+
Aa
-
like
comment

Giải tốt bài toán “hòa hợp dân tộc” sẽ tạo sức bật cho đất nước

sông trà - 03/05/2020 17:37

Hiện nay, một bộ phận đồng bào vẫn bị các thế lực thù địch xúi dục trở thành lực lượng đối lập, chống phá các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, giải bài toán về “hòa hợp dân tộc” vẫn luôn là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt nhằm mang lại sự đoàn kết toàn dân, ổn định, tạo tiền đề cho đất nước phát triển.

Giải tốt bài toán hòa hợp dân tộc sẽ tạo sức bật cho sự phát triển

Hòa hợp dân tộc – mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, dân tộc ta

Ở Việt Nam, do đặc điểm của cuộc chiến tranh quá lâu dài, cho nên vấn đề hòa hợp dân tộc không chỉ là vấn đề hậu chiến, mà còn là vấn đề xây dựng lực lượng ngay trong cuộc chiến tranh.

Còn nhớ, nhà Trần sau 3 lần liên tiếp đánh thắng đế quốc Nguyên Mông thế kỷ 13, vua Trần Nhân Tông chủ trương hòa giải với kẻ thù, tha thứ cho kẻ lầm đường lạc lối, thực hiện quốc sách giữ cho trong ấm, ngoài êm, bên ngoài không phải động binh, bên trong không cần trấn áp. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.

Việt Nam thời hiện đại cũng thế, không chỉ đến khi kết thúc chiến tranh mới hòa giải và hòa hợp mà ngay khi chiến tranh mới bắt đầu và kẻ thù vừa dùng lại kế thâm hiểm gây chia rẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào Nam bộ (ngày 31/5/1946) đã chỉ rõ: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc”.

Năm 1972, ở “tuyến lửa” Vĩnh Linh, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng hỏi chuyện mọi người về dự kiến ngày non sông liền một dải “việc gì là lớn nhất?” Mỗi người đều có câu trả lời, nhưng đến lượt mình cố Tổng Bí thư nói: “Theo tôi vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc”.

Sau chiến tranh, với lòng chân thành và trách nhiệm lịch sử, Đảng, Nhà nước ta đã nỗ lực, từng bước làm lành vết thương của dân tộc do hậu quả chiến tranh để lại.

Ngay trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) càng thấy rõ sự tiếp nối cách ứng xử như đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm, nay phải: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; truyền thống nhân nghĩa, khoan dung đề cao tinh thần dân tộc, để tập hợp mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”…

Có thể nói, Việt Nam luôn chú trọng vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, nếu không hòa hợp dân tộc trước năm 1975 chúng ta không thể giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Và các nhà lãnh đạo nước nhà vẫn làm theo bài học lịch sử mà các thế hệ trước đã làm, hòa hợp hòa giải dân tộc tập hợp chung đồng bào trong một mặt trận kiến thiết đất nước, giữa 45 triệu người dân hai miền Nam-Bắc (sau năm 1975) và gần 100 triệu dân (năm 2020) trong nước, cùng với hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Chính sức mạnh của sự thống nhất, đoàn kết dân tộc đã tạo nội lực để từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt lên mọi khó khăn, thách thức của việc bao vây cấm vận, thúc đẩy phát triển, xây dựng đất nước.

Sức bật từ hòa hợp dân tộc

Khách quan mà nói, thống nhất và hòa giải, hòa hợp dân tộc ở Việt Nam sau khi phải trải qua chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ không tránh khỏi những đau thương, mất mát, ly tán, bi kịch trong mỗi gia đình hay mỗi vùng miền đất nước trong và sau chiến tranh. Đó là điều không ai mong muốn, cũng không nên đổ lỗi giữa những người Việt Nam với nhau – bởi suy cho cùng chỉ có tội ác của thực dân đế quốc ngoại bang đến xâm lược mà thôi.

Công cuộc thống nhất đất nước là tất yếu, đi theo đường lối quyết sách đúng và đã giành thắng lợi hoàn toàn cho toàn dân tộc . Hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước là tiền đề cơ bản cho hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc, là việc đã làm hàng chục năm trong chiến tranh và đang làm trong hàng chục năm sau chiến tranh.

Đảng, Nhà nước đã có chủ trương là người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù trước đây ở bên này hay bên kia chiến tuyến, thì cần cùng hướng về nhau, sống và ứng xử với nhau đúng nghĩa tình đồng bào. Có như vậy mới vượt qua những rào cản của quá khứ để lại. Đó không chỉ là mong muốn mà còn là lương tri, tình cảm; là trách nhiệm với quốc gia, với hàng triệu người con của dân tộc đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, với thế hệ hôm nay và mai sau.

Chúng ta đã hòa giải để xây dựng lực lượng và sau chiến tranh chúng ta đã hòa hợp.  Rất nhiều minh chứng về sự hòa hợp dân tộc đó là, trong cuộc đấu tranh lâu dài của chúng ta, không hòa hợp thì không thể xây dựng lực lượng được, không hòa giải thì không có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo… tham gia các lực lượng của miền Nam.

Đỉnh cao nhất của hòa hợp là cải cách và mở cửa. Ở lĩnh vực kinh tế, nhưng nó lại mang đậm tư tưởng chính trị đó là nỗ lực hòa hợp với thế giới trong việc xây dựng kinh tế thị trường. Trước năm 1986 chúng ta không có kinh tế thị trường. Việc thừa nhận tồn tại kinh tế thị trường trong khuôn khổ không gian chính trị của người Việt là một bước hòa giải về mặt tư tưởng, đấy là bước tiến khổng lồ của người Việt Nam.

Sau 45 năm ngày non sông thu về một mối, đất nước ta đạt được những thành tựu kinh tế – xã hội quan trọng như lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay. Thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững độc lập và chủ quyền lãnh thổ, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển đất nước toàn diện, nâng cao vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam hôm nay một lần nữa khẳng định tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng độc lập, thống nhất luôn trường tồn trong mỗi người con đất Việt từ đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”.

Từ đây có thể thấy, hòa hợp dân tộc luôn là vấn đề hệ trọng, bởi dân tộc Việt Nam ta từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh mà  các thế lực thù địch luôn dùng quỷ kế hòng chia rẽ sự đoàn kết thống nhất của một quốc gia gồm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, kề vai sát cánh với nhau, có truyền thống đoàn kết lâu đời trong đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ và  xây dựng đất nước.

Điều này cũng có nghĩa, muốn hòa giải hòa hợp được thì phải thực tâm khoan dung và nhân ái. Nếu  không hòa hợp hòa giải được, con người mà không quy tụ được thì nguồn lực nào cũng rơi rụng dần.

Chính vì vậy, để có được sự đồng thuận của cả cộng đồng dân tộc thì tất cả mọi người mang quốc tịch Việt Nam cần vượt qua rào cản tâm lý để lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của toàn thể đồng bào mình làm tối thượng. Giải tốt bài toán “hòa hợp dân tộc” sẽ tạo sức bật cho đất nước cất cánh.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều