+
Aa
-
like
comment

Giải quyết bài toán vỉa hè TPHCM, cần nhìn nhận vai trò của “gánh hàng rong”

Hạnh Văn - 18/04/2024 14:05

Năm 2024, TPHCM chính thức áp dụng chính sách thu phí sử dụng vỉa hè trên nhiều tuyến phố nhằm tăng cường quản lý trật tự giao thông và làm đẹp không gian công cộng. Chính sách này không chỉ giúp vỉa hè trở nên gọn gàng hơn mà còn tạo nguồn thu để đầu tư vào duy trì và cải thiện hạ tầng đô thị.

TPHCM áp dụng chính sách thu phí sử dụng vỉa hè trên nhiều tuyến phố nhằm tăng cường quản lý trật tự giao thông và làm đẹp không gian công cộng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, toàn TP HCM có 4.869 đường rộng từ 5 m trở lên, trong đó 2.271 tuyến đường có vỉa hè, 929 tuyến đường vỉa hè có bề rộng từ 3 m trở lên với chiều dài 673,3 km sẽ khai thác. Dự kiến, số tiền thu được khoảng 1.522 tỉ đồng/năm (trong đó thu từ vỉa hè chiếm 63,8%).

Hiện có hơn 900 tuyến đường chia theo 5 khu vực đủ điều kiện. Khu vực 1 có 207 tuyến; khu vực 2 có 277 tuyến; khu vực 3 có 248 tuyến; khu vực 4 có 125 tuyến và khu vực 5 có 11 tuyến thuộc huyện Cần Giờ. Hè phố đủ điều kiện thu phí phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất 2 làn ô tô cho một chiều đi, phần còn lại phải xem xét nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Hàng chục năm qua, vấn đề lấn chiếm vỉa hè luôn là bài toán gây đau đầu cho các chính quyền đô thị, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TPHCM. Đã không ít lần TPHCM bàn bạc, ra quân dọn dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Thậm chí đã có những giai đoạn làm rất gắt gao, người khen không ít, người chê cũng nhiều. Nhưng rồi rốt cục, khi những đợt ra quân lắng xuống, tình trạng lấn chiếm lại trở về như cũ. Vỉa hè vẫn tiếp tục bị chiếm dụng, nhếch nhác, mất vệ sinh, phá hoại cảnh quan đô thị và hơn cả là gây nguy hiểm cho giao thông.

Nhiều năm qua, nhu cầu giao thông lẫn mưu sinh ở thành phố ngày càng tăng cao. Đô thị TPHCM kẹt xe phát sinh câu chuyện leo lề “điền vào chỗ trống”, thiếu chỗ đậu xe dẫn đến phương tiện tràn ra vỉa hè, lòng đường. Người kinh doanh vì mưu sinh đã bủa vây hè phố bằng đủ loại hàng hóa, trong đó có tình trạng người bán hàng rong nay đây mai đó.

Nhiều hàng quán lấn chiếm hết vỉa hè để sắp xếp bàn ghế cho khách.

Khi chủ trương thu phí vỉa hè, hướng đến giải quyết triệt để bài toán lấn chiếm lòng, lề đường của TPHCM được lên kế hoạch, rất nhiều người dân và cả các chuyên gia về chính sách, đô thị đã lên tiếng: TPHCM đáng ra phải làm sớm hơn.

Tuy nhiên, giải quyết một thực trạng đã tồn tại hơn nửa thế kỷ ở đô thị sầm uất nhất Việt Nam không phải là dễ dàng. Sự giao thoa chằng chịt và đầy mâu thuẫn giữa văn hóa, nhu cầu mưu sinh, quy hoạch, mỹ quan đô thị, an toàn giao thông… khiến việc đưa ra một giải pháp tổng hòa không thể một sớm một chiều.

Điểm đáng chú ý trong phương án thu phí việc (áp dụng từ 1/1/2024) là việc chỉ những người có nhà, đang kinh doanh mới được đăng ký sử dụng thêm phần vỉa hè trước nhà nếu có nhu cầu. Đối với các cửa hàng, điều này không có gì đáng bàn, nhưng nó lại gây khó cho một bộ phận không nhỏ những người bán hàng rong.

