+
Aa
-
like
comment

“Giải cứu” Vietnam Airlnes bằng cách rót thêm 12.000 tỷ: Đừng để “thằng có tiền đè thằng ít tiền”

12/11/2020 18:22

Đại dịch Covid-19 khiến ngành hàng không toàn thế giới khốn đốn, dĩ nhiên trong đó có Việt Nam. Trên thế giới, một số hãng hàng không danh tiếng ngấp nghé bờ vực phá sản, và đã có nhiều hãng lớn phải nhờ chính phủ ra tay cứu giúp. Ở Việt Nam, thì từ Việt Nam Airlnes (VNA), VietJet Air (VJ) , đến Bambo… cũng đều “dở sống dở chết”… Hãng nào cũng lỗ, riêng ông lớn VNA lỗ nặng nhất.

Kế hoạch “giải cứu” (VNA) bằng cách rót thêm 12.000 tỷ cho hãng hàng không này đang được bàn thảo giữa vô số ý kiến trái chiều, đồng thuận ít và phản đối cũng khá nhiều. Người ta đang bảo rằng nếu không có số tiền trên, VNA sẽ nguy ngập và có thể phá sản?

Nhưng lấy gì để đảm bảo rằng VNA có thêm 12.000 tỷ sẽ lại bừng lên tươi sáng hay tiếp tục chìm trong thua lỗ khi chính Phó Tổng GĐ VNA Trịnh Hồng Quang không hề giấu diếm “Với tình hình như vậy dự kiến sang năm 2021 mỗi ngày Vietnam Airlines sẽ lỗ từ 55-60 tỉ đồng. Theo đó, mức lỗ của năm 2021 vẫn sẽ ngang bằng với mức lỗ năm 2020”. Hiện khoản lỗ ròng sau 9 tháng đầu năm 2020 của hãng hàng không quốc gia lên đến 10.676 tỉ đồng?

Ai đó sẽ biện bạch rằng do đại dịch, khách ít đi, nước ngoài ít đến và quy mô lớn nên VNA lỗ nhiều nhưng tại sao với thị phần lớn hơn nhưng VJ chỉ lỗ chưa đến 1000 tỷ cùng thời gian? Còn Bamboo, dù quy mô nhỏ, mới ra đời thì tính theo tỷ lệ thì cũng không thua lỗ nhiều như thế.

Giải cứu cho một thương hiệu quốc gia và hy vọng vớt vát ở những năm tiếp theo, khi dịch hết giao thương hồi phục, đi lại nhiều hơn không hẳn là điều đừng nên làm nhưng ít nhất cũng phải có câu trả lời vì sao thua lỗ quá nhiều như vậy, do đại dịch hay vì quản trị kém, bộ máy cồng kềnh, chi tiêu chưa hợp lý?

Rõ được điều đó thì mới bớt lo 12.000 tỷ kia không phải “gió vào nhà trống” và xua đi “bóng ma”12 đại dự án thua lỗ vẫn ám ảnh và hành hạ ngân sách đến tận ngày hôm nay. Minh bạch được những chuyện như vậy thì dân chúng mới đỡ sợ tiền của mình có nguy cơ trôi sông đổ biển. Còn không, 12.000 tỷ ấy có giống như nuôi các “con nghiện” khát tiền đã từng nuôi và nếu thua lỗ, mất mát tiếp thì ai sẽ chịu trách nhiệm, bị xử lý sẽ là nỗi lo của những người ngày đêm đóng thuế. Nhưng dư luận vẫn phải tự hỏi tai sao chỉ giải cứu VNA? Trong khi các hãng tư nhân khác nhà nước không phải bỏ vốn đầu tư mà hàng năm vẫn nhận hàng nghìn tỷ tiền thuế, phí của các hãng này?

Thẳng thắn với nhau thì đóng góp cho xã hội các hãng bay tư nhân đang làm tốt hơn bởi Nhà nước thu thuế hàng ngàn tỷ đồng mà chẳng phải bỏ ra xu nào hay lo rằng thất thoát, thua lỗ tiền của quốc gia.

Có công bằng hay không khi chỉ mình VNA được xem xét giải cứu dù trước đó họ đã có rất nhiều lợi thế của hãng hàng không quốc gia nhưng vẫn thua lỗ nặng nề!

Chúng ta cũng có quyền đặt câu hỏi nếu được Nhà nước bơm thêm 12.000 tỷ thì nghĩa vụ và trách nhiệm của VNA cùng cơ quan quản lý doanh nghiệp này là gì? 12.000 tỷ đủ để lập hãng bay mới, vậy có nên tái cấu trúc hãng hàng không quốc gia như Philippines, Nhật, Thái đã và đang làm?

Hà Phan

*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của người viết

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều