+
Aa
-
like
comment

Giải pháp cho Quân đội Việt Nam để có 3 sư đoàn hiện đại cùng hàng trăm xe chiến đấu tối tân?

15/09/2021 14:37

Một khách hàng của Nga đã nâng cấp hàng trăm xe BMP-1, BMP-2, và có kế hoạch “lên đời” xe tăng T-62 bằng module chiến đấu Berezhok. Quân đội Việt Nam có thể lựa chọn giải pháp này.

Quân đội Việt Nam sẽ sớm có ngay 3 sư đoàn hiện đại cùng hàng trăm xe chiến đấu tối tân?

QĐND VIỆT NAM TỪNG CÓ 3 SƯ ĐOÀN XE BỘ BINH CƠ GIỚI HIỆN ĐẠI

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã phải bước ngay vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế.

Trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc hết sức cấp bách của Việt Nam, người bạn lớn Liên Xô đã ngay lập tức cung cấp các gói viện trợ lớn để giúp hiện đại hóa quân đội ta. Trong số đó, có các xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và BMP-2, phục vụ việc xây dựng 3 sư đoàn bộ binh cơ giới thuộc 3 quân đoàn cơ động dự bị chiến lược.

Việt Nam bắt đầu được nhận viện trợ các xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và BMP-2 trong khoảng thời gian từ cuối thập niên 70 đến cuối thập niên 80 của thế kỉ trước.

Tại thời điểm viện trợ, đây là những dòng vũ khí hiện đại, có sức chiến đấu cao, hỏa lực mạnh mẽ, khả năng cơ động lớn, giúp Việt Nam có được những đơn vị bộ binh cơ giới rất đáng gờm, là “quả đấm thép”.

Tuy nhiên, theo thời gian, tính đến nay các xe BMP-1 và BMP-2 của Quân đội Việt Nam đã phục vụ liên tục trong biên chế khoảng 30-40 năm, đã dần lạc hậu và chưa đáp ứng được chiến tranh hiện đại.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 được nghiên cứu, chế tạo từ thập niên 1960, để thay thế cho các loại xe bọc thép chở quân có giáp mỏng và hỏa lực yếu. Xe BMP-1 nặng 13,2 tấn, bọc giáp nơi dày nhất là 33mm, trang bị động cơ diesel UTD-20 công suất 300 mã lực cho phép đạt tốc độ 65km/h, bơi nước với vận tốc 7-8km/h.

Hỏa lực của xe gồm pháo chính nòng trơn bán tự động 2A28 Grom cỡ nòng 73mm (tương tự như loại súng chống tăng SPG-9 của bộ binh đi bộ thông thường), súng máy đồng trục PKT 7,62mm, cùng bệ phóng tên lửa chống tăng 9M14 Malyutka (tên mã NATO AT-3 Sagger) đặt ngay trên nòng pháo.

Kíp xe có 3 người (trưởng xe, lái xe, pháo thủ) và có thể chở thêm tiểu đội bộ binh 8 người. Lính bộ binh trên xe có thể bắn trong hành tiến thông qua 9 lỗ châu mai.

Quân đội Việt Nam sẽ sớm có ngay 3 sư đoàn hiện đại cùng hàng trăm xe chiến đấu tối tân? - Ảnh 2.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Việt Nam. Ảnh: Báo QĐND.

Tại thời điểm ra đời, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 là đại diện cho cuộc cách mạng về tư duy và học thuyết tác chiến của bộ binh cơ giới Liên Xô. Mặc dù những thông số lý thuyết là tương đối ấn tượng, nhưng xe chiến đấu bộ binh BMP-1 có nhiều điểm yếu.

Đặc biệt là về hỏa lực, pháo nòng trơn 73mm có tầm bắn ngắn, độ chính xác thấp, không phù hợp để làm pháo chính của xe chiến đấu bộ binh. Tên lửa 9M14 Malyutka dẫn bắn bằng dây cũng nhanh chóng trở nên lạc hậu.

Vì vậy, sau nhiều cải tiến trên các phiên bản BMP-1, Liên Xô đã nhanh chóng cho ra đời thế hệ BMP-2 vào thập niên 1980.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 nặng 14 tấn, có cấu hình giáp tương tự như xe BMP-1, với động cơ UTD-20S1 cải tiến so với BMP-1.

Điểm khác biệt lớn nhất là ở cấu hình vũ khí: Thay cho pháo nòng trơn 73mm có tốc độ bắn chậm và độ chính xác thấp, xe BMP-2 được trang bị pháo chính 2A42 cỡ nòng 30mm. Đây là loại pháo tự động có tốc độ bắn cao lên đến 550 phát/phút, có tầm bắn hiệu quả lớn.

Cỡ đạn 30mm tỏ ra vừa vặn để xe BMP-2 có thể chống lại nhiều loại mục tiêu như bộ binh, xe cơ giới, xe thiết giáp hạng nhẹ, thậm chí cả máy bay trực thăng của đối phương.

Việc trang bị pháo 30mm cho xe BMP-2 giúp tăng đáng kể hỏa lực đối đất và phòng không của xe, phù hợp với học thuyết tác chiến của bộ binh cơ giới.

BMP-2 cũng vẫn được trang bị súng máy đồng trục PKT 7,62mm, nhưng tên lửa chống tăng đã được nâng cấp lên loại 9M111 Fagot (tên mã NATO là AT-4 Spigot) hoặc loại 9M113 Konkurs (tên mã NATO là AT-5 Spandrel) hiện đại hơn.

