+
Aa
-
like
comment

Giải pháp cho sự phục hồi và phát triển bền vững của TP.HCM

18/11/2021 06:55

Liên quan câu chuyện TP.HCM “khát” lao động sau giãn cách cũng như việc cấu trúc lại cơ cấu nhân lực trong tương lai của đầu tàu kinh tế. PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó giám đốc Học Viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, nguồn nhân lực số chính là một trong các giải pháp thông minh cho sự phục hồi và phát triển bền vững của TP.HCM. 

Nguồn nhân lực số chính là một trong các giải pháp thông minh cho sự phục hồi và phát triển bền vững của TP HCM. Ảnh minh họa.

– Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, thành phố đã bộc lộ những điểm yếu nào về vấn đề nguồn nhân lực?

– Theo báo cáo kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn thành phố có hơn 4,8 triệu lao động đang làm việc. Giai đoạn vừa qua, do ảnh hưởng Covid-19, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc ở TP HCM có xu hướng tăng. Công nhân thiếu việc, giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập. Để duy trì đơn hàng, các doanh nghiệp đã ra sức giữ chân lao động cũng như tuyển dụng bổ sung phục vụ sản xuất.

Với các phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “4 xanh”, số doanh nghiệp đáp ứng được rất ít. Đa số phải ngừng sản xuất, tạm thời cho người lao động nghỉ việc. Ở các ngành thâm dụng lao động (dệt may, da giày, chế biến nông, lâm, thuỷ sản…), việc duy trì quy mô nhân sự để đáp ứng các tiêu chí an toàn là khó khăn khiến nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ.

Qua đó cho thấy rõ nguy cơ đứt gãy và sự phụ thuộc, không bền vững của nguồn nhân lực hiện tại, đe doạ sự phát triển của TP HCM. Điều này được thể hiện như: nhiều mô hình sản xuất vẫn sử dụng lao động giản đơn và chủ yếu nhóm nguồn nhân lực ở dạng thức này là lao động của các tỉnh di cư vào thành phố.

Trong đó, phần nhiều là trình độ tay nghề không cao, hạn chế về điều kiện để ổn định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và thành phố. Vì thế, nguy cơ diễn ra các hiện tượng di cư ngược về quê luôn hiện hữu.

Khi thành phố chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thiếu hụt lao động đang trở thành “vấn nạn” của hầu hết các doanh nghiệp, đặt ra nhiều thách thức hơn trong giai đoạn tới.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng. Ảnh nhân vật cung cấp
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng. Ảnh nhân vật cung cấp

– TP HCM cần làm gì để giải bài toán “khát” nhân lực này?

– Đây là vấn đề khó, cần sự hợp tác kết nối triển khai của nhiều chủ thể khác nhau từ trung ương đến các địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp với người lao động.

Về phía doanh nghiệp, nên linh hoạt và mạnh dạn triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở “an toàn đến đâu, sản xuất đến đó”. Chủ động đề xuất và chuyển đổi các mô hình hợp tác, kết nối các doanh nghiệp ở vùng, địa phương để giải quyết tiến độ đơn hàng.

Ngoài ra, cần đầu tư thiết bị sẵn sàng phòng chống dịch, nâng cấp để cải thiện môi trường làm việc, nơi sinh hoạt của người lao động. Như vậy, sẽ tạo sự an tâm cho nhân viên, đồng thời giúp ứng phó trước các diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh.

Doanh nghiệp cũng nên có các chính sách quan tâm hơn đến đời sống người lao động để giúp phục hồi sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Công khai các chính sách và chế độ, lương, thưởng… cùng các chính sách an sinh tốt để tạo điều kiện thu hút lao động cũ quay trở lại và lao động mới.

Về phía trung ương, cần có các phương án thống nhất cao ở các cấp để tổ chức sản xuất và lưu thông an toàn, bền vững. Giai đoạn vừa qua, các cơ quan đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động này, song việc có nhiều chính sách ở mỗi bộ ngành dẫn đến khó khăn khi triển khai thực tế tại các địa phương.

TP HCM và các tỉnh cũng cần đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động qua các sàn, trung tâm lao động để kết nối lao động nội tại trong thành phố, kết nối các doanh nghiệp với lao động các tỉnh.

Riêng TP HCM, ưu tiên hơn nữa các cơ chế, chính sách an sinh xã hội phù hợp để giúp người lao động yên tâm làm việc như: phương án chỗ ở, phòng dịch, phương án ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng con công nhân…

Trong giai đoạn hiện nay, diễn biến dịch còn phức tạp, nên việc tạo tâm lý yên tâm làm việc là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cần lập các ban hỗ trợ nguồn nhân lực và phục hồi sản xuất để giải quyết các điểm nghẽn kịp thời.

Tuy nhiên, về dài hạn, TP HCM cần có chiến lược thúc đẩy nguồn nhân lực số để đảm bảo sự phát triển bền vững trong thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ.

– Ông có đề cập đến nguồn nhân lực số, vậy cụ thể xu hướng này là gì?

– Nhân lực số ở đây cần hiểu ở hai khía cạnh. Thứ nhất là các lao động đủ trình độ kiểm tra và sử dụng máy móc, thiết bị theo hướng số hóa, tự động hóa. Những nhân lực này chính là con người.

