Giấc mơ Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới vào năm 2045, tại sao không?
Rất nhiều người cười khẩy vào mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường có thu nhập cao (GDP đầu người trên 12.535 USD). Thậm chí, nó còn trở thành cái cớ để các đối tượng lu loa xuyên tạc cho rằng lãnh đạo Việt Nam “nổ”. Trước khi tiếp tục bình luận, hãy nhìn vào bảng so sánh dưới đây:
Chúng ta thấy gì, những con số nói lên sau 25 năm thu nhập đầu người Việt Nam đã cao gấp 9,75 lần, tăng 54 hạng và về qui mô nền kinh tế lớn gấp 12,9 lần, vượt qua 21 quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa rằng, 25 năm qua chúng ta đã làm được kỳ tích, đưa nền kinh tế tăng gấp 10 lần cả về qui mô lẫn mức sống của người dân, tăng 21 hạng về qui mô nền kinh tế và tăng 54 hạng về thu nhập đầu người (thịnh vượng) trên bảng xếp hạng các quốc gia.
Căn cứ vào những con số biết nói như vậy, thì có gì là “nổ”, là quá sức khi đặt ra mục tiêu 25 năm tới, Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường? Đến ngay cả hãng tư vấn PwC cũng dự đoán rằng năm 2050 Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới tính theo PPP (GDP quốc gia 3.176 tỷ USD và GDP đầu người 28.200 USD) hay CEBR (UK) dự đoán rằng năm 2035 Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á thì tại sao chúng ta không dám mơ, không dám tin rằng 20 -25 năm tới chúng ta cũng làm được điều tương tự?
Khi một số người vẫn hoài nghi thì lãnh đạo đất nước đã bắt tay vào thực hiện hóa giấc mơ đó. Như mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề “Đối thoại 2045” để biểu dương sự đóng góp những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân và trí thức với các thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới và nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, đồng thời tiếp tục lắng nghe các ý kiến để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Rất xúc động khi trong buổi hội thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến di nguyện của Bác Hồ là, “Việt Nam trở nên vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu” để nói lên tâm huyết của người đứng đầu Chính phủ, đồng thời cũng khơi gợi lại tinh thần yêu nước của mọi người. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, “mỗi người tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt mọi khó khăn thì tương lai mới vẻ vang. Đó cũng chính là tinh thần tuyệt vời của chúng ta trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua”. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã khởi xướng chương trình “Đối thoại 2045”, sáng kiến này sẽ góp phần vun đắp niềm tin, sự chung sức, đồng lòng thông qua đối thoại, lắng nghe để cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa di nguyện của Bác về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu.
Thông điệp lớn nhất mà người đưa nền kinh tế Việt Nam vụt sáng bất chấp đại dịch Covid -19 không chỉ là niềm tin mà còn là lời hiệu triệu sức mạnh của toàn dân. Mỗi người Việt sẽ là sức mạnh nhỏ từ đó sẽ tạo thành sức mạnh to lớn giúp Việt Nam đạt được kỳ tích một lần nữa.
Lãnh đạo đất nước đã bắt tay vào thực hiện, thì tại sao chúng ta – người chịu tác động trực tiếp trước sự thay đổi ấy lại đứng ngoài thời cuộc. Hoài nghi không thay đổi được tương lai nhưng hành động thì có thể!
Thu An