+
Aa
-
like
comment

Giải cứu nông sản Hải Dương: Lòng tốt được kích hoạt

Diệu Hương - 24/02/2021 17:04

Trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản của nông dân Hải Dương, nhiều tổ chức, cá nhân đã vào cuộc. Người thì tham gia vận chuyển nông sản; người thì đăng, share tin bài kêu gọi; người thì tìm đến những địa điểm bán hàng để mua ủng hộ.

Hàng chục tấn nông sản được giải cứu trong vòng 15 phút, nông sản vùng dịch được tiêu thụ chớp nhoáng tại Hà Nội, góp phần ủng hộ bà con nông dân. Những thông tin liên tục được đăng tải trên các trang mạng xã hội mấy ngày qua đã và đang giúp những người nông dân trong vùng dịch ít nhiều cảm thấy ấm lòng. Sự sẻ chia, hỗ trợ kịp thời của xã hội, của cộng đồng trong lúc nước sôi, lửa bỏng chính là động lực cổ vũ tinh thần, giúp họ tiếp tục vượt khó, vươn lên.

Người nông dân làm lụng trên ruộng đồng vốn khó khăn trăm bề chỉ với một mong mỏi thành quả sau cùng “trúng mùa, được giá”. Vậy nhưng đại dịch Covid-19 đang khiến mong mỏi chính đáng ấy trở nên xa vời khi sản phẩm không tìm được đầu ra…

Đồng cảm, xót xa trước những nỗi vất vả của người nông dân, trước những cánh đồng hoa màu đến kỳ thu hoạch có nguy cơ bị bỏ héo úa; những lứa gà, vịt không thể tiêu thụ dù đã tới thời điểm xuất chuồng. Những cánh tay nối dài trong cộng đồng đã và đang tìm lối ra cho nông sản vùng dịch, giúp người dân không phải dứt bỏ đi những thành quả một nắng, hai sương của mình.

Sự gắn bó, đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau để chống lại thiên tai địch họa, dịch bệnh vốn là những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Qua thời gian, những giá trị quý báu ấy vẫn luôn được người dân Việt nuôi dưỡng, phát huy đến ngày nay. Câu chuyện giải cứu nông sản là một minh chứng rõ nét cho tinh thần ấy.

Trong chừng mực ngắn hạn, đây được xem là giải pháp hết sức kịp thời, hiệu quả giúp giải tỏa khó khăn cho nông dân. Tuy nhiên, xét về lâu dài, khi hàng ngìn tấn rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch tại nhiều tỉnh thành phía Bắc vẫn đang mắc kẹt bởi dịch bệnh, thì câu chuyện tiêu thụ nông sản thiết nghĩ cần có một giải pháp tối ưu, bài bản hơn.

Để giải bài toán này cần sự chủ động, trách nhiệm của các ban, ngành chức năng địa phương; có cơ chế hỗ trợ kinh phí tiêu thụ nông sản; vận động sự tham gia của các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Và để đảm bảo an toàn dịch bệnh, các cơ quan chức năng cũng cần giúp các nông dân thực hiện các quy định về phòng chống dịch trong vận chuyển và tiêu thụ nông sản, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Và cũng là hai chữ trách nhiệm còn để nhắc nhở bản thân mỗi người tham gia công cuộc giải cứu nông sản.

Tinh thần tương thân, tương ái là rất đáng quý, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, trách nhiệm giữ gìn an toàn cho bản thân và cộng đồng cũng cần được đề cao. Sự chia sẻ cần đi đôi với ý thức phòng dịch. Người bán đảm bảo đủ điều kiện về sinh an toàn, khử khuẩn đúng theo yêu cầu của ngành y tế. Người mua không tập trung quá đông người, giữ khoảng cách an toàn tại nơi bán nông sản và nhất thiết phải đeo khẩu trang. Có như vậy việc sẻ chia, hỗ trợ mới mang đúng ý nghĩa, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Diệu Hương

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều