+
Aa
-
like
comment

Giải mã nguy cơ chiến tranh Trung – Ấn: Bờ vực chiến tranh còn bao xa?

31/05/2020 17:14

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh cho Quân đội Trung Quốc (PLA) nghĩ về những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, đó là một thông điệp bất thường được cho là nhắm vào nước láng giềng Ấn Độ.

Tuyên bố ngày 26/5 của ông Tập được đưa ra trong cuộc họp thường niên với các đại diện quân sự tham dự kỳ họp quốc hội tại Bắc Kinh.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đang đề cập sự leo thang căng thẳng gần đây dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) gần 3.500 km giữa Trung – Ấn. Hai nước có đường biên giới trên bộ chưa được phân giới rõ ràng dài nhất thế giới.

Giải mã nguy cơ chiến tranh Trung - Ấn: Bờ vực chiến tranh còn bao xa?
Lính biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ trên biên giới giữa hai nước

Nhưng bất chấp những lời hùng biện của ông Tập và việc cả hai quốc gia đang triển khai hàng ngàn binh sĩ đến các khu vực miền núi nơi hai bên đối đầu, rất ít nhà quan sát quân sự tin rằng cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 của hai nước lớn châu Á đang lặp lại.

Thời đó, Ấn Độ chứng kiến các cuộc tấn công lớn của Trung Quốc kéo dài từ Kashmir ở phía tây đến phía đông dãy Hy Mã Lạp Sơn. Cuộc chiến đó đã kết thúc trong một thất bại đối với Ấn Độ, thể hiện rõ ưu thế quân sự của Trung Quốc.

Hiện tại, quân đội Ấn Độ, được trang bị và chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống sau cuộc chiến 1962. Họ rõ ràng đã có những bai học, dù cay đắng.

Thêm nữa, hội nhập kinh tế, trao đổi thương mại trong nhiều thập kỷ cũng đã giảm thiểu rủi ro của một cuộc xung đột toàn diện, theo nhận định của một bài báo trên Asia Times.

Sự leo thang căng thẳng gần đây đã xảy ra khi các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ gần một đường biên giới ở Sikkim vào đầu tháng Năm.

Cuộc tranh cãi được nói là bắt đầu khi lính Trung Quốc hét lên với lực lượng Ấn Độ rằng Sikkim không phải là lãnh thổ của Ấn Độ và họ nên rời khỏi khu vực. Bảy người Trung Quốc và bốn người Ấn Độ đã bị thương trong vụ đụng độ nhưng không có phát súng nào được bắn.

Vùng núi Ladakh, một lãnh thổ của Ấn Độ được tách ra khỏi bang Jammu và Kashmir từ tháng 8/2019, trở thành điểm nóng tiếp theo. Để cải thiện kết nối dọc theo biên giới đôi khi không ổn định của mình, Ấn Độ đang xây dựng những con đường mới trong khu vực, nằm cách LAC 10 km, theo các nguồn tin Ấn Độ.

Trung Quốc tranh luận về cách Ấn Độ diễn giải vị trí của LAC và xem công trình đường bộ là mối đe dọa tiềm tàng đối với phần lãnh thổ biên giới xa xôi mà họ đang đóng giữ, bao gồm cả con đường cao tốc chiến lược được xây dựng từ Kashgar ở phía tây Tân Cương đến thủ phủ Lhasa của Tây Tạng vào giữa những năm 1950 để kết nối hai vùng lãnh thổ xa xôi và thường xuyên bất ổn.

Đường cao tốc đó chạy qua một khu vực gọi là Aksai Chin, do Trung Quốc kiểm soát nhưng được xác định là lãnh thổ Ấn Độ trên bản đồ Ấn Độ. Truyền thông Ấn Độ nói rằng những người lính Trung Quốc trong những ngày gần đây đã xâm nhập vào vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát khoảng ba km.

Để đáp lại những gì Bắc Kinh coi là khiêu khích từ Ấn Độ, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, gần đây đã đăng một số bản tin và bài xã luận với giọng điệu mạnh mẽ khác thường về vấn đề biên giới.

Vào ngày 18/5, họ cáo buộc Ấn Độ chịu trách nhiệm về việc xây dựng các cơ sở quốc phòng bất hợp pháp qua biên giới vào lãnh thổ Trung Quốc tại thung lũng Galwan ở Ladakh. Được viết bởi “nhóm phóng viên Thời báo Hoàn cầu”, bài báo nói rằng nếu Ấn Độ leo thang va chạm, quân đội Ấn Độ có thể phải trả giá đắt.

Tiếp sau đó là một bài xã luận mạnh mẽ hơn vào ngày 25/5, cáo buộc những người lính Ấn Độ đã cố tình gây xung đột với lính Trung Quốc.

Bài xã luận nói mặc dù mối quan hệ Trung Quốc với Mỹ đang rất căng thẳng, môi trường quốc tế đối với Trung Quốc tốt hơn nhiều so với năm 1962 khi Ấn Độ tấn công trước và bị đánh bại thảm hại trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc.

Năm 1962, sức mạnh quốc gia của Trung Quốc và Ấn Độ là tương đương nhau. Ngày nay, ngược lại, GDP của Trung Quốc gấp khoảng năm lần Ấn Độ.

Bài của Asia Times nhận định: Sẽ có rất ít sử gia đồng ý với Thời báo Hoàn cầu rằng Ấn Độ là bên chủ động trong cuộc chiến năm 1962. Đó cũng không phải là cuộc chiến hoàn toàn về các khu vực biên giới tranh chấp.

Câu chuyện phổ biến trong nhiều năm này được dựa trên một cuốn sách có tựa đề “Cuộc chiến với Trung Quốc của Ấn Độ”, xuất bản năm 1970, tác giả là Neville Maxwell, một nhà báo Úc gốc Anh (Ấn Độ là thuộc địa cũ của Anh-PV).

Maxwell lập luận rằng Ấn Độ đã kích động chiến tranh bằng cách thiết lập các tiền đồn quân sự mới dọc theo biên giới tranh chấp phù hợp với ý đồ của thủ tướng lúc bấy giờ là Jawaharlal Nehru với “chính sách hướng về phía trước”, đưa ra chưa đầy một năm trước khi chiến sự nổ ra.

Tuy nhiên, nghiên cứu lưu trữ gần đây đã chỉ ra rằng Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị cho hành động quân sự từ đầu năm 1959 và cuộc chiến có liên quan nhiều hơn đến các vấn đề thuộc nội bộ Trung Quốc, bao gồm cả chiến dịch Đại nhảy vọt thảm khốc được phát động vào cuối những năm 1950 dẫn đến nạn đói lan rộng và làm dấy lên sự phản đối trong Đảng Cộng sản chống lại nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.

“Đó cũng là lúc Trung Quốc muốn truất phế Ấn Độ khỏi vai trò thống lĩnh trong Phong trào Không liên kết, liên kết với các quốc gia mới độc lập ở châu Á và châu Phi, thay thế bằng sự lãnh đạo của Trung Quốc đối với các phong trào cách mạng mà sau này Bắc Kinh gọi là “Thế giới thứ ba”, tác giả Sumit Sharma từ Mumbai, Ấn Độ nhận định trên Asia Times.

Anh Minh/TP

Bài mới
Đọc nhiều