Giải mã gene để sớm phát hiện biến thể Omicron
Trong bối cảnh nhiều nước đóng cửa “câu giờ” cho tới khi hiểu hơn về Omicron, các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam nên sớm giải mã gene để phát hiện biến thể mới.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron từ Nam Phi gợi nhớ tới giai đoạn chủng virus Delta Ấn Độ gây nên đợt khủng hoảng dịch toàn cầu. Delta được phát hiện lần đầu vào tháng 12/2020, nhưng đến cuối tháng 4/2021, chủng này mới xuất hiện tại Yên Bái, Việt Nam (bệnh nhân 2.857).
Độ trễ này là nhờ các chính sách siết chặt và cách ly nghiêm ngặt với người nhập cảnh mà Việt Nam thực hiện giai đoạn đó. Tuy nhiên, virus đến chậm cũng không khiến tình hình dịch tại Việt Nam khá hơn nhiều so với các quốc gia khác. Dịch lan nhanh tại các tỉnh phía Bắc và thật sự bùng phát mạnh, lan rộng trên cả nước khi xuất hiện tại TP.HCM hồi tháng 5.
Hơn 23.000 người đã qua đời sau hơn 5 tháng chống dịch. Biến thể Delta chỉ vừa tương đối được kiểm soát tại Việt Nam thì sự xuất hiện của biến thể Omicron ở một số quốc gia vào cuối năm – thời điểm của nhiều dịp lễ, Tết – làm dấy lên mối lo ngại về làn sóng dịch thứ 5.
Tạm thời đóng cửa một số đường bay quốc tế, tích cực giải mã gene các ca nhập cảnh dương tính, tuân thủ 5K, khẩn trương tiêm vaccine mũi 3 là những biện pháp được nhiều chuyên gia y tế đề xuất để đón đầu biến thể Omicron.
Giải mã gene để phát hiện biến thể mới
“Trước hết phải phát hiện được biến thể mới này, muốn phát hiện thì chỉ có duy nhất cách giải mã gene”, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nêu quan điểm khi nói về sự chuẩn bị để ứng phó với biến thể mới.
Là đơn vị thường xuyên giải mã gene các chủng virus SARS-CoV-2 tại TP.HCM từ khi bùng phát dịch đến nay, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho rằng để phát hiện biến thể mới cần quan tâm người nhập cảnh.
“Trường hợp nhập cảnh nào dương tính thì chắc chắn phải giải mã gene. Số đó không nhiều, có thể làm được. Còn giải mã hết ca dương tính trong cộng đồng thì mênh mông quá, không khác nào mò kim đáy biển”, bác sĩ Trường nói.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường cho biết sắp tới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có thể phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để giải mã gene của nhóm này nhằm đảm bảo phát hiện biến thể sớm nhất có thể.
Song song với đó, chuyên gia cho rằng các trường hợp nhập cảnh phải được cách ly chặt chẽ, không để lây lan ra cộng đồng. Hiện, Việt Nam cách ly người nhập cảnh trong vòng một tuần (người tiêm đủ vaccine, âm tính với SARS-CoV-2), bác sĩ Trường gợi ý để ứng phó với Omicron, có thể xem xét kéo dài thời gian cách ly.
Trong bài viết “Chúng ta đã biết gì về biến thể Omicron?” đăng tải hai ngày sau khi WHO công bố biến thể mới, TS Nguyễn Thu Anh và ông Ngô Hoàng Anh (Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock Việt Nam) có quan điểm tương tự.
Hai chuyên gia khuyến nghị Việt Nam xây dựng hệ thống tầm soát các biến thể lưu hành bằng cách giải trình tự gene hoặc thực hiện xét nghiệm PCR ngẫu nhiên mẫu bệnh phẩm được thu thập, kể cả trong nước hoặc nhập cảnh.
Bên cạnh đó, họ đề xuất áp dụng biện pháp tạm thời là hạn chế nhập cảnh với các nước có biến thể đang lưu hành/có vị trí địa lý liền kề, bao gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Hong Kong, Bỉ, Israel; tiếp tục theo dõi và bổ sung vào danh sách trên nếu cần thiết.
“Những biện pháp này nên được duy trì đến khi Việt Nam có đầy đủ hiểu biết về biến thể và ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine, hoặc hệ thống y tế đã đủ sẵn sàng đón một đợt bùng phát mới”, hai chuyên gia từ Viện Woolcock kiến nghị.
