễn Ngọc Đáng được các BS tích cực cấp cứu, điều trị /// Ảnh: Diệu Mi
BN Nguyễn Ngọc Đáng được các BS tích cực cấp cứu, điều trị

Quyết định sinh tử

Bệnh viện (BV) Q.2 (TP.HCM) cho biết, trưa 11.12, bà Nguyễn Ngọc Đáng (59 tuổi, quê Sóc Trăng), phụ quán cơm, đột ngột bị mất ý thức và hôn mê nên được những người làm cùng đưa vào BV. Tiếp nhận bệnh nhân (BN) tại phòng cấp cứu, bác sĩ (BS) nhận định đây là trường hợp đột quỵ não cấp (thiếu máu não cấp) do cục huyết khối từ tim đi lên. Trong tình huống này, sử dụng thuốc tiêu huyết khối là phương pháp điều trị có thể cứu mạng BN, nhưng để sử dụng thuốc này cần sự đồng thuận của thân nhân vì nguy cơ xuất huyết luôn rình rập và thuốc tiêu sợi huyết chỉ có hiệu quả trong 3 giờ đầu – kể từ khi khởi phát. Bên cạnh đó, giá thành thuốc lên tới 20 triệu đồng/liều.

Vì tính cấp bách của liệu pháp điều trị, BS nhanh chóng xin ý kiến của BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV để cứu mạng BN. Không chần chừ, BS Khanh chấp thuận, lập tức ký giấy bảo lãnh chuyên môn để đồng nghiệp thực hiện các thủ thuật. Chỉ trong vòng 30 phút từ khi nhập viện, BN đột quỵ đã được tiêm thuốc tiêu huyết khối. Đến 19 giờ cùng ngày, người nhà BN mới lên đến nơi. 6 giờ sau khi tiêm thuốc, BN có nhận thức trở lại, tự nuốt được thức ăn, đáp lại một số câu hỏi của BS.

Giám đốc bệnh viện ký bảo lãnh cứu bệnh nhân đột quỵ ngoạn mục - ảnh 1
BS Trần Văn Khanh trong một lần khám cho bệnh nhân.

Tính mạng là trên hết

Khi câu chuyện được cư dân mạng chia sẻ, trả lời PV Thanh Niên, BS Trần Văn Khanh cho biết 3 “giờ vàng” để sơ cứu BN đột quỵ là cực kỳ quan trọng, nếu để quá giờ có thể sẽ bị chết não vì máu không tới nuôi não kịp. Do đó, việc quyết định thật nhanh tiêm thuốc hay không cũng là quyết định sinh mạng cho BN.

BS Khanh chia sẻ: “BN không có người thân, không có tiền bạc trong người, vào đến cơ sở y tế thì có BS, có thuốc trong tầm tay rồi mà không cứu kịp BN là điều rất tiếc nuối, quyết định chậm một chút cũng không được. Dù tôi biết rằng lỡ tiêm thuốc mà BN không qua khỏi thì phải giải trình với người nhà. Họ thông cảm thì tốt, không thì tôi đối mặt với kiện cáo, rắc rối, nhưng tính mạng BN đặt lên hàng đầu nên tôi ký luôn”.

Giám đốc bệnh viện ký bảo lãnh cứu bệnh nhân đột quỵ ngoạn mục - ảnh 2

Đây không phải là lần đầu vị giám đốc BV ký giấy bảo lãnh để BN không có thân nhân được cấp cứu kịp thời. Từng có BN bị TNGT đa chấn thương, tiền viện phí tới vài trăm triệu cũng được ông ký bảo lãnh.

“Nhiều khi họ nhập viện xong vài ngày sau người nhà mới hay tin vào viện, nhưng hoàn cảnh khó khăn quá không đủ tiền đóng viện phí thì tôi và các BS trong BV bỏ tiền túi, quyên góp thêm nhà hảo tâm để bù đắp vào số tiền thiếu hụt này. Căn tin hỗ trợ cơm miễn phí, người thì cho BN khó khăn cả vật dụng sinh hoạt trong viện”, BS Khanh nói thêm.

Anh Cao Văn Giang (37 tuổi, con bà Đáng) cho biết anh rất xúc động, cảm kích và biết ơn khi BS quyết định kịp thời cứu mạng mẹ anh. Anh Giang cho biết, gia đình chỉ có hai mẹ con nhưng thấy anh phải làm thuê làm mướn chăm 2 con nhỏ nên mẹ anh lên Sài Gòn phụ bán quán cơm.

“Nghe tin mẹ đột quỵ tôi rụng rời tay chân. Thấy mẹ nằm hôn mê, chưa tỉnh hẳn tôi hoảng lắm. Giờ thì mẹ đã tỉnh táo, nhận thức được, miệng hơi méo, nhớ tới đâu nói tới đó, giơ tay chân bên phải được, bên trái còn đang tập thêm. BS vẫn đang cho mẹ tôi nằm cấp cứu theo dõi để xác định có bị ảnh hưởng tế bào não hay không”, anh Giang kể.

Vũ Phượng/ TNO

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều