Giải pháp làm “tan máu đông” nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Dự kiến tuần này Quốc hội sẽ thảo luận tại nghị trường về giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế từ nay đến cuối năm, trong đó có việc giảm thuế VAT 2% và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tác động của diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19 khiến kinh tế Việt Nam tiếp tục suy giảm khi tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng 25%, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 2%.
Để tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội những tháng cuối năm, Chính phủ đang trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT với các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% trong 6 tháng, tức đến hết năm 2023, trừ một số lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, viễn thông. Chính sách này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với tổng cầu giảm sâu.
Nên giảm thuế VAT tất cả mặt hàng để kích cầu
Theo các đại biểu quốc hội, giảm thuế VAT 2% nên áp dụng cho tất cả mặt hàng để kích cầu, đồng thời kéo dài một năm thay vì 6 tháng nhằm phát huy hiệu quả trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Việt Nam cho rằng, cần giảm 2% thuế VAT với tất cả mặt hàng, bởi mọi cơ hội kinh doanh đều quý giá, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, việc giảm thuế này sẽ kích cầu, giải quyết khó khăn thị trường – nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp lúc này. Đồng thời, việc kéo dài này nhằm tránh chính sách bị giật cục.
“Chính sách ra đời trong thời điểm này hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn hiệu lực, liều lượng, thời gian thi hành. Việc thi hành phải đảm bảo đủ độ, khẩn trương. Nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn như này, thực hiện chính sách chậm một ngày cũng khiến cho doanh nghiệp lao đao rồi. Hiệu lực thực thi cực kỳ quan trọng”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.
Chủ tịch Trung tâm trọng tài Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê, từ cuối tháng 3 đến nay cho thấy doanh nghiệp đã có bước phục hồi, tuy nhiên rất yếu ớt.
“Thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 có thể nói như thời điểm chạm đáy. Hiện là thời điểm ngưỡng đầu của phục hồi. Song để phục hồi được cần có 2 điều kiện quan trọng là kinh tế thế giới và chính sách phục hồi trong nước. Dự báo mới nhất là kinh tế Mỹ suy thoái nhẹ, chiến sự Nga-Ukraine còn diễn biến phức tạp. Những nhân tố lớn này sẽ tác động đến kinh tế thế giới chung. Trong nước, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện đồng bộ, hiệu quả thì doanh nghiệp mới có thể phục hồi được”, đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.
Chính phủ đã chỉ đạo rất khẩn trương và quyết liệt tuy nhiên để thực hiện nhanh và hiệu quả thực thi các biện pháp, theo đại biểu đoàn Hà Nội còn phụ thuộc nhiều vào các địa phương.
Tương tự, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường cũng nhìn nhận, kéo dài giảm thuế sang 2024 để thời gian hỗ trợ đủ dài cho doanh nghiệp.
“Chúng ta kỳ vọng tới cuối năm 2023 kinh tế sẽ phục hồi nhưng liệu từ nay tới đó tình hình đã cải thiện chưa, hiện chưa có gì chắc chắn nên cần kéo dài chính sách này sang năm sau để phát huy hiệu quả”, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ.
Theo quy định ngày 31/12 là thời điểm phải quyết toán thuế, xây dựng kế hoạch ngân sách năm sau. Để việc kéo dài chính sách này không bị gián đoạn, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng nghị quyết của Quốc hội lần này nên có quy định mở. Tức là cho phép Chính phủ giảm thuế tới hết năm 2023, và nếu bối cảnh Chính phủ thấy cần tiếp tục kéo dài thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, không phải chờ tới kỳ họp sau.
Làm tan “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền nền kinh tế
Ngoài giải pháp giảm thuế VAT, các đại biểu cũng cho rằng phải quyết liệt hơn trong việc làm tan các “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền của nền kinh tế. Cụ thể là đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công khi tiền trong ngân hàng của ta không thiếu, nhưng doanh nghiệp, địa phương và nền kinh tế chưa thể hấp thu.
Theo các đại biểu, chậm giải ngân đưa vốn công vào nền kinh tế có lý do khách quan và chủ quan. Chủ quan là năng lực quản lý, trách nhiệm các cơ quan chức năng trong chuẩn bị vốn đầu tư, thanh quyết toán bàn giao nghiệm thu công trình.
“Có tiền không tiêu được không hẳn do chính sách vướng, chủ yếu do thực thi dẫn tới tiền chậm đưa vào nền kinh tế, làm hạn chế tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội”, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận xét.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng lưu ý, không “đẩy” tiền ra bằng mọi giá mà cần hiệu quả. “Nếu đưa tiền ra mà làm thất thoát, lãng phí lớn hơn thì còn xót xa hơn. Cho nên không thể nóng vội mà đưa ra những giải pháp cực đoan, thay vào đó cần thận trọng để tránh nảy sinh thất thoát, lãng phí”, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nêu rõ.
Trao đổi bên hành lang quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận thực trạng này và cho biết việc tồn ngân quỹ lớn chủ yếu do tắc nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Hiện số tiền này được gửi tại Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8% một năm.
Đầu tư công – vốn được coi là nguồn lực dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển – hiện giải ngân rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt gần 14,7% kế hoạch năm. Mức này mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ 2022 (18,48%).
Theo Luật Đầu tư công, có dự án mới được bố trí tiền, nhưng khâu chuẩn bị dự án “tắc” sẽ dẫn tới các khâu tiếp theo, như giải ngân vốn không thực hiện được. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, phải sửa luật, có thể dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này.
Bích Vân