Giám sát dịch tễ người nhập cảnh
Nói về chuẩn bị cho biến thể Omicron, TS.BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp (địa phương đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến thể Delta tại TP.HCM), cho rằng giải pháp vẫn là “chống dịch triệt để” y chang như đang làm, có nghĩa không nhiễm là tốt nhất.
Ở cấp độ thành phố, ông đề nghị giám sát dịch tễ qua theo dõi các luồng di biến động dân cư, đặc biệt là người đến/về từ nước ngoài cần được lấy mẫu giám sát dịch tễ để xem có nhiễm biến thể Omicron hay không. Nếu phát hiện thì sớm báo động cho thành phố.
Còn ở góc độ địa phương, ông Hòa chia sẻ không thể phát hiện người bệnh nhiễm biến thể Delta hay Omicron chỉ qua xét nghiệm thông thường. Do đó, địa phương tiếp tục những công việc đang làm. Quan trọng là công tác giám sát dịch tễ từ các cấp trên.
Trong khi Việt Nam chưa chính thức có động thái đóng cửa biên giới với các quốc gia xuất hiện biến thể mới thì nhiều nước trên thế giới có xu hướng siết chặt nhập cảnh nhằm “câu giờ” cho đến khi hiểu rõ hơn về Omicron.
Nhật Bản cùng Israel và Maroc là 3 quốc gia cấm tuyệt đối tất cả du khách nước ngoài. Trong khi đó, Australia trì hoãn việc mở lại biên giới trong 2 tuần.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. Bốn nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.
Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.
Sớm tiêm vaccine mũi 3
Nói về kinh nghiệm từ đợt dịch do biến thể Delta, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa nhận định Delta có khả năng lây nhiễm nhanh, độc lực cao. Omicron được dự báo còn lây lan mạnh hơn, do đó, kinh nghiệm là cần kiểm soát không để biến thể mới lan rộng.
Trước câu hỏi về việc có nên siết chặt biện pháp hành chính, bác sĩ Hòa nhắc lại chủ trương hiện nay là thích ứng an toàn, linh hoạt. Do đó, nếu cần thiết thì phải đặt vấn đề biện pháp hành chính theo từng đối tượng nhiễm. Ví dụ, nhóm A có tỷ lệ cao nhiễm biến thể mới thì cần phân tích nguyên nhân, rồi đưa ra quy định để kiểm soát nhóm này.
Song song đó, việc tiêm mũi 3, đặc biệt cho nhóm ưu tiên (nhân viên y tế, người bệnh nền, cao tuổi) để giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong là điều cần khẩn trương thúc đẩy. Việc này là nhằm bảo vệ những nhóm yếu thế về sức khỏe trong xã hội.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thu Anh và ông Ngô Hoàng Anh cho rằng Việt Nam cần xây dựng chiến lược tiêm chủng toàn dân để phủ vaccine an toàn trong thời gian ngắn nhất, tiến tới tiêm mũi 3 cho các nhóm có nguy cơ, bao gồm người trên 65 tuổi, nhân viên y tế, bệnh nền, đặc biệt là những người đã tiêm 2 mũi vaccine ngoài hai loại mARN được cấp phép.
Hệ thống y tế tuyến cơ sở cần được củng cố, gia tăng năng lực lấy mẫu cũng như năng lực xét nghiệm RT-PCR để có thể trả kết quả trong vòng 24 giờ từ khi lấy mẫu. Người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K.
Việt Nam cũng cần phát triển các loại vaccine để có thể gia tăng khả năng bảo vệ chống lại biến thể này. “Về lý thuyết, sự kết hợp của nhiều đột biến trên protein gai sẽ làm giảm đáng kể hiệu lực của những loại vaccine hiện tại, và Delta đã cho chúng ta thấy điều đó. Như vậy, dù không bị vô hiệu hoá hoàn toàn, khả năng bảo vệ chúng ta khỏi biến thể này sẽ thấp một cách đáng kể”, 2 chuyên gia từ Viện Woolcock cảnh báo.
Ngày 25/11, giới chuyên gia Nam Phi phát hiện biến thể mới là B.1.1.529 ở Botswana. Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên cho biến thể này là Omicron và liệt nó vào danh sách “biến thể đáng lo ngại” vì khả năng lây lan có thể hơn 5 lần Delta.
Ngày 29/11, WHO cảnh báo Omicron có số lượng đột biến chưa từng có, khả năng lây lan ở cấp độ toàn cầu là cao, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. WHO khuyến cáo các nước áp dụng cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro để “điều chỉnh biện pháp đi lại quốc tế một cách kịp thời”.
Khai Tâm