Giải cứu 72 tấn cam sau một buổi livestream
Ứng dụng công nghệ livestream và thương mại điện tử, cuộc giải cứu cam bóc Phủ Quỳ (Nghệ An) sáng 8/4 ở Nghệ An bán được 72 tấn.
Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Mia Fruit, thành viên Ban vận động Hỗ trợ tiêu thụ và quảng bá cam, quýt huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, buổi livestream được tổ chức ngay tại vườn cam. Trong đó, chỉ riêng nội dung tham quan vườn cam kéo dài gần 45 phút của một Tiktoker nổi tiếng đã thu hút được hơn 3,3 triệu lượt xem, 10.000 lượt tương tác, hơn 3.000 lượt bình luận.
Cùng với kênh này, sàn thương mại điện tử, website bán cam của chương trình và các thành viên như Trang trại Nông sản Phủ Quỳ và Mia Fruit cũng nhận nhiều đơn hàng, góp phần giúp 72 tấn cam được tiêu thụ.
Bà Huyền cho biết, các đại lý ở Hà Nội, TP HCM, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng… đặt nhiều nhất, có đơn tới 10 tấn, chưa kể khách mua lẻ ít nhất một thùng 10 kg.
Ông Quán Vi Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp đánh giá, chương trình đã mang một “làn gió mới” về cách kinh doanh nông sản cho địa phương.
Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên cam bóc Phủ Quỳ canh tác dễ dàng, không đầu tư cho phí nhiều vẫn có năng suất, chất lượng tốt. Tuy nhiên, là giống mới chỉ được trồng 15 năm nay nên chưa được biết đến nhiều, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương và lân cận. Đầu năm nay do ảnh hưởng Covid-19 nên đầu ra càng khó.
Nghệ An còn khoảng hơn 10.000 tấn cam bóc Phủ Quỳ. Riêng huyện Quỳ Hợp khoảng hơn 5.000 tấn. Giá cam tại vườn đang rất thấp. Trước khi có chiến dịch, người nông dân bán với mức giá 3.000-4.000 đồng một kg. Do các chương trình giải cứu không đúng cách, càng đẩy mức giá tại vườn xuống còn 2.000, thậm chí là 1.500 đồng một kg.
“Nhiều chương trình giải cứu nông sản nổ ra với tinh thần tương thân tương ái, nhưng do các đội giải cứu không hiểu rõ đặc tính sản phẩm và thị trường, thu mua hàng xô bao gồm cả hàng loại, xấu, vô tình tạo hiệu ứng ngược khi chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng không đảm bảo”, bà Huyền nói.
Vì thế, Ban vận động lên kế hoạch chi tiết, chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tuyển lựa và đóng gói sản phẩm theo quy chuẩn để đẩy ra thị trường. Chương trình đang mua cho nông dân với giá 5.000-6.000 đồng một kg và bán ra cam loại 1 giá 150.000 đồng một thùng 10 kg (tại miền Bắc), giá 170.000 đồng (giá từ Đà Nẵng trở vào).
Ban đầu, chương trình định tìm một người đại diện (host) để livestream cùng nông dân nhưng lại nhận được sự ủng hộ tham gia của nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, trong đó có anh Lê Thành Vân, Chủ tịch GUMAC, người nổi tiếng livestream theo phong cách nông dân về tận vườn hỗ trợ.
Sau khi đặt mua trong livestream, khách hàng ở các vùng có điểm trung chuyển cam đã được thiết lập có thể giao trong ngày. Những nơi chưa có điểm trung chuyển, chương trình sẽ cùng kêu gọi hỗ trợ lập điểm trong 5-7 ngày có thể giao hàng được. Với một số nơi quá xa điểm trung chuyển, chương trình sẽ hẹn thời gian sớm nhất có thể.
Sau đó, chương trình nhận được đề xuất hỗ trợ của Shopee trong việc hỗ trợ truyền thông qua các kênh như fanpage Feedy Việt Nam, kênh Tik Tok Anh Nông Dân, Kênh Youtube Ông Thọ, Hương vị Quê hương … Nhờ các nhân vật của công chúng, hiệu ứng ngày càng tăng cao. Các buổi livestream của họ sẽ xoay quanh việc kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ mua cam bóc Phủ Quỳ, giới thiệu về sản phẩm, cách dùng sản phẩm, cũng như các món ăn, đồ uống từ cam bóc Phủ Quỳ.
“Chương trình cũng đang nghiên cứu một kế hoạch lâu dài cho việc ứng dụng livestream cho nông dân trực tiếp”, bà Huyền cho biết thêm.
Dỹ Tùng/ VNE