Thay vì ‘giải cứu’, cần các giải pháp căn cơ cho nông nghiệp
Để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững thì không chỉ giải cứu sản phẩm nông nghiệp dư thừa theo mùa vụ mà phải có giải pháp căn cơ.
Gần đây, thực hiện các biện pháp ngăn chăn lây lan của dịch virus Covid-19 người trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng… ở nước ta cũng đang khốn đốn vì sản phẩm xuất sang Trung Quốc gặp nhiều trở ngại.
Nhiều người, nhiều nhóm ở các địa phương, một lần nữa, lại bắt đầu chiến dịch kêu gọi “giải cứu” như là động thái chia sẻ với người nông dân trong hoàn cảnh khó khăn này.
Như vậy, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại với nông dân nước Việt trong nhiều năm qua chứ không chỉ vì Covid-19 lần này.
Với kinh tế thị trường, khủng hoảng thừa trong sản xuất, kinh doanh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, một số sản phẩm năm nào đến mùa thu hoạch cũng lâm vào khủng hoảng thừa như dưa hấu, thanh long, caphe…rồi lại phải hô hào cộng đồng “giải cứu”, còn nông dân thì lặp đi lặp lại chu trình “chặt trồng”, “trồng chặt” như ở nước ta thì đó lại là điều bất thường.
Tình trạng này không chỉ làm cho nông dân điêu đứng, nhiều người bị phá sản mà còn làm cho đất nước mất đi một khối lượng sản phẩm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp và cả nền kinh tế quốc gia.
Nếu ai thấu hiểu được nỗi gian truân của người nông dân một nắng hai sương làm ra sản phẩm mà phải bán tống bán tháo, thậm chí không thèm thu hoạch mà “trả lại cho đất” làm phân bón ruộng thì không thể không xót xa cho sự uổng phí công sức thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của nhà nông.
Để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững thì không chỉ giải cứu sản phẩm nông nghiệp dư thừa theo mùa vụ mà phải có giải pháp căn cơ. Theo thiển nghĩ của người viết bài, dưới đây có thể là những biện pháp giúp ích cho nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Chú trọng công tác dự báo, thông tin
Việc nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế. Vì vậy người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời.
Không những vậy, phần nhiều nông dân cũng không được các cơ quan chức năng, hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo trong quá trình sản xuất. Cho nên, ở nhiều địa phương nông dân vẫn sản xuất hàng hoá theo kiểu tù mù.
Thay vì tìm hiểu thông tin thị trường, địa chỉ tiêu thụ sản phẩm rồi mới đầu tư sản xuất, thì nông dân thấy một loại nông sản nào đó được giá thì tất cả đổ xô, lao vào sản xuất theo phong trào, dẫn đến dư thừa. Đến lúc đó vẫn không biết địa chỉ tiêu thụ sản phẩm ở đâu mà chỉ ngồi chờ thương lái thu mua. Nên nông dân thường xuyên bị ép giá, buộc phải bán tống bán tháo, thậm chí phải đổ bỏ. Đầu năm 2018, thảm cảnh hoa ly, dưa chuột, bắp cải, su hào, củ cải… phải bán với giá rẻ như cho, thậm chí có những nơi nông dân buộc phải bỏ rau củ lại ruộng hoặc đổ xuống sông là một ví dụ.
Cần hình thành chuỗi sản xuất bền vững, mở rộng thị trường
Do những hạn chế về công nghệ, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ. Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng đòi hỏi quanh năm nên vào những thời điểm chính vụ, cung tăng mà cầu không tăng, dẫn đến dư thừa, năng lực dự trữ và công nghệ chế biến nông sản của nước ta còn rất hạn chế.
Xin nêu dẫn chứng, từ năm 2002 đến 2017, mặc dù sản lượng nông sản tăng rất nhanh, cụ thể thịt lợn tăng ba lần, sữa tăng 15 lần, các sản phẩm vật nuôi, cây trồng tăng ba, bốn lần. Trong khi đó, năng lực chế biến nông sản dự trữ tăng không đáng kể, rau chỉ khoảng 5%, thịt chỉ 1%… [2]
Bởi vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân và đầu tư phát triển công nghệ chế biến nông sản. Đây là giải pháp quan trọng để giải cứu nông sản cho nông dân.
Về thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, vẫn tập trung nhiều vào Trung Quốc. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt trên 40 tỷ USD, thị trường Trung Quốc chiếm 22,9% [3]; năm 2019, đạt 41,3 tỷ USD, thị trường Trung Quốc chiếm 27,8% [3]. Vẫn biết, với thị trường có trên 1,4 tỷ người và là láng giềng của Việt Nam thì chúng ta cần phải tận dụng lợi thế này. Tuy nhiên, nếu để tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa quá lớn, nhất là nông sản vào một quốc gia thì khi có biến động về kinh tế, chính trị, xã hội dễ gặp rủi ro. Bởi vậy, trong xuất nhập khẩu nói chung cũng như xuất khẩu nông sản nói riêng không nên để tỷ trọng quá lớn vào một thị trường.
Nâng cao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Do công nghệ sản xuất lạc hậu, lại còn tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo. Vì vậy, chất lượng nhiều nông sản do người Việt sản xuất không chỉ người tiêu dùng các nước phát triển (rất khó tính) mà ngay cả với người tiêu dùng trong nước vẫn rất quan ngại. Mặt khác, do công nghệ lạc hậu nên chi phí sản xuất trong nông nghiệp của nước ta còn rất cao. Vì vậy, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam thường yếu thế so với nông sản các nước khác không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả thị trường trong nước.
Với thực trạng đó, đang đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc nâng cao công nghệ trong sản xuất trong nông nghiệp.
Khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất nông nghiệp
Mặc dù từ nhiều năm qua, Nhà nước đã có chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, đến nay nông dân nước ta hầu hết vẫn canh tác theo lối nhỏ lẻ.
Do những hạn chế của luật đất đai về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hạn điền và thời hạn giao đất nông nghiệp làm cho nông dân chưa yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Quy định thời gian sử dụng đất, mức hạn điền của luật đất đai rất thấp, không phù hợp với phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Quy định đó cũng mâu thuẫn với chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm tăng quy mô canh tác, phát triển kinh tế trang trại, giải quyết việc làm cho người lao động …
Những ràng buộc của luật đất đai làm cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch từ đó không thích ứng được quy luật cung cầu của kinh tế thị trường.
Để “giải cứu” nông sản cho nông dân một cách cơ bản, lâu dài và mở đường cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và đời sống của nông dân, đòi hỏi các bộ, ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương phải phối hợp khắc phục những nguyên nhân đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng giải pháp căn cơ, có tính khả thi.
Nguyễn Huy Viện/VNN