Ông Nguyễn Chí Cường ngồi trầm ngâm bên mâm trái cây trên đường Phan Chu Trinh khi biết mình nằm trong diện không được đóng phí sử dụng vỉa hè.

Cần nói thẳng và nói thật, những gánh hàng rong, quầy hàng rong là một trong những tác nhân chính gây ra cảnh quan nhếch nhác, mất vệ sinh tại các con phố, đặc biệt là những khu vực đông dân hoặc nhiều du khách. Nhưng nếu quy định chỉ mở ra giải pháp cho các cửa hàng, quán ăn thì quả thực gây khó cho những người bán hàng rong, phần nhiều vốn đã vất vả mưu sinh.

Một số người có thể cho rằng người dân không có nhu cầu thuê vỉa hè có thể đăng ký thuê và cho những người bán rong thuê lại, như một cách hài hòa nhu cầu. Nhưng như vậy có thể làm sai lệch mục đích của việc thu phí và nảy sinh nhiều bất cập, đơn cử như chủ nhà gần như “độc quyền” phần vỉa hè trước nhà, gây khó cho người thuê và hơn nữa, vô hình trung có thể biến “của công thành của ông”.

Trong vấn đề ttránh mâu thuẫn giữa các bên liên quan (người sử dụng mặt bằng, chủ nhà…), UBND TP từng khẳng định trước khi triển khai cho thuê vỉa hè, quận, huyện phải lấy ý kiến của chủ nhà. Không phải tuyến đường nào cũng đưa ra kinh doanh, cho thuê để kinh doanh mà phải đủ điều kiện. Khi tuyến đường đó đủ điều kiện thì quận, huyện phải lên phương án khảo sát, đưa ra lộ trình, biện pháp triển khai thực hiện.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ – Sở Giao thông vận tải, TPHCM.

Trên tinh thần này, thiết nghĩ vấn đề gánh hàng rong có thể học hỏi, áp dụng theo mô hình của các nước bạn. Điển hình như tại Bangkok (Thái Lan) và các đô thị lớn như New York, Paris, chính quyền đô thị quản lý toàn bộ phần vỉa hè và bất luận là chủ cửa hàng hay người bán rong đều phải nộp đơn đăng ký và được cơ quan quản lý phân định khu vực đặt quầy hàng (với hàng rong) hoặc các mục đích khác (với các cửa hàng). Tất nhiên, những phần vỉa hè cần được quy hoạch từ trước và có sự đồng thuận của chủ nhà.

Theo cách này, mỗi cá nhân kinh doanh đều có “lãnh địa” của mình, dù nó có thể chỉ vài mét vuông. Nhưng đó là phần vỉa hè được cấp phép sử dụng, hoàn toàn hợp pháp và ngăn chặn được cả việc tranh giành “chỗ ngồi” trên vỉa hè. Sẽ không còn cảnh lực lượng đô thị rượt thì hàng rong chạy, đo thị đi thì lại nhếch nhác như cũ.

Về phần mình, người bán rong sẽ phải tập làm quen với việc những thủ tục hành chính, đăng ký, cấp phép và đóng thuế, phí định kì thay vì cách làm tự phát trước đây. Họ cũng sẽ phải quen với việc phải thuộc lòng những quy định về sử dụng vỉa hè, đặc biệt là dọn dẹp vệ sinh. Sẽ có rất nhiều điều phải học, phải làm quen nhưng thiết nghĩ, không ai muốn phải “biết sai nhưng biết sao được vì mưu sinh”, chẳng ai muốn ngày ngày cứ phải chạy trốn mỗi khi thấy lực lượng đô thị.

Nếu có một sân chơi rõ ràng và hợp lý, chắc chắn bất kì một người kinh doanh nào cũng muốn làm đúng, làm đủ vai trò công dân của mình trong xã hội. Đó cũng là cách để ý thức, nếp sống văn minh được hình thành trong mọi tầng lớp xã hội.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều