Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: ‘Vài ngày nữa sẽ vào trận mới’
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết sẽ ứng phó mọi nguy cơ khi đón 120 người mắc Covid-19 từ châu Phi về nhập viện cùng lúc.
– Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị như thế nào để tiếp nhận hơn 120 công dân nhiễm Covid-19 và toàn bộ tổ bay về từ Guinea Xích đạo?
– Một chuyến bay đón hơn 200 công dân từ Guinea Xích đạo sẽ về nước, trong đó có khoảng 120 người mắc Covid-19. Dự kiến ban đầu về ngày 3/8, sau đó được thay đổi sớm hơn một tuần. Vì vậy công tác chuẩn bị của chúng tôi, gồm nhân lực và phương tiện để đảm bảo an toàn, cũng phải gấp rút hơn,
Tuy thời gian đẩy sớm hơn một tuần, chúng tôi đã có trước phương án để tiếp nhận các công dân, đối mặt các rủi ro, nên không bị động. Một phó khoa, một bác sĩ và hai điều dưỡng, đều thuộc khoa Cấp cứu, sẽ bay tới Guinea Xích đạo. Họ đều là những người có kinh nghiệm và năng lực xử lý các tình huống khẩn cấp, đáp ứng yêu cầu thực tế trên chuyến bay.
Tổ y tế này mang theo hai máy thở, hai máy siêu âm và thuốc, trang thiết bị bảo hộ, đặt mục tiêu hỗ trợ hết sức nhưng vẫn đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm do đây là chuyến bay có rất nhiều bệnh nhân Covid-19, nguy cao cho bất cứ ai hiện diện ở đó.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Thành.
Chiều 24/7, chúng tôi đã họp toàn bệnh viện để triển khai các kế hoạch tiếp đón bệnh nhân tại cơ sở Kim Chung, Đông Anh. 100% bệnh nhân thường đang điều trị tại đây sẽ được chuyển tới cơ sở Giải Phóng hoặc cho ra viện. Bệnh viện dành để phục vụ 120 người nhiễm và cách ly toàn bộ tổ bay, đảm bảo các giường bệnh cách nhau 2 m, mật độ cách ly càng giãn càng tốt.
Bệnh viện dành 250 nhân viên y tế và bảo vệ, hậu cần để phục vụ các bệnh nhân từ ăn uống đến ngủ nghỉ, dự trù số nhân viên vào thay phiên, luân chuyển điều trị, cách ly. Việc phân luồng, bố trí từng đội, bộ phận, hậu cần, ăn uống cho các nhân viên và bệnh nhân, người cách ly… đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Ba robot hỗ trợ chăm sóc sẽ được đem ra phục vụ trong đợt này. Các khoa tiếp nhận bệnh nhân nặng như Hồi sức tích cực, Cấp cứu, đều đã sẵn sàng.
100% người có mặt tại viện trong giai đoạn tới đây không được ra ngoài, chỉ tiếp nhận bệnh nhân dương tính chuyển đến.
– Đây là lần bệnh viện tiếp nhận nhiều người mắc Covid-19 nhất cùng một lúc. Thách thức đặt ra là gì?
– Có thể chúng tôi sẽ phải đón tiếp không chỉ đoàn 120 người mắc đó, bởi gần đây phát hiện thêm người dương tính nCoV từ các quốc gia khác về nước. Số lượng bệnh nhân đông, mật độ lớn nên việc phòng ngừa rất quan trọng.
Trong 120 công dân từ Guinea Xích đạo, vài người đã chuyển biến nặng hơn. Chuyến bay càng đông thì diễn biến bất thường có thể xảy đến càng nhiều. Vì vậy chúng tôi tính toán mang theo máy thở và hệ thống oxy để hỗ trợ, cấp cứu tạm thời, đảm bảo mọi người an toàn về tới bệnh viện.
Dự kiến trên chuyến bay có 10-15 bệnh nhân nặng hoặc sẽ diễn biến nặng sau 7-10 ngày về nước. Chúng tôi đã chuẩn bị máy thở và ECMO (hệ thống oxy hóa màng ngoài cơ thể), phòng áp lực âm, có thể bước vào điều trị ngay khi về tới viện.
Tổ y tế cũng vạch ra nhiều phương án để linh hoạt xử trí trong hơn 12 tiếng bay từ châu Phi về Việt Nam. Ví dụ về ăn uống và đi vệ sinh, anh em chuẩn bị lương khô để ăn, uống sữa, phương án hạn chế ăn và uống hết sức có thể. Tổ cũng chuẩn bị cả bỉm để đề phòng tình huống cần.
Quan trọng nhất trong hành lý mang theo là quần áo, thiết bị phòng hộ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Số lượng đồ bảo hộ mang theo lên tới hàng chục bộ.
Phòng cách ly đặc biệt tại Khoa Cấp cứu, nơi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, khó thở và đau mỏi cơ. Ảnh: Ngọc Thành.
– Bệnh viện gặp khó khăn gì khi là đơn vị chủ lực chữa trị các bệnh nhân Covid-19 ở miền Bắc từ đầu 2020?
– Bệnh viện là đơn vị sự nghiệp tự chủ và cũng nằm trong xu thế chung bị ảnh hưởng từ Covid-19. Với cơ sở Kim Chung, bình thường chúng tôi tiếp nhận 400-500 bệnh nhân mỗi ngày. Số lượng điều trị có thể tính tới hàng nghìn người.
Nhưng điều trị bệnh nhân Covid-19 là nhiệm vụ chính trị nên anh em sẵn sàng vì công việc. Giống như các doanh nghiệp, làm nhiệm vụ chính trị thì phải thất thu, là khó khăn và nhiệm vụ chung. Chúng tôi cũng cố gắng xoay xở, sẽ cố gắng hết sức.
Hiện chúng tôi bị giảm nguồn thu, gần như không có, vì vậy đang đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ. Tạm thời, anh em cố gắng có lương cơ bản để vượt qua khó khăn.
– Trước các thách thức đó, tinh thần của bác sĩ hiện nay thế nào?
– Đợt này, chúng tôi đã có kinh nghiệm từ lần đi đón đoàn công dân từ Vũ Hán nên bớt hoang mang, lo lắng; có thêm rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm đối phó với Covid-19. Chúng tôi cũng cử các bạn trẻ đi, sức chống chịu cao hơn, bệnh tật không dễ dàng quật ngã họ.
Bệnh viện xác định đây là một cuộc chiến, bác sĩ là chiến sĩ đi vào mặt trận đối phó với căn bệnh có độ lây nhiễm cao. Chúng tôi chỉ còn mấy ngày nữa để bước vào trận mới và sẽ làm tốt công tác điều trị. Trên mặt trận đi đón công dân, tôi tin tưởng bác sĩ bệnh viện sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chi Lê