+
Aa
-
like
comment

Giải mã huyền tích hổ mẹ hổ con cứu mạng vua Lê Đại Hành

01/02/2022 20:49

Lịch sử Việt Nam ghi nhận nhiều giai thoại liên quan tới vua Lê Đại Hành, trong đó có giai thoại lạ lùng liên quan đến hổ và địa danh “Mả Kễnh” ở Hà Nam.

Giai ma huyen tich ho me ho con cuu mang vua Le Dai Hanh
Tranh minh họa vua Lê Đại Hành. Nguồn: Internet. 

Lê Đại Hành sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941), xuất thân từ nhà thường dân, cha là Lê Mịch làm nghề đơm đó, mẹ là Đặng thị (không rõ tên), còn dân gian gọi là Đặng Thị Sen, bà làm công quả quét sân chùa, do đó với có câu truyền tụng về vua như sau: “Cha đó cá, mẹ lá chùa”. Sau này khi đã làm vua, ông truy phong cha làm Trường Hưng Vương và mẹ làm Hoàng thái hậu.

Cách sách sử ghi chép về quê quán của Lê Đại Hành không đồng nhất, sách Đại Việt sử lược chép Lê Đại Hành quê ở Trường Châu (nay là tỉnh Ninh Bình), còn sách Đại Việt sử ký, bản kỷ thì viết ông người làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi quê vua ở Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), có tài liệu còn ghi rõ nguyên quán vua ở Kẻ Sập, sách Khả Lập, huyện Thụy Nguyên (nay là thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Lê Đại Hành đăng quang ngôi vị tháng 7 năm Canh Thìn (980), làm vua đến tháng 3 năm Ất Tị (1005) thì mất ở điện Trường Xuân, kinh đô Hoa Lư, thọ 64 tuổi. Thi hài vua được an táng tại sơn lăng Trường Yên, dưới chân núi Hoàn Ỷ Sơn (nay thuộc Hoa Lư, Ninh Bình), làm vua được 25 năm. Đánh giá về ông, sử sách nhận định cả ưu điểm và nhược điểm, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua nhân gian dâm trong cung mà lấy được nước, dẹp giặc bên ngoài, để yên lòng dân, trong nước lặng yên, Bắc Nam vô sự. Tiếc rằng không sớm đặt con nối, để cho con cái làm loạn bên trong, rồi đến mất nước; về luân thường vợ chồng có nhiều điều đáng thẹn”.

Về vị vua này, có một giai thoại khá thú vị liên quan đến hổ. Chuyện kể rằng ở phía Nam làng Nhuế, xã Liêm Cần (Thanh Liêm, Hà Nam) có địa danh gọi là “Mả Kễnh” (kễnh là một từ khác để gọi hổ, nên mả kễnh = mả hổ) có liên quan đến giai thoại lạ về Lê Đại Hành được hổ cứu nạn.

Chuyện rằng khi còn hàn vi, đang thời kỳ đi chiêu tập anh tài, kết bạn đồng chí, Lê Hoàn bị lạc vào một khu rừng rậm cây cối chằng chịt, không biết phương hướng nào để thoát ra. Bất chợt ông thấy một vệt máu dài trước mặt, thế rồi ông cứ lần theo vệt máu ấy mà đi, vệt máu dẫn ông thoát khỏi khu rừng và về tới tận núi Bảo Cái quê nhà thì hết.

Lúc đó ông tìm quanh xem có sự lạ gì liên quan đến vệt máu ấy thì thấy xác một con hổ trắng, khi lật ngửa xác hổ lên, Lê Hoàn thấy ngực hổ bị xé toạc, từ vết thương máu vẫn còn rỉ. Đoán rằng con hổ đó đã hi sinh thân mình để cứu ông, Lê Hoàn xót xa, cảm động; ông đem xác hổ chôn cất bên bờ sông.

Chú hổ linh vật cho tỉnh Quảng Trị

Từ hôm đó, đêm nào người ta cũng nghe tiếng gào thét, tiếng khóc thê thảm ở bờ sông. Biết chuyện, Lê Hoàn rình xem thì vào một đêm ông thấy có hai con hổ trắng từ rừng tiến đến bên mộ con hổ mà ông chôn cất, chúng dừng lại phục xuống mà kêu gào, khóc thảm. Biết chúng là con của ân nhân, Lê Hoàn tiến lại nói rằng:

– Mẹ hai vị đã vì tôi mà chết, ơn cứu mạng này biết đền đáp ra sao?

Theo sách viết về huyền thoại, truyền thuyết Đinh Lê ở Hà Nam thì khi nghe Lê Hoàn nói, hai hổ trắng lau nước mắt nhìn ông “rồi ngửa mặt nhìn trời, cúi mặt nhìn đất, quay nhìn bốn hướng, cúi đầu lạy tạ”, sau đó chúng quay hướng đi về rừng.

Lúc ấy Lê Hoàn trầm tư suy nghĩ, cho rằng ý hổ muốn nói rằng giữ yên trời đất, bốn phương non nước này là cách đền ơn trả nghĩa tốt nhất. Vừa lạy tạ trước mộ hổ mẹ thì đột nhiên có tiếng hô hét vang lên, đuốc lửa sáng rực khiến hai hổ con hoảng sợ cuống cuồng tìm đường chạy, hóa ra là một đoàn thợ săn rình bắt hổ, Lê Hoàn vội vàng lao đến cản nhưng không kịp, hai con hổ bị bắn tên độc đầy mình.

Trong lúc hỗn loạn, Lê Hoàn cũng không may dính hai mũi tên vào vai, thấy vậy một con hổ đem hết sức còn lại lao lên rút tên độc ra, con còn lại nhảy lên cắn đứt phần thịt ngấm độc ở vai Lê Hoàn rồi cùng lăn ra chết.

Khi toán thợ săn chạy đến chứng kiến cảnh tượng lạ, họ nghe Lê Hoàn kể lại ngọn ngành câu chuyện, tất cả đều hối hận ngậm ngùi rồi cùng nhau chôn cất hai hổ bên mộ hổ mẹ. Nơi đó, sau này người dân gọi là “Mả Kễnh” hay “cửa Kễnh” ở Liêm Cần (Thanh Liêm, Hà Nam), đến nay ở đây vẫn lưu truyền câu cửa miệng: “Đi qua Mả Kễnh mà lên đồng rừng”, hay “Đi qua cửa Kễnh mà lên đồng rừng”.

Thái Dũng

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều