“Giải mã” hiện tượng biến mất Covid-19 ở Nhật Bản
Số ca Covid-19 ở Nhật Bản bất ngờ giảm mạnh, giới chuyên gia đã vào cuộc “giải mã” hiện tượng số ca Covid-19 đột ngột giảm mạnh khó hiểu gần đây, trong số đó có giả thuyết virus biến đổi quá nhiều đến mức “tự diệt”.
Delta “tự diệt” ở Nhật Bản?
Những tuần gần đây, số ca Covid-19 ở Nhật Bản bất ngờ giảm mạnh, một xu hướng khác hẳn so với làn sóng mới bùng phát ở châu Âu và một số nước khác trong khu vực. Hôm 23/11, cả quốc gia 125 triệu dân này thậm chí chỉ ghi nhận 107 ca nhiễm mới. Con số này quá thấp so với 26.000 ca ghi nhận hôm 20/8, đỉnh lây nhiễm trong làn sóng Covid-19 thứ 5 ở Nhật Bản, và mức trung bình hơn 21.000 ca/ngày ở giai đoạn đó.
Số ca tử vong do Covid-19 cũng giảm mạnh. Hôm 24/11, Nhật Bản chỉ có một ca tử vong, so với 89 ca hôm 8/9. Đến nay, Nhật Bản ghi nhận hơn 18.000 người chết vì đại dịch này.
Nhận định về hiện tượng giảm đột ngột này, ông Ituro Inoue, giáo sư thuộc Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản, đưa ra một giả thuyết liên quan đến chính sự biến đổi của Delta. Cụ thể, bộ gen của virus SARS-CoV-2 thay đổi với tốc độ khoảng 2 đột biến mỗi tháng. Theo ông Inoue, biến chủng Delta ở Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến đối với các protein phi cấu trúc, có khả năng sửa lỗi của virus này tên là nsp14. Kết quả là virus phải “vất vả” để sửa lỗi theo thời gian, cuối cùng dẫn đến hiện tượng “tự diệt”. Ông Inoue đã đưa ra giả thuyết với ban cố vấn của chính phủ Nhật Bản hồi đầu tháng.
Ông Kazuhiro Tateda, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Nhật Bản và cũng là thành viên ban cố vấn của chính phủ, cho rằng giả thuyết này có thể xảy ra nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời
“Một câu hỏi là tại sao nó không xảy ra sớm hơn vì lỗi ở bộ gen của virus đã xuất hiện ở làn sóng thứ 3 hồi tháng 1 năm nay. Hơn nữa, lỗi này cũng đã được ghi nhận ở một số quốc gia châu Á khác, trong đó có Hàn Quốc, Thái Lan, nhưng vì sao tác động của nó chỉ thấy ở Nhật Bản”, ông Tateda nói.
Nhật Bản chưa thoát đại dịch
Ông Tateda nhận định: “Hiện giờ, giả thuyết nhiều khả năng nhất đó là hiện tượng này là kết quả kết hợp của nhiều yếu tố”.
Theo ông Tateda, độ phủ vaccine Covid-19 cao là yếu tố then chốt. Nhật Bản đã tiêm chủng hơn 196 triệu liều vaccine Covid-19, gần 78% dân số trưởng thành đã được tiêm đủ hai mũi. Tất nhiên, ông nhấn mạnh, đó không phải là yếu tố duy nhất bởi Hàn Quốc cũng đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 79% dân số nhưng Covid-19 đang tiếp tục bùng phát mạnh trở lại ở nước này.
“Một yếu tố khác nữa có thể cũng có vai trò quan trọng đó là chúng ta đã tiêm chủng nhiều trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, khoảng 40% tổng số mũi tiêm ở Nhật Bản diễn ra ở giai đoạn đó. Có thể do vậy mà bây giờ chúng ta có tỷ lệ miễn dịch cao hơn”, ông Tateda nói.
Ngược lại, Hàn Quốc và các nước khác bắt đầu triển khai tiêm chủng sớm hơn nhưng dần dần hơn, nghĩa là hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể đang suy giảm ở những người tiêm chủng từ đợt đầu. Ông Tateda nói, việc hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể suy giảm sau khi tiêm mũi thứ hai khoảng 6 tháng cũng là điều mà Nhật Bản phải lưu tâm, đặc biệt là vào đầu năm tới. Ông khuyến cáo: “Tôi cho rằng, đó có thể là thời điểm nguy hiểm với Nhật Bản, vì vậy chúng ta không nên lơ là cảnh giác”.
Ngoài những yếu tố trên, một yếu tố mà các chuyên gia gọi là “hiệu ứng truyền thông” cũng có thể là lý do. Việc tuyên truyền giúp người dân Nhật Bản nâng cao cảnh giác như chấp hành nghiêm chỉnh biện pháp phòng dịch ở nơi công cộng, hạn chế đến nhà hàng, quán bar.
“Nếu để ý, quý vị sẽ thấy, mọi người vẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, dùng nước sát khuẩn, duy trì giãn cách xã hội”, ông Tateda nói.
Trong khi đó, Yoko Tsukamoto, giáo sư tại Đại học Hokkaido, cho rằng sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 có mối liên hệ chặt chẽ đến thời tiết khí hậu, virus này có xu hướng lây lan nhanh hơn vào mùa đông. Do vậy, bà cảnh báo, hiện tượng giảm ca nhiễm hiện nay có thể chỉ là tạm thời và sẽ tăng trở lại trong vài tuần tới.
Nhiều chuyên gia cũng chung quan điểm rằng, Nhật Bản chưa thể thoát đại dịch, đặc biệt là khi virus tiếp tục biến đổi. Hiện tại, giới khoa học bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của biến chủng B.1.1.529 từ Nam Phi chứa tới 32 đột biến. Biến chủng B.1.1.529 đã được phát hiện ở hơn 100 trường hợp trên thế giới, chủ yếu ở Nam Phi. Các nhà khoa học có thể phải mất vài tuần nữa để xác định liệu bất thường về số lượng đột biến có làm cho B.1.1.529 dễ lây lan hay dễ kháng vaccine hơn không.
(Theo SCMP, AFP)