Mặc dù vậy, xe BMP-2 vẫn tồn tại những nhược điểm lớn về hệ thống hỏa lực như độ chính xác, thời gian thao tác cũng như dễ bị bộc lộ trước đối phương khi tác chiến ban đêm.

Quân đội Việt Nam sẽ sớm có ngay 3 sư đoàn hiện đại cùng hàng trăm xe chiến đấu tối tân? - Ảnh 4.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Quân đội Việt Nam. Ảnh: QĐND.

CÁC GIẢI PHÁP CỦA NGA SẼ GIÚP VIỆT NAM CÓ NGAY 3 SƯ ĐOÀN BBCG HIỆN ĐẠI

Trước thực tế là hỏa lực của các xe BMP đã lạc hậu so với thời đại, để tăng sức sống cho các xe này, nước Nga đã đưa ra nhiều gói nâng cấp hỏa lực mạnh mẽ. Về tinh thần chung, các gói nâng cấp này đều thay thế tháp pháo cũ bằng các loại vũ khí mới hiện đại hơn.

Trong đó, tiêu biểu nhất là việc nâng cấp xe BMP bằng module vũ khí chiến đấu Berezhok – một sản phẩm của phòng thiết kế KBP, Nga.

Vũ khí tiêu chuẩn của module chiến đấu Berezhok bao gồm pháo chính 2A42 cỡ nòng 30mm, súng phóng lựu tự động AG-30 cỡ nòng 30mm, súng máy đồng trục PKT cỡ nòng 7,62mm, cùng 4 bệ phóng tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) hiện đại loại Kornet.

Với cấu hình vũ khí này, module chiến đấu Berezhok có hỏa lực công thủ toàn diện: pháo bắn thẳng tự động 30mm, chống tăng bằng tên lửa Kornet hiện đại, tấn công mục tiêu che khuất bằng súng phóng lựu tự động 30mm, lại có thêm súng máy đồng trục để tự vệ tầm gần.

Hiện nay, lục quân Nga đã nâng cấp hàng trăm xe BMP-2M lên phiên bản BMP-2M Berezhok bằng gói hiện đại hóa B05S011. Các xe này được ưu tiên phục vụ trong các sư đoàn, lữ đoàn mạnh nhất của nước Nga, như sư đoàn bộ binh cơ giới cận vệ số 2 Tamanskaya bảo vệ Thủ đô Moskva.

Đáng chú ý: Một khách hàng xuất khẩu vũ khí của Nga là Algeria đã nâng cấp hàng trăm xe BMP-1, BMP-2, và thậm chí đang có kế hoạch thay pháo chính 115mm của xe tăng T-62 bằng module chiến đấu Berezhok.

Quân đội Việt Nam sẽ sớm có ngay 3 sư đoàn hiện đại cùng hàng trăm xe chiến đấu tối tân? - Ảnh 6.
Modul chiến đấu Berezhok được tích hợp trên một xe chiến đấu bộ binh BMP của Nga.

Nếu như nước Nga – quê hương của Berezhok – chỉ sử dụng module chiến đấu này để hiện đại hóa các xe BMP-2, thì Algeria là quốc gia đầu tiên sử dụng Berezhok để hiện đại hóa những xe chiến đấu bộ binh BMP-1, cho thấy sự coi trọng của Algeria với loại khí tài này.

Điều này là một giải pháp tối ưu mà Việt Nam có thể học tập khi giải quyết bài toán hiện đại hóa các xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và BMP-2 trong biên chế. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ sớm có ngay 3 sư đoàn bộ binh cơ giới khá hiện đại.

Để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa các đơn vị bộ binh cơ giới, thay vì mua mới xe BMP-3 với giá tương đối cao, có thể nghĩ đến việc nhập khẩu các module chiến đấu Berezhok từ Nga để tự nâng cấp các xe BMP-1 và BMP-2 ở trong nước.

Với module chiến đấu Berezhok, hỏa lực của các xe BMP cải tiến không hề kém cạnh các xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới của Nga và phương Tây mà chi phí lại thấp, tận dụng ngay được số xe sẵn có và có thể triển khai nhanh.

Bên cạnh việc thay tháp pháo để nâng cấp hỏa lực, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam cần tự lực đại tu, tăng hạn, nâng cấp, cải tiến các chi tiết thuộc về động lực của xe, để kéo dài thời gian sử dụng, v.v…

Nếu như phương án tháp pháo Berezhok vẫn là quá đắt tiền, có thể cân nhắc gói nâng cấp nhẹ BMP-1AM Basurmanin, thay tháp pháo 73mm đã lạc hậu bằng tổ hợp vũ khí tương tự như trên xe thiết giáp BTR-82A, gồm pháo chính 2A72 hiện đại cỡ nòng 30mm (tốt hơn pháo 2A42 trên xe BMP-2 nguyên bản), súng máy đồng trục PKT 7,62mm và các ống phóng lựu đạn khói để ngụy trang.

Quân đội Việt Nam sẽ sớm có ngay 3 sư đoàn hiện đại cùng hàng trăm xe chiến đấu tối tân? - Ảnh 8.
Gói nâng cấp nhẹ BMP-1AM Basurmanin.

Đây là những phương án nâng cấp xe BMP hợp lý, vừa tiết kiệm, kéo dài tuổi thọ của các xe BMP-1 và BMP-2 trong biên chế mà không phải mua xe mới, vừa tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, tích lũy những kinh nghiệm trước khi có những dự định xa hơn trong việc tự chế tạo các xe thiết giáp, xe chiến đấu của bộ binh cơ giới ở trong nước.

Minh Dũng

Bài mới
Đọc nhiều