+
Aa
-
like
comment

Giải mã nguy cơ chiến tranh Trung – Ấn: Lịch sử sẽ lặp lại?

31/05/2020 22:53

Tác giả Sumit Sharma từ Mumbai, Ấn Độ nhận định trên Asia Times rằng, có một số điểm tương đồng nhất định giữa tình hình ngày nay và cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Giải mã nguy cơ chiến tranh Trung - Ấn: Lịch sử sẽ lặp lại?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự buổi chụp ảnh nhóm trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Hạ Môn ở Hạ Môn, Phúc Kiến ngày 4/9/2017

Trung Quốc lần đầu tiên thử thách hệ thống phòng thủ của Ấn Độ trong cuộc tấn công vào một tiền đồn ở Ladakh vào tháng 10/1959 – sự trùng hợp tuyệt đối với căng thẳng hiện tại. Thung lũng Galwan cũng là một khu vực đụng độ chớp nhoáng trong cuộc chiến năm 1962.

Truyền thông Ấn Độ, bao gồm tờ Ấn Độ ngày nay uy tín và nhật báo Hindustan Times, liên kết các hoạt động củng cố của phía Trung Quốc dọc theo Đường kiểm soát thực tế -LAC (đường biên giới tạm thời giữa hai nước) với cuộc khủng hoảng nội bộ do đại dịch Covid-19 gây ra.

Quan điểm đó phản ánh quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tận dụng sự mất tập trung do đại dịch gây ra để cưỡng ép các nước láng giềng trong khu vực, được nhìn thấy trong sự phô trương cơ bắp ở biển Đông và xung quanh Đài Loan.

“Các quan chức Bắc Kinh nói nước này không lấy đại dịch để thi triển chủ nghĩa cơ hội. Nhưng các động thái theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc như vậy cũng có thể là một phương tiện để lãnh đạo Trung Quốc làm chệch hướng sự chú ý khỏi chính phủ của ông Tập Cận Bình và việc xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19”, Sharma viết.

Đại dịch cũng đã gây ra sự gián đoạn lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Sản lượng công nghiệp giảm 13,5% trong tháng 1- 2 so với cùng kỳ năm 2019. Cả dịch SARS trong năm 2002-2003 cũng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 cũng không khiến sản lượng của Trung Quốc giảm mạnh như vậy.

David Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của công ty tư vấn Rand Corporation có trụ sở tại Mỹ, lập luận trong một bài báo cho World politics Review vào ngày 27/5 rằng hành vi quyết đoán của Trung Quốc ít liên quan đến đại dịch Covid-19 và Bắc Kinh đã áp loại chiến thuật tương tự, gây áp lực đối với các nước trong nhiều năm.

Mặc dù điều đó có thể đúng, nhưng có quá nhiều điều xảy ra, khó có thể là một sự trùng hợp.

Nepal, trước đây là một đồng minh của Ấn Độ hiện có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, có liên quan đến một cuộc tranh chấp khác với Ấn Độ về việc xây dựng một con đường dẫn đến các địa điểm hành hương ở Tây Tạng, điều thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết với các cử tri Ấn Độ giáo của ông.

Con đường đi qua một vùng lãnh thổ ở tây bắc mà Kathmandu coi là lãnh thổ của mình. Lập trường của Kathmandu chống lại Ấn Độ chắc chắn được chào đón bởi đồng minh mới của họ ở Bắc Kinh.

Các bài trên Thời báo Hoàn cầu chống Ấn Độ gần đây, bao gồm bài đề cập cuộc chiến năm 1962, làm điều chưa từng có: gắn mác cho Ấn Độ là một kẻ thù của Trung Quốc. Tờ báo hiếu chiến này cũng dẫn ra một số tài liệu cho thấy Bắc Kinh dường như tin rằng có một liên minh mới giữa Mỹ và Ấn Độ nhằm chống lại Trung Quốc.

“Mặc dù một số cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội Ấn Độ phản ánh quan điểm của chính quyền Trump, chính phủ Ấn Độ nên giữ một cái đầu tỉnh táo và không biến mình thành tro đạn pháo của Mỹ, Long Hưng Xuân, một nhà phân tích Trung Quốc, đã viết ở mục Ý kiến của Thời báo Hoàn cầu ngày 25/5.

Trên Twitter ngày 27/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết rằng Mỹ sẵn sàng hòa giải hoặc phân xử giữa [Ấn Độ và Trung Quốc].

Các quan chức cấp cao khác của Mỹ nghiêng về phía Ấn Độ nhiều hơn. “Tôi nghĩ rằng, đụng độ ở biên giới là một lời nhắc nhở rằng sự gây hấn của Trung Quốc không phải lúc nào cũng chỉ là lời nói khoa trương”, Alice Wells, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ cho các vấn đề Nam và Trung Á, nói ngày 20/5.

“Cho dù đó là khu vực ở biển Đông hay là khu vực dọc biên giới với Ấn Độ, chúng ta tiếp tục thấy những hành động khiêu khích và gây rối của Trung Quốc đặt ra câu hỏi về cách Trung Quốc tìm cách sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình”.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Ấn Độ hay Trung Quốc có thể đủ khả năng leo thang thêm các cuộc đối đầu hiện tại ở Sikkim và Ladakh hay không. Mặc dù thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm 12,4% so với cùng kỳ trong hai tháng đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Ấn Độ xuất khẩu chủ yếu là bông, nhiên liệu khoáng sản, quặng và các nguyên liệu thô khác sang Trung Quốc, trong khi nước này nhập khẩu các thiết bị và linh kiện điện tử do Trung Quốc sản xuất được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất. Thâm hụt thương mại Ấn Độ với Trung Quốc là rất lớn, ở mức 53 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2019.

Cho dù điều gì xảy ra tiếp theo ở biên giới, có vẻ như Ấn Độ đang bị kéo vào cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Minh Anh/TP

Bài mới
Đọc nhiều