Thứ hai là dạng phi con người. Chúng là những “nhân lực” có nhiều đặc tính được thiết lập, học hỏi từ con người và có nhiều khả năng tương tự con người nhưng với mức siêu phàm của bộ nhớ và khả năng xử lý công việc. Trong đó, quan trọng là xử lý các công việc trong nền kinh tế số.

Các nhân lực này tồn tại ở các định dạng như: trí tuệ nhân tạo (AI), robot, hệ thống công nghệ tự động hóa…Các “nhân lực” này sẽ giúp TP HCM có cách nhìn nhận phù hợp với xu thế chuyển đổi số của thế giới.

– Tại sao nhân lực số là hướng đi quan trọng của TP HCM ?

– Thực tế, để giảm thiểu các tác động của đại dịch đến sản xuất, có thể thấy bài toán nhân lực sẽ dần được giải quyết nếu các doanh nghiệp thực hiện số hoá và sử dụng phổ biến nguồn nhân lực số.

Việc sử dụng này sẽ góp phần tiết giảm tối đa nhân công là con người và thay vào đó các hệ thống tự động, robot, trí tuệ nhân tạo. Chúng được lập trình sản xuất với hiệu suất cao, không bị giới hạn về thời gian, văn hoá, tâm lý, tình cảm…và đương nhiên cả Covid-19. Xu hướng này sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới.

Hàng nghìn người dân chờ ở chốt kiểm soát trên quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh TP HCM để về quê ở các tỉnh miền Tây, ngày 1/10/2021.

Báo cáo năm 2019 của McKinsey cho biết, việc tăng cường tự động hóa có thể hỗ trợ tuyển dụng và giữ chân lao động bằng cách tạo ra những vị trí chuyên môn mới với mức lương, cơ hội và điều kiện làm việc tốt hơn. Cánh tay robot có thể hoạt động suốt ngày đêm mà không cần thời gian nghỉ ngơi hay nghỉ phép. Điều này giúp doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự và tăng năng suất nhà máy, đặc biệt là trong môi trường sản xuất quy mô lớn.

Hơn nữa, cách thức này có thể giúp doanh nghiệp hoàn toàn chủ động giảm hoặc tăng quy mô, sản lượng theo nhu cầu dễ dàng. Hay kinh nghiệm của Thụy Điển cho thấy các dây truyền và nhân lực số giúp sản xuất ít bị ảnh hưởng và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.

Như vậy, nguồn nhân lực số có vài trò vô cùng quan trọng giúp doanh nghiệp ngày càng chủ động, thích ứng linh hoạt hơn với các diễn biến thiên tai, đại dịch tương tự như Covid-19. Xu hướng này, phù hợp với các tâp đoàn, doanh nghiệp lớn và nên cân nhắc thúc đẩy tại các thành phố lớn như TP HCM.

– Vậy cần những giải pháp gì để xu hướng này sớm phát triển mạnh?

– Để hoạt động này được trở thành hiện thực, theo tôi, cần có các giải pháp sau đây.

Thứ nhất, xây dựng các thể chế, chính sách thúc đẩy hoạt động hướng đến việc ưu tiên, khuyến khích, thu hút đầu tư với các tập đoàn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tự động hoá trong sản xuất quy mô. Một mặt, vẫn thu hút đầu tư nhưng có lựa chọn để đảm bảo định hướng dài lâu.

Thứ hai, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thiết thực, thực chất hơn nữa các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ sản xuất quy mô, tự động gắn với số hoá nhân lực, giảm thiểu lao động giản đơn và nâng cao năng suất. Từ đó, chủ động hoạt động sản xuất và kiểm soát chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính.

Thứ ba, thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong mọi lĩnh vực kỹ thuật và xã hội, bởi kỹ thuật sẽ cho các nhà sáng chế và các nhân lực có thể tham gia làm việc với nguồn nhân lực số, dây truyền hiện đại…Bên cạnh đó, cần nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xã hội sẽ dẫn dắt và đưa ra các chính sách, thể chế thông minh, phù hợp có tác động lan toả và định hướng con đường đi nhanh nhất thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Thứ tư, hoàn thiện và khả thi các chính sách, ưu đãi, hỗ trợ tài chính, thuế và cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp thực sự được khuyến khích thúc đẩy họ đổi mới sáng tạo và gia tăng ứng dụng nhân lực số trong sản xuất.

Cuối cùng là cần có một lộ trình song song để đảm bảo việc kích thích sử dụng nhân lực số phù hợp với việc giải quyết các vấn đề thất nghiệp, an sinh xã hội, sinh kế chuyển đổi cho các đối tượng lao động giản đơn bằng các mô hình sinh kế mới phù hợp gắn với kinh tế chia sẻ và các dạng thức kinh tế phù hợp.

Tóm lại, thời gian qua, ngoài mặt trái là ảnh hưởng tới đời sống và sức khoẻ của xã hội, đại dịch cũng là một nhân tố thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của số hoá. Trong các vấn đề này, nguồn nhân lực số cần được Chính phủ cũng như TP HCM đặc biệt quan tâm để có lộ trình thúc đẩy, dẫn dắt và tạo đà quan trọng cho sự chuyển đổi mạnh mẽ của doanh nghiệp.

Nếu làm được điều này, nguồn nhân lực số chính là một trong các giải pháp thông minh cho sự phục hồi và phát triển bền vững của TP HCM. Hướng đi này phù hợp với xu hướng số hóa, là một trong những giải pháp căn cơ, giúp đột phá trong phát triển theo chiều sâu.

Viễn Thông 

Bài mới
Đọc nhiều